Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Thời gian gần đây, giá đường trong nước tăng rất cao. giá bán lẻ có lúc lên đến 18.000 đồng/kg nên tình trạng buôn lậu đường tăng mạnh.

![]() |
Đường từ bên kia biên giới về tập trung ở gần cửa khẩu Doun Rodth. |
Ở Tây Ninh, tình trạng buôn lậu đường qua biên giới diễn biến tuỳ theo giá đường trong nước cao hay thấp hơn so với giá đường các nước láng giềng. Thời gian gần đây, giá đường trong nước tăng rất cao. giá bán lẻ có lúc lên đến 18.000 đồng/kg nên tình trạng buôn lậu đường tăng mạnh.
Theo đoàn Điện lực Tây Ninh đến biên giới thực hiện nghiệm thu và đấu nối đường điện từ Tân Châu (Tây Ninh) sang Memot (Kampong Cham), chúng tôi đi qua Trạm Kiểm soát cửa khẩu Vạc Sa đến cửa khẩu Doun Rodth. Đoạn đường từ cửa khẩu Vạc Sa đến cửa khẩu Doun Rodth là đường đất và rất xấu vì hằng ngày có nhiều lượt xe tải qua lại. Ở cửa khẩu Vạc Sa không hề thấy “dấu hiệu” buôn lậu, nhưng đến cửa khẩu Doun Rodth thì trái ngược lại. Nhiều bao đường Thái Lan loại 50 kg được chất công khai tại gốc cây xoài lớn cạnh cửa khẩu Doun Rodth về phía Việt Nam. Một phụ nữ bán nước giải khát lưu động trên xe gần đó cho biết đây là đường mua từ chợ Memot chuyển về tập trung tại đây chờ “chẻ nhỏ”. Vài phút sau đó, một nhóm mô tô chất những bao đường lên chạy về phía cửa khẩu Vạc Sa, mỗi mô tô chở ít nhất 6 bao đường, có xe chở đến 10 bao (500 kg). Đến gốc cây xoài, những bao đường được bỏ bớt lại để chẻ nhỏ qua nhiều đường luồn lách vượt qua cửa khẩu Vạc Sa về Tân Hà.
Khi “chẻ nhỏ” sang Việt Nam, mỗi xe chở chỉ khoảng 3 bao. Sau khi qua khỏi khu vực Trạm Kiểm soát cửa khẩu Vạc Sa, đường lậu được tập trung trở lại, mỗi xe mô tô lại chất hàng chục bao chở về chợ Tân Hà, chợ Tân Đông và nhiều nơi khác tiêu thụ.
Càng về trưa lượng xe chở đường từ bên kia biên giới sang càng nhiều. Đến trưa thì gần như liên tục. Người vận chuyển đường không chỉ có nam giới mà có một số phụ nữ. Chúng tôi lân la hỏi thăm, một số người thấy chúng tôi là người lạ nên né tránh, nhưng cũng có một vài người chẳng ngán ngại gì. Qua trao đổi với một số người vận chuyển đường ở gần gốc cây xoai, chúng tôi được cho biết đường mua từ chợ Memot với giá khoảng từ 630.000 đến 640.000 đồng/bao. Khi chở về đến chợ Tân Hà hoặc chợ Tân Đông thì bán được khoảng 680.000 đến 690.000 đồng/bao. Trừ các khoản chi tiền xăng, tiền nộp trạm phía bên kia biên giới thì mỗi bao đường còn có lãi khoảng từ 30.000 đến 40.000 đồng. Mỗi ngày chở được 10 bao thì mỗi người có thể thu được ít nhất là từ 300.000 đồng trở lên. Có người khoẻ, đi nhiều chuyến trong ngày thì thu nhập càng cao hơn nữa. Mức thu nhập này quả là hết sức hấp dẫn đối với dân nông thôn.
![]() |
Chuẩn bị “chẻ nhỏ” qua trạm Vạc Sa. |
Không chỉ có vậy, không ít người đi buôn đường lậu tranh thủ chuyến đi chở một số hàng tiêu dùng sang bỏ mối cho một số sạp ở chợ Memot để kiếm thêm mớ lãi, sau đó mới mua đường chở về. Vì thế mà người đi buôn không chỉ có dân các xã biên giới và trong đó có không ít cặp vợ chồng cùng đi buôn. Một đôi vợ chồng trẻ ở xã Tân Đông cùng đi buôn đường cho biết đi buôn đường lậu có lãi khá nhiều nhưng cũng lắm nhiêu khê. Những người có vốn tự sang bên kia biên giới mua đường về bán thì có lãi khá hơn, khoảng được 40.000 đồng mỗi bao. Thế nhưng khi bị phát hiện, đường bị tịch thu thì trắng tay, hết vốn, có khi phải mang nợ. Muốn có tiền trang trải cuộc sống và trả nợ thì phải vận chuyển đường cho “đầu nậu”, không phải bỏ vốn ra nhưng chỉ được trả có 20.000 đồng mỗi bao vận chuyển trót lọt. Tuy nhiên không phải ai muốn tham gia vận chuyển đường qua biên giới đều được chấp nhận, “đầu nậu” chỉ thuê những người có “uy tín” mà thôi.
Hơn 1 giờ ở cửa khẩu Doun Rodth, chúng tôi thấy có đến hơn 20 chuyến xe chở đường từ bên kia biên giới qua. Tính trung bình mỗi chuyến xe về chở khoảng 5 bao đường thì chỉ ở một cửa khẩu nhỏ Doun Rodth trong vòng hơn 1 giờ đã có đến cả trăm bao đường Thái Lan nhập lậu vào Việt Nam. Một vài người ở đây cho biết “không phải chỉ có bấy nhiêu, còn nhiều xe chở đường dừng phía bên kia không dám qua vì thấy có người lạ, nếu không thì số lượng xe về còn nhiều hơn nữa”. Thế nhưng nếu quan sát tại cửa khẩu Vạc Sa thì không hề thấy bóng dáng nào của xe mô tô vận chuyển đường chạy qua. Chuyện buôn lậu đường qua biên giới chỉ diễn biến sôi động trên các con đường mòn hai bên “cánh gà” khu vực trạm kiểm soát.
Sơn Trần