Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Cửa khẩu Vạc-Sa – Tân Châu: Hoạt động giao thương còn hạn chế
2009-11-13 05:44:00

Việc giao thương qua cửa khẩu Vạc- Sa hạn chế đã làm cho chợ Vạc- Sa thêm phần hiu quạnh.

Chợ biên giới Vạc- Sa không hoạt động giao thương.

Trong nhiều năm qua, quan hệ giữa Việt Nam và Vương quốc Campuchia nói chung, giữa Tây Ninh và các tỉnh giáp biên giới phía Campuchia nói riêng không ngừng được củng cố và phát triển về mọi mặt. Trong những năm gần đây, Chính phủ của hai nước đã ký kết Chương trình hợp tác, tạo điều kiện thúc đẩy giao thương giữa hai bên. Cửa khẩu Vạc- Sa là một trong nhiều cửa khẩu phụ ở Tây Ninh, nằm trên địa bàn xã Tân Hà huyện Tân Châu có lượng hàng hoá qua lại khá nhiều, thế nhưng tốc độ phát triển giao thương thì vẫn còn chậm.

Cửa khẩu Vạc- Sa cách trung tâm xã Tân Hà chỉ khoảng hơn 4 km. Tuy chỉ là cửa khẩu phụ nhưng hoạt động giao thương, trao đổi hàng hoá giữa người dân hai nước diễn ra khá nhộn nhịp.

Lúc này đang vụ thu hoạch khoai mì nên có khá nhiều xe cải tiến, xe máy cày tay kéo rơ-mooc chở khoai mì từ phía Kampong Cham sang Tây Ninh bán. Ngược lại, hàng tiêu dùng được đưa từ Tây Ninh qua bên kia biên giới khá nhiều bằng xe tải. Ngoài ra, còn có không ít xe mô tô chở các loại hàng hoá nông sản do dân Campuchia sản xuất được- từ đồ hàng bông, đậu mè… sang các chợ lân cận như Tân Hà hoặc Tân Đông bán.

Hoạt động giao thương ở cửa khẩu Vạc- Sa diễn ra nhộn nhịp với lượng hàng hoá qua lại mỗi ngày khá lớn nhưng do đây là cửa khẩu phụ nên cơ sở hạ tầng vẫn còn quá “khiêm tốn”. Con đường chính từ trung tâm xã Tân Hà lên khoảng 3 km đã được trải nhựa, nhưng đoạn từ đường này vào cửa khẩu Vạc- Sa- chỉ có hơn 1 km vẫn còn là đường đất. Lượng xe cộ lưu thông mỗi ngày khá nhiều nên đến nay đoạn đường này đã hư hỏng nghiêm trọng, mặt đường loang lổ, lầy lội rất khó đi. Đoạn đường từ cửa khẩu Vạc- Sa (Tây Ninh) đến cửa khẩu Doun Rodth (Kampong Cham) cũng không khá hơn. Những chiếc xe tải chở hàng hoá nặng di chuyển trên đoạn đường này vừa rất khó khăn lại vừa nguy hiểm, làm hạn chế sự trao đổi hàng hoá giữa hai bên qua cửa khẩu này. Trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu hiện nay chỉ là dãy nhà 3 căn lợp tôn, vách gỗ. Cửa khẩu cũng chỉ là một thanh chắn bằng cây bắc qua hai trụ

Xe tải chở hàng hoá chờ qua cửa khẩu Doun Rodth đối diện cửa khẩu Vạc- Sa.

tạm. Chung quanh cửa khẩu còn trống trải, hoang sơ. Nếu hạ tầng khu vực cửa khẩu Vạc- Sa được nâng cấp đúng mức có lẽ lượng hàng hoá giao thương qua lại không chỉ có bấy nhiêu.

Việc giao thương qua cửa khẩu Vạc- Sa còn hạn chế đã làm cho chợ Vạc- Sa thêm phần hiu quạnh. Chợ Vạc Sa là ngôi chợ biên giới trên địa bàn xã Tân Hà, nằm cách cửa khẩu Vạc Sa vài trăm mét. Chợ được xây dựng kiên cố từ năm 2001. Tổng chi phí xây dựng nhà lồng chợ Vạc Sa và một số công trình phụ lúc đó lên đến hơn 620 triệu đồng- nếu so với thời giá hiện nay thì phải trên cả tỷ đồng. Chợ Vạc- Sa xây dựng nhằm tạo điểm giao thương giữa cư dân hai bên biên giới khi khu vực cửa khẩu Vạc- Sa phát triển. Thế nhưng từ khi xây dựng đến nay- đã qua 8 năm chợ Vạc Sa vẫn cứ bỏ hoang vì chưa có hộ kinh doanh nào vào mua bán. Người ta đưa ra nhiều nguyên nhân khiến cho chợ Vạc- Sa không hoạt động được như là chưa hoàn chỉnh mặt bằng chung quanh chợ, bãi giữ xe, hệ thống điện, thoát nước… Thực tế, một trong những nguyên nhân chủ yếu là do dân cư ở đây rất thưa thớt. Mà nguyên nhân khiến dân cư khu vực này chậm phát triển chính là do việc giao thương giữa hai bên biên giới chậm phát triển.

Để hoạt động giao thương giữa hai bên biên giới Tây Ninh- Kampong Cham qua cửa khẩu Vạc- Sa phát triển mạnh hơn và chợ Vạc- Sa không còn hoang phế thì có nhiều việc phải làm nhưng trước mắt là tỉnh cần sớm đầu tư nâng cấp đoạn đường vào cửa khẩu.

SƠN TRẦN

 

Từ khóa:
Báo Tây Ninh
Báo Tây Ninh
Tin liên quan