BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cực nhọc nghề phơi lúa mướn

Cập nhật ngày: 31/03/2015 - 03:07

 

Anh Trung với công việc kiếm sống hằng ngày.

“Làm nông đủ ăn là hạnh phúc rồi, không dám mong có dư. Cuộc sống vất vả lắm anh à. Tôi lại đông con- đến 4 đứa. Nay thì chúng đều lớn cả rồi. Hai đứa con gái đã có chồng ra riêng. Còn hai đứa con trai thì một đứa đã thực hiện xong nghĩa vụ quân sự, nó cùng với thằng út đi làm phụ xế xe tải cho mấy công ty tư nhân gần đây”.

Anh Nguyễn Văn Trung thật thà chia sẻ trong lúc cùng chúng tôi vui câu chuyện tâm tình bên ngôi nhà lá nho nhỏ. Ngôi nhà nằm cạnh con rạch Tây Ninh thuộc địa bàn ấp Long Trung, xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành, gần cây cầu đúc xi măng bắc qua bên kia vùng đất thuộc huyện Châu Thành.

Tôi tò mò hỏi ngôi nhà cất từ bao lâu rồi, anh trả lời: đã hơn 10 năm nhưng đây là nhà cất nhờ trên đất của người khác. Tìm hiểu thêm mới biết, người chủ đất tốt bụng ấy là ông Trần Văn Nghề, năm nay đã 81 tuổi, ngụ gần Trường tiểu học Long Thới.

Thấy anh Trung hiền, chất phác, chịu khó làm ăn, tính tình lại thật thà, không tham lam, ích kỷ, ông Nghề thương tình cho anh phơi “ké” lúa trên sân phơi của ông, lại cho ở đậu để anh tiện chăm sóc 0,5 công đất lúa của mình gần đó. Ruộng nhà có ít, làm không đủ sống, hơn 6 năm qua anh Trung có thêm nghề phơi lúa mướn.

Mấy mươi năm trước những gia đình làm nông gần rạch Tây Ninh, hầu như nhà nào cũng có sân phơi. Theo năm tháng, nhiều hộ cắt đất cho con cái ra riêng hoặc bán bớt đi do không chịu xiết cảnh thất mùa, rớt giá.

Những năm về sau, người ngày càng đông, lúa ngày càng tăng năng suất mà sân phơi lại ít đi, nông dân gặt lúa xong phải chạy đôn đáo tìm chỗ phơi, cũng có người do kẹt tiền cần bán lúa sớm để kịp làm đất cho vụ mới.

Thế là xuất hiện lớp thương lái thu mua lúa tươi đem về phơi bán. Và anh Trung cũng như nhiều nông dân nghèo khác ở khu vực quanh đấy bắt đầu làm cái nghề phơi lúa mướn cho các thương lái. Anh phơi lúa ngay trên nền đất và sân phơi ông Nghề cho mượn.

Nghề phơi lúa mướn không dành cho những người e ngại sự cực nhọc, bởi nó đòi hỏi phải rất chịu khó và gần như phải thường xuyên dang mình ngoài nắng.

Mỗi sáng, chờ cho nắng lên, anh Trung dùng xe đẩy đưa những bao lúa từ chỗ tập kết ra sân phơi, nhẫn nại từng chuyến, từng chuyến một, đem chất thành từng cụm nhỏ, sau đó xổ từng bao lúa ra rồi dùng cây trang ban lúa cho đều ra khắp sân phơi.

Cứ cách chừng một tiếng đồng hồ lại phải ra đảo lên một lần cho lúa khô đều. Làm nghề này dứt khoát phải biết chú ý canh chừng thời tiết để còn kịp thu dọn, đậy điệm trước khi trời mưa, kẻo công sức phơi phóng cả ngày trở thành công cốc.

Hỏi thu nhập từ công việc phơi lúa mướn thế nào, anh Trung không ngại nói thật: sân phơi chỗ anh có sức chứa khoảng 10 tấn một lần phơi. Gặp thời điểm nắng ráo như hiện nay, phơi xong 10 tấn lúa cũng mất 2 ngày. Tiền công phơi là 100.000 đồng/tấn.

Dựa theo lời anh kể, tôi nhẩm tính trong tháng thu hoạch cao điểm lúa đông xuân, anh có thể kiếm được trên dưới 15 triệu đồng.

Một nông dân làm thuê kiếm được chừng ấy thu nhập kể cũng đáng phấn khởi, cho dù công việc không ít nặng nhọc, vất vả.

Thời gian qua, chị Tuyết- một thương lái chuyên thu mua lúa ở các xã biên giới của huyện Châu Thành và Tân Biên thường xuyên đem lúa về giao cho anh Trung phơi. Nhờ vậy anh có việc làm liên tục.

Có sân phơi rộng rãi, thuận lợi, tính tình lại cẩn thận, chịu khó, làm việc kỹ lưỡng nên anh Trung thường được các thương lái tín nhiệm, giao cho khối lượng lúa phơi nhiều hơn so với những người cùng nghề với anh ở khu vực quanh đó.

Xuất thân từ gia đình nông dân nghèo khó, cuộc sống riêng hiện tại cũng còn nhiều vất vả nhưng bằng chính đôi tay lao động cần mẫn, miệt mài, anh Trung đã chứng minh được rằng một người có sức khoẻ bình thường, nếu biết chí thú làm ăn, biết tự mình nỗ lực vươn lên thì không bao giờ phải lo cảnh thất nghiệp, đói khổ và hoàn toàn có khả năng cải thiện được cuộc sống của mình.

NGHIÊM KHÁNH