Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Công ty CP đường Biên Hoà kiến nghị các cấp, các ngành liên quan khẩn trương xử lý dứt điểm trường hợp chưa đồng tình việc bồi thường để công ty sớm triển khai các dự án trong cụm chế biến.

Năm 1995, Công ty CP đường Biên Hoà được tỉnh đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy mía đường Biên Hoà- Tây Ninh trên địa bàn xã Tân Bình, thị xã Tây Ninh với diện tích 10 ha. Sau khi nhà máy xây dựng xong thì Cụm Công nghiệp Tân Bình cũng được tỉnh quy hoạch với diện tích gần 100 ha, trong đó có phần bao trùm lên diện tích xây dựng Nhà máy đường Biên Hoà- Tây Ninh. Năm 2004, tỉnh giới thiệu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông thuộc địa bàn xã Thành Long để Công ty CP đường Biên Hoà đầu tư xây dựng cụm chế biến công nghiệp, trong đó có mục tiêu di dời Nhà máy đường Biên Hoà- Tây Ninh về cụm chế biến. Từ đó đến nay, việc triển khai xây dựng cụm chế biến này gặp khó khăn, tiến độ thực hiện rất chậm.
Ông Lê Quang Hải, Giám đốc Ban quản lý Dự án Cụm chế biến công nghiệp phía Tây sông Vàm Cỏ Đông cho biết đầu tháng 7.2007, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để giải phóng mặt bằng xây dựng cụm chế biến. Tháng 9.2007, UBND tỉnh ban hành quyết định về việc thu hồi 374.506,5m2 đất tại ấp Nam Bến Sỏi, xã Thành Long, huyện Châu Thành. Song song đó, Công ty CP đường Biên Hoà lập quy hoạch chi tiết 1/2.000 cụm chế biến để trình UBND tỉnh phê duyệt. Năm 2008, phương án bồi thường cụm chế biến được phê duyệt và tiến hành bồi thường cho các hộ dân có đất bị thu hồi. Đến tháng 10.2009, trong tổng số 75 hộ trong vùng dự án cụm chế biến, chỉ còn 2 hộ chưa nhận tiền bồi thường.
![]() |
Ứng dụng CGH để tăng sản lượng mía ở Thành Long chuẩn bị nguyên liệu cho Nhà máy đường 6.000 TMN |
Theo dự án, Cụm chế biến công nghiệp phía Tây sông Vàm Cỏ Đông có công trình trung tâm là nhà máy chế biến mía đường công suất 6.000 tấn mía cây/ngày đặt trên diện tích 10 ha. Đây là công trình dự kiến di dời Nhà máy đường Biên Hoà- Tây Ninh hiện hữu đến cụm chế biến và được nâng cấp. Phần còn lại là những nhà máy chế biến các sản phẩm từ phế phẩm mía đường như: sản xuất cồn Etanol; sản xuất phân bón; sản xuất thức ăn gia súc; sản xuất hoá chất làm sơn và một số nhà máy sản xuất các sản phẩm từ phế phẩm mía đường khác. Từ sau khi kết thúc việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, Công ty CP đường Biên Hoà đã tiến hành rà phá bom mìn, xây dựng nhà Ban quản lý, lập đánh giá tác động môi trường, san lấp mặt bằng… với tổng chi phí khoảng hơn 17 tỷ đồng.
Riêng công trình trung tâm cụm chế biến là Nhà máy đường 6.000 tấn/ngày, công ty đã lập dự án di dời Nhà máy đường Biên Hoà- Tây Ninh đến cụm chế biến để có thể thực hiện nhanh khi mặt bằng giải toả, san lấp và xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh. Song song đó, công ty đã đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu mía khu vực xã Thành Long để tăng sản lượng mía nhằm đủ cung cấp cho nhà máy khi đưa vào hoạt động. Thế nhưng, việc triển khai san lấp mặt bằng khu vực dự kiến xây dựng nhà máy gặp khó khăn do còn 1 hộ dân không nhận tiền bồi thường. Do đó mà trong 10 ha chuẩn bị mặt bằng cho nhà máy, đến nay Công ty CP đường chỉ mới san lấp được hơn 7 ha, còn 3 ha còn lại chưa san lấp được. Dự án di dời và nâng cấp Nhà máy chế biến mía đường Biên Hoà- Tây Ninh tại cụm chế biến do đó mà đến nay vẫn chưa triển khai. Trong thời gian qua, Công ty CP đường Biên Hoà đã mua bổ sung cụm thiết bị che ép công suất 4.000 tấn mía cây/ngày và nhiều thiết bị khác như bồn lắng, bốc hơi, nấu đường, ly tâm, lò hơi… để chuẩn bị nâng công suất nhà máy lên 6.000 tấn/ngày, nhưng do mặt bằng chưa giải phóng xong nên các thiết bị đến nay vẫn chưa sử dụng. Nhà máy chế biến mía đường trung tâm chưa được xây dựng nên các nhà máy vệ tinh khác cũng không thể xây dựng được do không có nguyên liệu từ phế phẩm chế biến mía đường để hoạt động.
Trong khi chờ đợi kết quả xử lý việc bồi thường giải phóng mặt bằng đối với 1 hộ còn lại, để dự án tiếp tục được triển khai, Công ty CP đường Biên Hoà đã quyết định triển khai trước một số tiểu dự án như: nhà máy công nghệ sinh học; nhà máy sản xuất phân bón lá và nhà máy sản xuất men thức ăn gia súc. Theo Ban quản lý thì Nhà máy công nghệ sinh học sản xuất giống mía cấp 2 có công suất 1 triệu cây giống/năm để cung cấp giống mía sạch, chất lượng tốt cho nông dân trồng mía và sẽ triển khai vào đầu năm 2012. Còn Nhà máy sản xuất phân bón lá Fitomass E và Nhà máy sản xuất men thức ăn gia súc Levadura Torula thì sản xuất từ mật rỉ và phế phẩm khác của cây mía với công nghệ tiên tiến được chuyển giao từ Cuba. Tuy nhiên, theo quy định thì các sản phẩm này muốn đưa vào sản xuất kinh doanh phải được khảo nghiệm và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt đưa vào danh mục được phép sản xuất. Do đó hiện nay công ty đang nhập khẩu các sản phẩm từ Cuba để khảo nghiệm thông qua Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam và Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM.
Giám đốc Ban quản lý Dự án Lê Quang Hải cho biết Công ty CP đường Biên Hoà kiến nghị các cấp, các ngành liên quan khẩn trương xử lý dứt điểm trường hợp chưa đồng tình việc bồi thường, sớm thu hồi đất để công ty sớm triển khai các dự án trong cụm chế biến.
Sơn Trần