BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cung cấp hạt giống kém chất lượng- nông dân bị thiệt hại: Trách nhiệm thuộc về ai?

Cập nhật ngày: 07/04/2009 - 05:59
Ông Thức (đội nón) bên những trái bí “dị dạng”

Trong thời gian qua, tình trạng phân bón kém chất lượng đã gây thiệt hại không nhỏ cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng cho đến nay, vẫn chưa có cơ quan chức năng nào thống kê chính xác tác hại của phân bón kém chất lượng, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng, để quy trách nhiệm về thiệt hại gây ra cho nông dân. Hiện nay, thực tế cho thấy không chỉ có phân bón kém chất lượng gây thiệt hại cho nông dân, mà còn có cả hạt giống kém chất lượng…

Một ngày cuối tháng 3, chúng tôi đến thăm ruộng bí của nông dân Lê Văn Thức, ngụ tổ 7, ấp Tân Thạnh, xã Tân Bình, huyện Tân Biên. Ông Thức đang hết sức rầu rĩ vì ruộng bí “hồ lô” rộng đến 4 ha của ông chuẩn bị đến ngày thu hoạch lại bị lẫn lộn khá nhiều những trái bí… “đồ lô”. Bí hồ lô là loại bí đỏ (còn gọi là bí rợ) có dạng bầu hồ lô, thắt eo giữa trái. Đây là loại bí không to trái, nhưng thịt rất dẻo và ngon nên có giá bán cao nhất trong các giống bí đỏ, nên có nhiều nông dân tìm mua hạt giống về trồng. Ông Thức mua hạt giống bí hồ lô ở một cửa hàng tại địa phương, do một công ty ở TP.HCM sản xuất, cung cấp. Hạt giống chứa trong bao bì kín đáo, ngoài bao bì in hình ảnh quả bí hồ lô rất đẹp và những dòng chữ công bố chất lượng như: “sinh trưởng mạnh; khả năng đậu trái cao- khoảng 5-6 trái/dây; độ sạch 99%; độ thuần 98%...” Giữa tháng 1.2009, ông Thức làm đất, gieo hạt đúng quy trình trồng bí đỏ. Mỗi ha ông Thức đầu tư khoảng 32 triệu đồng. Ông tính, ruộng bí hồ lô của ông nếu chỉ đạt năng suất khoảng 20 tấn/ha thôi, thì khoảng 70 ngày sau ông có lãi ít nhất phải hơn 15 triệu đồng/ha. Thế nhưng, khi dây bí sinh trưởng chỉ mới nửa thời gian (khoảng 35 ngày) ông Thức phát hiện ra là ruộng bí của mình bị lẫn bí tạp quá nhiều. Trên ruộng bí chỉ có một số dây thực sự cho ra trái bí hồ lô, số còn lại có dây không đậu được trái nào, có dây thì cho ra nhiều loại trái lộn xộn khác nhau- tròn có, dài có, hình bánh xe có và có cả trái hình giống quả… khinh khí cầu. Những trái bí “dị dạng” này có màu sắc khác nhau và nhìn chẳng “bắt mắt” chút nào. Ông Thức cho biết chất lượng bí tạp rất tệ- vừa bở, vừa nhạt nên chắc chắn không thể bán được cho người tiêu dùng, cùng lắm thì người ta mua về làm thức ăn gia súc với giá rẻ mạt. Tính ra, cả 4 ha bí của ông Thức mùa này bị thiệt hại không dưới 60 triệu đồng do giống bí kém chất lượng.

Cũng gặp tình trạng giống như ông Thức, ông Lê Văn Dũng ở ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên trồng 3 ha bí hồ lô. Hạt giống bí hồ lô mà ông Dũng gieo cũng mua từ cửa hàng mà ông Thức đã mua và cũng do cùng một công ty ở TP.HCM sản xuất. Chỉ hơn 1 tháng sau khi gieo hạt giống, ông Dũng cũng đã phát hiện nhiều dây bí cho ra trái tạp không đúng giống bí hồ lô. Theo ông Dũng đánh giá thì bí tạp chiếm tỷ lệ đến hơn 50%, tính ra cả 3 ha bí của ông Dũng sẽ bị thiệt hại không dưới 50 triệu đồng.

Bao bì hạt giống bí hồ lô

Sự việc nông dân trồng bí hồ lô cho ra bí “đồ lô” được khiếu nại đến cửa hàng phân phối hạt giống. Ông Lê Văn Cuông- chủ cửa hàng cho biết đó là hạt giống bí hồ lô lai F1 của Công ty CP thương mại- xuất nhập khẩu Đông Nam Á ở TP.HCM bán ra. Công ty bán hạt giống theo cách ký gửi, sau 2 tháng mới đến thu tiền. Trước khi nhận bán hạt giống bí hồ lô, ông Cuông đã lấy hạt giống này trồng thử 2 lần cho kết quả tốt. Sau khi hay tin hạt giống bí hồ lô bán ra có chất lượng kém, tỷ lệ lẫn tạp cao, ông Cuông báo cho công ty, đề nghị cho người đến tại ruộng kiểm tra. Đầu tháng 3, Công ty có cử đại diện đến, cùng chính quyền địa phương kiểm tra tại ruộng bí. Sau khi khảo sát, tỷ lệ bí tạp không đúng giống được các bên xác định là 33,87%, trong đó có 14% là hoàn toàn không có trái. Đại diện Công ty hứa ngày 11.3.2009 đến giải quyết, nhưng nhiều ngày sau đó vẫn không thấy đâu. Bức xúc, những nông dân bị thiệt hại này khiếu nại đến cơ quan chức năng trong tỉnh. Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với đại diện Công ty và Công ty chấp nhận thoả thuận bồi thường thiệt hại cho nông dân.

Thực tế ở Tây Ninh đã có những nông dân gặp phải tình trạng thiệt hại do sản xuất từ hạt giống kém chất lượng- không phải chỉ có hạt giống bí hồ lô mà còn những loại hạt giống khác. Từ đó có nhiều người băn khoăn là công tác quản lý giống như thế nào và biện pháp chế tài nhà cung cấp hạt giống không đạt chất lượng ra sao? Nhiều người cho rằng, để giảm bớt thiệt thòi cho nông dân, cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý giống trên địa bàn, có giải pháp xử lý nghiêm khắc đơn vị sản xuất loại hạt giống kém chất lượng, buộc nhà cung cấp giống phải bồi thường thiệt hại cho nông dân.

Sơn Trần


 
Liên kết hữu ích