BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cùng chia sẻ để giảm bớt nỗi đau da cam

Cập nhật ngày: 27/11/2009 - 09:46

Bà Lê Thị Sáu, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Tây Ninh trao tiền hỗ trợ cho chị Nguyễn Thị Kim Cương, ngụ ở ấp Rộc, xã Thạnh Đức (Gò Dầu)

Theo sự hướng dẫn của ông Chủ tịch Hội CCB phường Hiệp Ninh, chúng tôi tìm đến nhà của ông Phan Thanh Hùng, sinh năm 1961, ngụ ở khu phố Hiệp Bình, phường Hiệp Ninh (Thị xã). Đây là một gia đình có ba người là nạn nhân chất độc da cam.

Ông Hùng vốn là một quân nhân từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nam và đã có hơn 4 năm làm nghĩa vụ quốc tế ở nước bạn Campuchia. Năm 1983, ông xuất ngũ trở về quê hương rồi lập gia đình. Điều đáng buồn là cả ba người con của ông Hùng tên Duyên, Dung và Trung đều bị nhiễm chất độc da cam. Trong đó chỉ có một người còn đủ năng lực để có thể đến trường.

Để trị bệnh cho con, ông Hùng đã phải bán đi 3 ha đất rẫy, đưa con đi khắp các bệnh viện ở TP. HCM. Từ đó, cái nghèo, cái đói cũng bắt đầu đeo bám lấy gia đình ông. Năm 2007, ông Hùng được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Tây Ninh trợ giúp số tiền 1 triệu đồng để làm ăn. Với số vốn trên, ông thuê một mảnh đất trồng cải. Nhờ vậy cuộc sống của gia đình ông đã đỡ khổ hơn. Ông tâm sự: “Nếu không có nguồn vốn của Hội giúp đỡ kịp thời thì tôi chẳng biết sinh sống bằng nghề gì”.

Giống như ông Hùng, bà Nguyễn Thị Mai, sinh năm 1938, ngụ ở ấp Vịnh, xã An Cơ (Châu Thành) cũng có 4 người con bị nhiễm chất độc da cam. Chồng bà Mai vốn là người đã từng tham gia kháng chiến chống Mỹ. Hiện nay, ông đã mất nhưng hậu quả của chất độc da cam thì vẫn còn hiện diện trong gia đình. Các anh Công, Ngân, Lực và Phước, 4 người con của ông  bà tuy đã lớn nhưng trí khôn thì chỉ bằng đứa trẻ lên ba. Suốt ngày họ cứ quanh quẩn bên mẹ nhưng không phụ giúp được gì cho bà. Nay tuổi bà Mai đã cao, sức khoẻ ngày càng yếu nên cuộc sống của gia đình đang rất khó khăn.

Năm 2008, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Tây Ninh tặng cho gia đình bà Mai một con bò cái giống. Hiện tại, nó đã cho ra đời thêm một con bê. Bà Mai phấn khởi nói: “Tui già rồi nên không còn làm việc nặng nhọc được. May nhờ có Hội giúp cho con bò để nuôi nên cũng có cái để sinh nhai. Nếu không, với đồng lương trợ cấp hằng tháng thì cuộc sống của gia đình tui không biết sẽ ra sao!”.

Ông Trần Thanh Hải, ngụ ấp Long Tân, xã Long Thành Bắc (Hoà Thành) cũng có cô con gái- em Trần Thị Mai Thảo, sinh năm 1999 là nạn nhân chất độc da cam. Với đồng lương còm cõi của một công nhân nhà máy gạch, ông Hải phải lo toan cho cả 4 miệng ăn trong nhà trong khi, vợ và con thường xuyên ốm đau nên cuộc sống gia đình lúc nào cũng chật vật. Cả 4 người phải sống trong một căn nhà lụp xụp, xiêu vẹo. Mỗi khi trời đổ mưa thì trong nhà cũng như ngoài trời. Năm 2009, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã xây tặng cho gia đình ông Hải một căn nhà tình thương trị giá 18 triệu đồng. Hôm nhận bàn giao nhà, ông Hải xúc động nói: “Trước đây, mỗi khi trời mưa thì cả nhà tôi đều không ngủ được. Mặc dù rất muốn cất lại căn nhà mới nhưng lại không có tiền. Hôm hay tin Hội xây tặng

Lễ bàn giao nhà cho gia đình ông Trần Thanh Hải

cho gia đình tôi một căn nhà mới, cả nhà tôi đã mừng đến không ngủ được. Cảm ơn Hội nhiều lắm!”.

Tính từ năm 2004 đến năm 2009, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Tây Ninh đã vận động được số tiền và quà tặng trị giá gần 4,7 tỷ đồng và đã xây mới được 60 căn nhà tình thương, sửa chữa 22 căn nhà khác cho các nạn nhân chất độc da cam. Ngoài ra còn chi tặng 6.277 suất quà; hỗ trợ sản xuất, trợ giúp khó khăn đột xuất, cấp học bổng… cho đối tượng nạn nhân chất độc da cam. Năm 2009, Hội đã tổ chức cho các gia đình nạn nhân chất độc da cam một chuyến đi tham quan, du lịch ở Suối Tiên (TP. HCM). Hội cũng đã ủng hộ Làng Hoà Bình, Trường Dạy trẻ khuyết tật Tây Ninh, Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị Tây Ninh thông qua những hình thức như: trợ giúp tiền ăn, trợ cấp học bổng… giúp cho các em khuyết tật có điều kiện học tập tốt hơn.

Theo bà Lê Thị Sáu, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Tây Ninh – người có thời gian gắn bó lâu năm với Hội cho biết: “Tới đây, Hội sẽ tập trung phát triển mạng lưới Hội ở cấp cơ sở ra 95/95 xã, phường. Khi đã nắm chắc tình hình ở cơ sở thì sẽ không bỏ sót những nạn nhân đang gặp khó khăn. Quan điểm của chúng tôi là làm sao để chăm lo cho các nạn nhân được càng nhiều càng tốt. Bởi chính sự thăm hỏi, giúp đỡ và chia sẻ kịp thời sẽ là liều thuốc để các nạn nhân dịu bớt nỗi đau, giúp họ vượt qua những đau đớn về thể xác cũng như tinh thần do bệnh tật gây ra”.

HT