Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Cùng một vụ vỡ hụi, vì sao người được thi hành án, người không?
Thứ bảy: 12:00 ngày 24/01/2015

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Trong những ngày qua, nhiều chủ nợ của vợ chồng ông Phạm Tấn Tài và Nguyễn Thị Bạch Yến (ngụ khu phố 2, thị trấn Hoà Thành) cùng nhau đến TAND huyện, Chi cục THADS huyện Hoà Thành và UBND huyện Hoà Thành phản ứng về việc họ bị Chi cục THADS huyện Hoà Thành xử lý bất công, chưa đúng quy định pháp luật về thi hành án dân sự, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Những người này là nạn nhân của vụ vỡ hụi do vợ chồng ông Tài - Yến làm chủ thảo (Báo Tây Ninh đã thông tin vào tháng 4.2014).

Các chủ nợ khốn khổ của vợ chồng Tài – Yến.

Chỉ thi hành cho 16/67 người

Theo đơn do bà Phạm Ngọc Liêng (54 tuổi, ngụ xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành) đứng tên đại diện cho 51 hụi viên gửi đến Toà soạn Báo Tây Ninh thì khi vụ vỡ nợ xảy ra, nhiều hụi viên được vợ chồng ông bà Tài - Yến cam kết sẽ lấy tài sản của mình để bảo đảm trả nợ. Trong thời gian này, hàng chục người lần lượt gửi đơn đến TAND huyện Hoà Thành kiện vợ chồng Tài - Yến.

Những người am hiểu pháp luật đã yêu cầu Toà án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm chuyển dịch tài sản của vợ chồng Tài - Yến. Theo bà Liêng, do có đến 67 người khởi kiện nên TAND sắp xếp giải quyết theo trình tự, có người được quyết định hoà giải thành trước, có người được sau. Sau khi có quyết định hoà giải thành, những người được thi hành án đến Chi cục THADS huyện Hoà Thành làm thủ tục yêu cầu thi hành án.

Vào ngày 9.12.2014, Chi cục THADS Hoà Thành thông báo với hơn 50 người có đơn thi hành án rằng, cơ quan này phát mãi tài sản của vợ chồng Tài  - Yến với số tiền gần 7 tỷ đồng (trừ chi phí phải thực hiện còn lại khoảng 5 tỷ đồng). Căn cứ vào Điều 47 Luật THADS, cơ quan THA sẽ ưu tiên thi hành án cho… 16 người.

Những chủ nợ không được thi hành án trọng vụ vỡ nợ Tài - Yến thắc mắc: Vì sao cùng một vụ án, cùng khoảng thời gian nộp đơn khởi kiện, nhưng có người được thi hành án, người không được? Việc thi hành án của Chi cục THADS Hoà Thành như vậy là có đúng quy định của pháp luật hay không?

Không thể kéo dài vì sợ bị... bồi thường?

Về thắc mắc trên, ông Khưu Văn Hoà- Chi cục trưởng Chi cục THADS Hoà Thành cho biết, từ ngày 24.4 đến 20.5.2014, Chi cục THADS Hoà Thành nhận 16 đơn thi hành án với tổng số tiền trên 13 tỷ đồng. Từ ngày 21.5 đến ngày 4.8.2014, Chi cục THADS Hoà Thành thụ lý thêm 47 đơn yêu cầu THA với tổng số tiền trên 25,5 tỷ đồng. Theo Luật THADS, hết thời hạn tự nguyện thi hành án (15 ngày) mà người phải thi hành án không tự nguyện thì cơ quan THA cưỡng chế thi hành án.

Ông Hoà cho biết thêm, qua dư luận, Chi cục THADS Hoà Thành biết có những chủ nợ của vợ chồng Tài - Yến đang có đơn kiện tại TAND huyện Hoà Thành. Tham khảo các quy định pháp luật về THADS, Chi cục THADS xác định không thể kéo dài việc thi hành án, khi thời hạn 15 ngày đã hết. Bởi không thi hành án cho 16 người có đơn THA là vi phạm Luật THADS, có thể bị bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nếu “kéo dài” để thi hành án cho những người có đơn yêu cầu THA sau.

Vì vậy, ngày 20.5.2014, chấp hành viên Phạm Tấn Thời ra Quyết định số 25/QĐ-THA cưỡng chế thi hành án đối với vợ chồng Tài - Yến, trong đó kê biên: 1 xe ô tô Camry BS 70H-7790; nhà đất diện tích 77,9m2 và thửa đất có diện tích 136,8m2 tại khu phố 2, thị trấn Hoà Thành; nhà đất diện tích 163,6m2 tại ấp Hiệp An, xã Hiệp Tân, Hoà Thành; nhà đất diện tích 90,3m2 tại khu phố 4, thị trấn Hoà Thành; 1 phần đất 2.512,7m2 tại khu phố 4, phường IV, thành phố Tây Ninh để thi hành cho 16 quyết định THA có đơn yêu cầu trước.

Nhiều bất hợp lý cần làm sáng tỏ

Ông Đinh Văn Minh- Chánh án TAND huyện Hoà Thành cho biết, vào tháng 4 và tháng 5.2014- thời điểm vợ chồng “Tài - Yến” vỡ nợ, có nhiều đơn khởi kiện nộp tại toà án. Ông Minh cũng chỉ đạo các thẩm phán nhanh chóng đưa ra xét xử khi có đơn khởi kiện. Ông Minh cho rằng, TAND huyện Hoà Thành đưa các trường hợp khởi kiện liên quan đến vụ vỡ hụi của vợ chồng Tài - Yến ra xét xử có trường hợp sớm, có trường hợp trễ, nhưng đều đúng theo thời gian quy định.

“Việc cấp hoặc gửi bằng đường bưu điện giấy biên nhận cho người nộp đơn phải được thực hiện ngay sau khi nhận được đơn”. Đây là nội dung quy định việc nhận đơn yêu cầu thi hành án ghi rõ tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13.7.2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục THADS.

Tại khoản 5 của Nghị định này cũng nêu rõ: “Trường hợp nhiều người được nhận một tài sản cụ thể theo bản án, quyết định mà chỉ có một số người có đơn yêu cầu thi hành án thì thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định thi hành án đối với những người đã có đơn yêu cầu, đồng thời thông báo cho những người được thi hành khác theo bản án, quyết định đó biết để làm đơn yêu cầu thi hành án trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo”.

Tuy nhiên, tra cứu từ sổ theo dõi về các quyết định hoà giải thành của vụ vợ chồng Tài - Yến, chúng tôi xác định từ ngày 20.5.2014 trở về trước có 29 quyết định hoà giải thành (trong tháng 4.2014 có 9 quyết định hoà giải thành). Trong đó có một số người được toà thụ lý rất sớm, nhưng lại có quyết định hoà giải thành sau cả tháng. Cũng có trường hợp toà thụ lý đơn khởi kiện rất trễ nhưng chỉ vài ngày sau thì có quyết định hoà giải thành. 

Đối với cơ quan THA, hầu hết các đương sự đến nộp đơn yêu cầu THA, cán bộ tiếp nhận không có biên nhận nhận đơn thụ lý (chỉ duy nhất có bà Nguyễn Thị Nên có “văn bản” nhận đơn), thậm chí không có sổ ghi chép thể hiện ngày các đương sự nộp đơn yêu cầu THA. Vì vậy, xảy ra trường hợp đương sự cho rằng nộp đơn ngày 20.5.2014 nhưng THA lại cho rằng ngày 21.5.2014 nhận đơn. Chính vì không có sự rõ ràng này đã dẫn đến sự thiếu minh bạch về số lượng người được thi hành án sau đó.

Bởi thực tế có đến 29 quyết định hoà giải thành của Toà án trước ngày 20.5.2014, nhưng Chi cục THADS Hoà Thành chỉ thi hành cho 16 người. Như vậy số lượng 13 người còn lại không được thi hành án này thuộc trường hợp nào: không có đơn yêu cầu THA, có đơn yêu cầu THA trễ sau ngày 20.5.2014, hay có đơn yêu cầu THA sớm nhưng do không có sổ ghi chép “bị cho là nộp trễ”…? Vấn đề này còn chưa thể hiện sự minh bạch.

Có dấu hiệu tội phạm ?

Trong quá trình tìm hiểu vụ việc, chúng tôi được biết, trước khi vỡ nợ, vợ chồng Tài - Yến đã mang tài sản của mình thế chấp ngân hàng để con là Phạm Hoàng Vũ vay tiền ngân hàng. Vì vậy, khi vỡ nợ, sau khi phát mãi tài sản, phải ưu tiên thanh toán cho ngân hàng, còn 67 chủ nợ khác thì chia nhau vài tỷ đồng còn lại.

Ngoài ra chúng tôi còn được biết, trong thời gian vỡ nợ, vợ chồng Tài - Yến gửi cơ quan chức năng tờ tường trình đề ngày 26.4.2014 với nội dung sau: “Vào khoảng 8 năm gần đây, do làm ăn không được thuận lợi nên có một số hụi viên, sau khi hốt hụi đã không đóng hụi lại hoặc bỏ địa phương đi nơi khác. Điều này đã tạo nên một món nợ lớn cho vợ chồng tôi. Trong một thời gian dài, số tiền thất thoát đã lên đến 17 tỷ đồng… Vợ chồng tôi đã phải cố gắng gồng gánh số nợ trên.

Vì không đủ tiền đăng hụi cho các hụi viên khác, buộc lòng vợ chồng tôi phải huy động nguồn tiền bằng nhiều cách, phải vay bên ngoài với lãi suất 3%/tháng, đôi khi cao hơn (4%-5%). Vì giữ uy tín cho mình và có tiền trả lãi nên vợ chồng tôi tổ chức nhiều dây hụi, cứ dây hụi sau trả tiền cho dây hụi trước. Cũng như thế chấp tài sản của mình để vay ngân hàng, bù vào phần tiền trả lại cho hụi viên tham gia. Trong thời gian này, lãi mẹ đẻ lãi con, số thâm hụt ngày càng nhiều. Cho nên đến ngày 18.3.2014, do mất khả năng chi trả, vợ chồng tôi buộc lòng phải vỡ hụi. Vợ chồng tôi có viết giấy nhận nợ và có hứa với các hụi viên đến ngày 30.3.2014 sẽ tổng kết nợ, bàn phương án khắc phục, bán tài sản của mình để trả nợ cho hụi viên bằng cách chia đều theo tỷ lệ phần trăm”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số địa phương khác khi xảy ra vỡ nợ như trường hợp vợ chồng Yến – Tài, các chủ nợ đều được chia tài sản khi có đơn yêu cầu, chứ không “ngắt khúc” như ở Hoà Thành. Vì vậy, dư luận cho rằng, cách lý giải của Chi cục THADS huyện Hoà Thành là gượng ép, chưa phù hợp, chưa bảo đảm quyền lợi của công dân. Thiết nghĩ, Ban chỉ đạo THADS huyện Hoà Thành, Cục THADS tỉnh cần quan tâm xem xét hợp tình, hợp lý, bảo đảm quyền lợi của mọi công dân.

Ngoài ra, với những nội dung mà chúng tôi nêu trên cho thấy vợ chồng Yến – Tài có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng có liên quan cần sớm xem xét, xử lý vụ việc vỡ nợ Tài  - Yến đúng bản chất sự việc và đúng quy định pháp luật.

Đức Tiến – Huy Thông

Ông Đào Văn Rô- Viện Trưởng VKSND Huyện Hoà Thành phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo THADS Hoà Thành ngày 22.12.2014 như sau: “…Đối với vụ việc của ông Tài, bà Yến phải thi hành án cho nhiều người, chúng ta cần xác định đây là loại việc ảnh hưởng chính trị tại địa phương, vụ việc có nhiều người khởi kiện nên cùng lúc TAND huyện không thể xử lý mà cần có thời gian để xử lý. Do đó cần phải hiểu rõ tất cả những người đã có đơn yêu cầu thi hành án đều phải được chia tỷ lệ, vì những người làm đơn yêu cầu thi hành án (47) phát sinh sau khi Chi cục THADS Hoà Thành ra quyết định kê biên, những trường hợp khiếu nại đều là những bản án đã có hiệu luật pháp luật… Chúng ta cần cân nhắc khi xử lý… Chi cục THADS Hoà Thành cần có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của Cục THADS tỉnh để giải quyết cho thoả đáng, hợp tình, hợp lý”.
Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục