BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cùng suy ngẫm- cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để phát triển

Cập nhật ngày: 13/12/2016 - 01:03

Nổi bật là: Thứ nhất, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng tới chín bậc, xếp thứ 82 trong tổng số 189 toàn cầu theo Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2016; Thứ hai, môi trường thương mại của Việt Nam đã tăng 14 bậc trong bảng xếp hạng "Thúc đẩy thương mại xuyên biên giới 2016", lên vị trí 73 trong số 136 nền kinh tế được đánh giá theo báo cáo "Môi trường thương mại toàn cầu 2016" do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thực hiện hai năm một lần.

Trên thực tế, Việt Nam đã có những nỗ lực đáng ghi nhận trong cải thiện cơ sở hạ tầng vận tải, quản lý biên giới, thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất, nhập khẩu; bảo vệ sở hữu trí tuệ và nâng cao hiệu quả của các cơ quan nhà nước; giảm mức thuế và cắt giảm được giờ nộp thuế từ 537 giờ xuống còn 117 giờ vào đầu năm và chỉ còn 110 giờ vào cuối năm 2016; mở rộng khai và nộp thuế điện tử cho các doanh nghiệp đang hoạt động trên phạm vi cả nước. Theo VCCI, có hơn 71% người nộp thuế được hỏi hài lòng với kết quả cải cách của cơ quan thuế năm qua…

Còn cả chặng đường dài phía trước để vươn tới các chuẩn mực quốc tế, quá trình cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ được tiếp tục với trọng tâm đột phá trong thực hiện các nội dung Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ, đẩy nhanh xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm khiết, hành động. Cả hệ thống bộ máy từ T.Ư đến các bộ, tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị xã phải chuyển động để hoạt động hiệu quả, liêm chính, hành động, vì nhân dân và doanh nghiệp (DN), chống quan liêu; Tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện các Luật, Nghị định cản trở sự phát triển; Phát triển hệ thống ngân hàng lành mạnh, ổn định tỷ giá; Nghiên cứu, đề xuất hàng rào kỹ thuật phù hợp các cam kết quốc tế bảo vệ hàng hóa trong nước và tạo thuận lợi hơn nữa cho DN; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh, đổi mới, sáng tạo, phát triển DN; đẩy nhanh hoàn thuế và quyết toán thuế; đề cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức ngành thuế...

Đặc biệt, kết quả cải thiện môi trường đầu tư Việt Nam được gắn chặt với đột phá thể chế trong cơ cấu lại và quản lý đầu tư công gắn với cơ cấu lại tài chính, ngân sách nhà nước và nợ công; Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí vốn, tài sản Nhà nước. Tập trung tháo gỡ vấn đề chi ngân sách, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài; Phát triển thị trường tài chính một cách cân bằng; Đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, bảo đảm tính công khai, minh bạch; Có cơ chế giám sát, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư đối với từng dự án. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư theo các kênh, lĩnh vực, nhất là các dự án hợp tác đối tác công-tư (PPP), BOT. Tăng cường phân cấp, giao quyền, kiểm tra, không né tránh hoặc “đá” trách nhiệm lên cấp trên. Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, bảo đảm lời nói phải đi đôi với việc làm.

Hoàn thiện quy chế và quy trình trong cuộc chiến với các tin đồn thất thiệt cũng cần được coi trọng hơn trong thời gian tới. Đồng thời, kiên quyết rà soát, chấn chỉnh kịp thời, không để xảy ra các sự cố môi trường; bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm; tăng cường quản lý đô thị, bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Bảo đảm việc thanh tra, kiểm tra DN không gây chồng chéo, phiền hà cho DN (trừ trường hợp đặc biệt). Chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm các cán bộ, công chức vi phạm; rà soát lại các quy định bổ nhiệm cán bộ và đẩy mạnh chống tiêu cực trong công tác cán bộ...

Nguồn Báo Nhân Dân


Liên kết hữu ích