Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Thi đấu áp đảo trước đội tuyển In-đô-nê-xi-a trong suốt 120 phút của trận bán kết lượt về Giải AFF Suzuki Cup 2016 tối 7-12 trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình, ngay cả khi chỉ còn mười người trên sân và hậu vệ phải vào vai thủ môn, song đội tuyển Việt Nam vẫn “ngược dòng”vượt lên và chỉ chấp nhận thua chung cuộc sau hai lượt trận với tỷ số sít sao 3-4. Các cầu thủ đã cho thấy bản lĩnh, sự kiên cường và tinh thần thi đấu vì “màu cờ, sắc áo”.
Cũng vì vậy, cho dù có dừng chân ở bán kết họ vẫn nhận được những tình cảm và nhiều lời động viên của người hâm mộ cả nước cùng những đánh giá khách quan của dư luận về thực lực của đội tuyển dưới sự dẫn dắt của một huấn luyện viên trong nước.
Một hình ảnh đẹp trong những trận đấu của đội tuyển Việt Nam khi thi đấu trên sân nhà hay sân khách trong các giải đấu là luôn có lực lượng cổ động viên đông đảo. Ở trận bán kết vừa qua, họ đã tạo thành vô vàn làn sóng đỏ cổ vũ trên khán đài với tấm Quốc kỳ rộng lớn tung bay cùng những bài ca và tiếng đồng thanh cổ vũ sục sôi. Có thể nói, cổ động viên đã trở thành chỗ dựa, là động lực giúp thầy trò huấn luyện viên Hữu Thắng đứng vững trong một thế trận tưởng chừng sẽ đổ vỡ.
Kịch tính và tràn đầy cảm xúc như vậy, sẽ không có gì phải tiếc nuối về đội tuyển của chúng ta. Điều đáng tiếc ở đây là ở một vài biểu hiện không đẹp mắt, không đúng với tinh thần thể thao cao thượng và “fair-play” của một bộ phận cổ động viên nước nhà trước, trong và sau trận đấu. Khi trọng tài chính xử lý nặng tay với cầu thủ Việt Nam vì một số lỗi vi phạm, nhất là cuối trận đấu, nhiều cổ động viên đã có thái độ và hành vi thiếu văn hóa khi la hét, chửi bới và ném giày, dép, vỏ chai nước xuống sân.
Có những nhóm cổ động viên đã cùng nhau hô to những từ ngữ dung tục nhằm vào đội bạn. Nhiều quả pháo sáng đã được đốt lên trên khán đài khi bóng vào lưới, bất chấp các quy định cấm, cùng những dòng tục tĩu trên mạng xã hội trong và sau trận đấu, kêu gọi bạo lực nhằm vào trọng tài và đội tuyển nước bạn. Giọt nước tràn ly, khi trận đấu kết thúc là hành vi của một số cổ động viên quá khích ném gạch đá vào chiếc xe buýt chở đội tuyển In-đô-nê-xi-a rời sân về khách sạn khiến một thành viên đội bóng bị thương do mảnh kính vỡ văng vào.
Bên cạnh những hành vi phản cảm, bạo lực như vậy, điều cần phê phán và lên án nữa là thái độ ứng xử kém văn minh của một bộ phận cổ động viên bóng đá khi xếp hàng mua vé và vào sân. Ở đây, dường như văn hóa xếp hàng đã không còn mà chỉ có sự chen lấn, xô đẩy, sẵn sàng xô đổ cổng và hàng rào bảo vệ để giành kỳ được một tấm vé. Khi qua cửa kiểm soát vào sân, lên khán đài cũng vậy, gần như không còn khái niệm nhường đường cho trẻ em, phụ nữ, người già. Đã có những cô gái, những cháu nhỏ ngạt thở do bị đám đông chèn ép, buộc lực lượng cảnh sát, bảo vệ phải can thiệp. Tất nhiên, bên cạnh ý thức yếu kém của nhiều người, một phần lỗi cũng do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và cơ quan quản lý sân khi tổ chức bán vé, kiểm soát, phân luồng vào sân thiếu khoa học, không công tâm khi ưu tiên cho người quen và chỉ bố trí một lối vào cổng trước hàng nghìn người chờ đợi...
Có chứng kiến những điều nêu trên, mới thấy việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, lối sống văn minh, ứng xử văn hóa nơi công cộng ở nước ta còn rất nhiều việc phải làm. Hình ảnh đẹp của bóng đá Việt Nam đã và đang bị xấu đi do những biểu hiện như vậy. Nếu không kịp thời có giải pháp ngăn chặn và răn đe kịp thời, tinh thần thể thao trong sáng, cao thượng sẽ phần nào lu mờ, nhường chỗ cho xu hướng cổ động thiên về bạo lực, và khi đó tình yêu bóng đá có thể biến tướng trở thành sự cay cú, thù hận.
Bóng đá là một cuộc đua tranh hấp dẫn không chỉ giữa các câu lạc bộ, đội bóng mà còn cả giữa các quốc gia. Tuy nhiên, đua tranh thì có thua và có được, điều quan trọng là chúng ta đã thi đấu như thế nào, đã cổ động ra sao với đội tuyển của mình. Hy vọng từ những nhà quản lý, các cầu thủ cho đến cổ động viên hãy biết giữ gìn hình ảnh đẹp của bóng đá Việt, thể hiện được bản lĩnh và văn hóa của một dân tộc, biết đứng dậy và đi tiếp từ những thất bại.
Nguồn Nhandan.com.vn