BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cùng suy ngẫm: Nắm bắt cơ hội xuất khẩu vắc-xin

Cập nhật ngày: 16/12/2016 - 07:57

Đây là loại vắc-xin phối hợp thứ hai được sản xuất trong nước. Trước đó, năm 1990, vắc-xin phối hợp DPT phòng các bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà đã được sản xuất thành công và đưa vào sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Tính đến nay, Việt Nam đã sản xuất 13 loại vắc-xin, phòng 13 loại bệnh trong tổng số 30 loại bệnh mà thế giới đã sản xuất được vắc-xin phòng bệnh.

Sản xuất vắc-xin phối hợp sởi - rubella thành công đưa lại sự chủ động nguồn vắc-xin phòng hai bệnh truyền nhiễm phổ biến là sởi, rubella. Từ kết quả này, các đơn vị sản xuất vắc-xin trong nước không chỉ có thêm tiềm lực về cơ sở vật chất mà trình độ của đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ được nâng cao một bước, tạo cơ sở để mở rộng nghiên cứu, sản xuất các vắc-xin phối hợp khác. Theo Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế (Polyvac) (đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phối hợp sởi - rubella), trên cơ sở kết quả nghiên cứu nói trên, đơn vị có thể nghiên cứu tiếp vắc-xin phối hợp ba thành phần sởi, rubella, quai bị mà hiện nay đang phải nhập khẩu.

Theo các chuyên gia, mặc dù thị trường của vắc-xin sởi-rubella khá ổn định, dự kiến khoảng ba đến bốn triệu liều/năm (cung cấp cho chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ) nhưng để biến kết quả nghiên cứu này thành sản phẩm có giá trị thương mại cao thì không thể chỉ chờ đợi sự đặt hàng của Nhà nước hay thị trường trong nước mà cần hướng tới xuất khẩu.

Vắc-xin của Việt Nam đã từng được xuất khẩu nhưng mới chỉ ở quy mô nhỏ lẻ do vướng về rào cản kỹ thuật. Với vắc-xin phối hợp sởi - rubella, cơ hội xuất khẩu lớn khi cùng lúc có được nhiều thuận lợi như: công suất của dây chuyền có thể đạt 7,5 triệu liều/năm; là loại vắc-xin được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ưu tiên cấp phép tiền thẩm định do chương trình thanh toán bệnh sởi, rubella đang được triển khai tại nhiều nước; năm 2015 WHO đã công nhận Việt Nam có một hệ thống quản lý chất lượng vắc-xin (NRA) đạt tiêu chuẩn quốc tế. Việc NRA đạt chuẩn quốc tế là điều kiện cho các loại vắc-xin trong nước được tiền thẩm định để đủ điều kiện xuất khẩu.

Cùng với việc hàng rào kỹ thuật về xuất khẩu vắc-xin đã được tháo gỡ, các đơn vị sản xuất vắc-xin trong nước cần đổi mới, năng động, không thể ỷ lại những đơn đặt hàng của Nhà nước mà cần vươn ra thị trường nước ngoài. Mặt khác, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách khuyến khích sử dụng vắc-xin, tạo cơ hội cho việc phát triển sản xuất vắc-xin trong nước. Một số đơn vị sản xuất cho biết, bất cập hiện nay là giá bán vắc-xin trong nước thấp, thị trường lại chịu sự cạnh tranh của vắc-xin nhập khẩu, cho nên các đơn vị sản xuất không đủ nguồn lực đầu tư, nâng cấp dây chuyền, nghiên cứu các sản phẩm mới và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

Giá vắc-xin cần được tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí trong sản xuất để có kinh phí tái đầu tư, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân và cạnh tranh được với các loại vắc-xin của nước ngoài. Khi "rào cản" về cơ chế, chính sách được tháo gỡ chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy nhanh việc xuất khẩu vắc-xin phối hợp sởi - rubella nói riêng và các vắc-xin nói chung trong thời gian tới.

Nguồn Báo Nhân Dân