BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cùng suy ngẫm- Truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi

Cập nhật ngày: 15/12/2016 - 07:56

Trong đó, Hà Nội thí điểm TXNG cho 350 loại nông sản do các doanh nghiệp đóng trên địa bàn Thủ đô và các địa phương cung ứng cho Hà Nội. Còn TP Hồ Chí Minh thí điểm Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn; tính đến nay đã có 346 điểm bán thuộc kênh phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng thực phẩm được chọn để thí điểm thực hiện và nếu không có gì thay đổi thì bắt đầu từ ngày 16-12, người tiêu dùng có thể nhận diện và TXNG thịt lợn bằng điện thoại thông minh (smartphone).

Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng, nhưng lòng tin về sản phẩm nông, lâm, thủy sản lại giảm sút, việc TXNG các sản phẩm nông nghiệp nói chung và sản phẩm chăn nuôi nói riêng, không chỉ là đòi hỏi chính đáng nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng, mà còn góp phần xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các nhà sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh, chế biến sản phẩm. Nhất là trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9-5-2016 về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP). Theo đó, cần phải thay đổi cách tiếp cận trong quản lý ATTP, cũng như chỉ rõ những yếu kém, đề ra những giải pháp cụ thể nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét về quản lý ATTP, trong đó có việc TXNG sản phẩm.

Tuy nhiên, việc TXNG sản phẩm, trong đó có sản phẩm chăn nuôi thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân do các quy định về TXNG chưa được lồng ghép trong quy định về quản lý chăn nuôi, thú y, vệ sinh ATTP; việc xây dựng chuỗi liên kết, kết nối giữa các cơ sở sản xuất, phân phối (chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ), với các tỉnh, thành phố cùng tiêu thụ sản phẩm tuy đã được triển khai nhưng còn rất nhỏ, lỏng lẻo, không đồng đều cả về chất lượng và số lượng, cho nên chưa đủ mạnh để người tiêu dùng được tiếp cận nhiều hơn với các sản phẩm an toàn. Trong khi đó, các cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm tra hoạt động TXNG đối với các cơ sở chăn nuôi, vì hầu hết có quy mô nhỏ lẻ cho nên rất ít các cơ sở ghi chép dữ liệu.

Để bảo đảm hiệu quả của việc TXNG đối với sản phẩm chăn nuôi, cần rà soát và xây dựng hướng dẫn để kết nối các quy định về quản lý chăn nuôi, thú y, ATTP với TXNG. Các công cụ trong quản lý như thẻ tai, mã số lô động vật, sổ ghi chép quá trình nuôi... cần có sự thống nhất trong tổ chức thực hiện, bảo đảm việc TXNG được theo dõi trong suốt chu kỳ sản xuất, chế biến và kinh doanh sản phẩm, thay vì theo từng công đoạn như quy định hiện nay.

Trong thời đại công nghệ thông tin ngày càng hiện đại, cần ban hành quy định và thiết lập mã số định danh quốc gia đối với các cơ sở sản xuất, giết mổ và kinh doanh, chế biến khi đưa sản phẩm ra thị trường, trong đó các thông tin tối thiểu cần được cung cấp xuyên suốt chu kỳ sản phẩm như: tên cơ sở hoặc trang trại chăn nuôi, tên cơ sở chế biến, giết mổ, đóng gói. Hệ thống mã số định danh được xây dựng chung theo tỉnh, có sự thống nhất về mã số cơ sở chăn nuôi, giết mổ và kinh doanh giữa các lĩnh vực quản lý chăn nuôi (mã số trang trại), quản lý ATTP và quản lý thú y. Từ đó xây dựng cơ sở dữ liệu trung tâm cho phép người tiêu dùng, hoặc cơ quan chức năng có thể truy cập trực tuyến trên in-tơ-nét thông qua mã số sản phẩm hay hệ thống điện thoại thông minh, hoặc máy tính (thông qua mã vạch) để người tiêu dùng có thể kiểm tra sản phẩm được sản xuất tại cơ sở chăn nuôi, giết mổ và kinh doanh có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng hay không một cách nhanh nhất.

Nguồn Báo Nhân Dân