“Tổ tiên người Mông đất này từ xa xưa đã truyền lại rằng: Hàng năm dù được mùa hay thất bát, dù khỏe mạnh hay ốm yếu nhưng dân bản không được bỏ qua lễ cúng trâu cho các thần linh, ma trời, ma đất dịp cuối năm".
"Có cúng đủ lễ, cầu đủ bài thì sang năm cuộc sống của dân bản mới an lạc..." - già Hơ Lão Tú ở Pù Nhi (Mường Lát, Thanh Hóa) tự hào kể nguồn gốc một tục lệ độc đáo đã sống cùng cộng đồng mình tự bao đời.
Truyền thuyết dân bản kể rằng, vào đúng dịp đã định của tháng cuối năm, những bô lão uy tín nhất của bản sẽ mang con trâu được chọn để tế lễ buộc thật chặt vào cây cọc giữa sân, rồi lấy sợi lanh dài, một đầu xâu vào mũi trâu, đầu kia dẫn thẳng vào trong nhà sàn chung của bản buộc vào bàn thờ.
Lễ cúng trâu của đồng bào Pù Nhi giờ chỉ cần thịt một con gà |
Trâu buộc xong, thầy cúng bước vào vị trí làm lễ giao con trâu sống cho ma trời, ma đất. Thầy cúng vừa gieo quẻ, vừa khấn rằng: "Nay con trâu béo tròn như tảng đá núi là của các ngài, các vị bô lão trong bản đã dắt tới đây. Đây là con trâu khỏe nhất rừng, to nhất bản, có cặp sừng chọi bụng trời, chân đạp lở núi, đuôi trâu quét đổ lá đa. Nay kính mời các ngài, các vị tới nhận lễ cho…".
Khi quẻ gieo được đài, tức là các thần linh đồng ý nhận lễ thì thầy cúng phải tự đi bẻ lấy một cành lá cây bất kỳ (trừ lá nán và lá ngón) đem vào vụt quanh con trâu để xua đuổi hồn vía của nó về với chủ cũ, đồng thời hạ lệnh để dân bản xẻ thịt. Người thanh niên vạm vỡ nhất sẽ được đại diện cầm búa bổ nhát đầu tiên vào đầu trâu, những người khác bê chậu nước, chảo nước xếp xung quanh con vật.
Tất cả người dự lễ cùng hô thật to: "Hãy cứu sinh linh loài trâu, cứu sinh linh loài trâu" (Phuôk nhux sar, phuộk nhux sar). Câu hô này còn để cứu vớt cả sức sống của mình và người khác; đồng thời đánh thức tất cả sự sống của loài người đang bị lạc lõng, chìm ẩn ở cõi vĩnh hằng hãy trở về thực hiện cuộc sống (theo quan niệm của người Mông ở thế giới âm, con trâu chính là linh hồn của con người).
Khi dọn cỗ lễ vật, người ta chọn lấy đầu, đuôi, chân trâu bày lên bàn thờ đặt trong nhà sàn chung. Thầy cúng lại làm lễ dâng vật chín cho trời, đất. Ông đọc tiếp rằng: "Lúc trước, tôi đã giao cho các ngài, các vị vật sống, giờ đây những quân sai, quân khiến đã hóa kiếp con vật thành vật chín cả, các ngài, các vị đừng tham lòng, tham dạ nữa, hãy vui lòng nhận lấy phần ngon của mình…
Nhận phần rồi, các ngài phù hộ cho dân bản Mông khỏe mạnh, không mắc bệnh tật gì, không gặp hoạn nạn, bão dông, lũ ống, lũ cuốn. Cầu cho năm mới bản làng sẽ an lạc hơn, được mùa hơn để rồi đến giờ này năm sau, dân bản Mông lại kính cẩn có lễ dâng lên...".
Ngày nay, dịp năm hết Tết về, lễ cúng trâu ở Pù Nhi không còn rườm rà, tốn kém như xưa. Vật tế vẫn là con trâu nhưng là trâu hình nộm tượng trưng. Thay vào đó, người ta làm thịt lợn, gà để thầy cúng hành lễ. Duy có một điều không khi nào thay đổi đó là trong dịp này, bao giờ người già cũng nhắc lại để thế hệ sau phải ghi nhớ về lễ tục này.
Theo Đất Việt