BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế:

Cung ứng đủ, đáp ứng nhu cầu 

Cập nhật ngày: 29/07/2024 - 10:43

BTN - Để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, hoá chất xét nghiệm, vật tư y tế tiêu hao xảy ra tại nhiều bệnh viện công lập thời gian qua, ngành Y tế đã có những giải pháp khắc phục quyết liệt, hiệu quả, bảo đảm công tác khám, chữa bệnh (KCB) cho người dân.

Hoàn thành đấu thầu tập trung cấp địa phương

Ông Trương Văn Hùng- Giám đốc Sở Y tế cho biết, cuối tháng 6.2023, Sở Y tế đấu thầu thành công 2 gói thầu thuốc generic giai đoạn 2022-2024 với 855/1.042 mặt hàng trúng thầu, tổng giá trị 882,7 triệu đồng. Kết quả này đã giải quyết một phần khó khăn về thiếu thuốc bảo hiểm y tế (BHYT) trong một thời gian khá dài. Đến cuối tháng 5.2024, Sở hoàn thành đấu thầu mua thuốc tập trung 2 gói thầu, gồm gói thầu số 3 “Thuốc generic đấu thầu tập trung cấp địa phương giai đoạn 2022-2024” và gói thầu “Thuốc dược liệu, thuốc có thành phần dược liệu phối hợp với dược chất hoá dược, thuốc cổ truyền (không bao gồm vị thuốc cổ truyền)” bổ sung vào danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương để sử dụng tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025.

Người dân nhận thuốc BHYT tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh

Kết quả lựa chọn nhà thầu thuốc tập trung tại Sở Y tế từ năm 2023 đến nay là 1.217/1.570 mặt hàng được phê duyệt kế hoạch, đạt 77,52%; tổng giá trị 1.220/1.307 tỷ đồng (đạt 93,33%), tiết kiệm 6,67% so với tổng giá trị được phê duyệt, bảo đảm phần lớn nhu cầu thuốc phục vụ công tác KCB tại các cơ sở y tế trên điạ bàn tỉnh. Như vậy, về cơ bản, bảo đảm cho các cơ sở khám, chữa bệnh đủ điều kiện để mua thuốc phục vụ cho việc khám, chữa bệnh BHYT cho người dân.

Về hoá chất xét nghiệm, vật tư y tế tiêu hao phục vụ công tác khám, chữa bệnh BHYT cho người dân, do từng đơn vị tổ chức đấu thầu nên việc trúng thầu và mua sắm tại từng đơn vị có thời điểm khác nhau dẫn đến có lúc còn xảy ra thiếu cục bộ, đặc biệt đối với Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh.

Khi lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, Sở Y tế đã phối hợp với BHXH tỉnh rà soát giá trúng thầu của các gói thầu so với giá kê khai, kê khai lại trên website của Bộ Y tế theo đúng quy định để xác định giá kế hoạch, làm cơ sở xác định giá mời thầu bảo đảm đủ điều kiện thanh toán với cơ quan BHXH. Công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu mua thuốc được thực hiện đúng quy trình, thời gian quy định về đấu thầu; kết quả lựa chọn nhà thầu các gói thầu đều được thẩm định và phê duyệt theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Trên cơ sở kết quả trúng thầu, các cơ sở y tế tiến hành thương thảo, ký kết hợp đồng cung ứng, thực hiện ánh xạ kết quả, thanh toán theo quy định.

Hiện tại, các bệnh viện cấp tỉnh và trung tâm y tế cấp huyện đã thực hiện đấu thầu gói thầu vật tư hoá chất xét nghiệm và vật tư y tế tiêu hao, hoàn thành công tác đấu thầu, ký hợp đồng mua sắm phục vụ công tác KCB BHYT, đồng thời tiếp tục thực hiện các gói thầu hoá chất xét nghiệm, vật tư y tế tiêu hao năm 2024 theo Luật Đấu thầu mới.

Giảm áp lực thiếu hoá chất xét nghiệm, vật tư y tế tiêu hao

Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh là bệnh viện hạng II tuyến tỉnh, chăm sóc sức khoẻ cho người dân trong toàn tỉnh. Bác sĩ CKII Phan Thanh Tâm- Giám đốc Bệnh viện cho biết, với quy mô 700 giường kế hoạch (thực kê 889 giường), 28 khoa, phòng cùng các đơn vị điều trị chuyên sâu và hơn 700-750 lượt khám mỗi ngày, nhu cầu sử dụng thuốc rất lớn. Quý II năm 2024, đơn vị mới có kết quả thầu gói 3 gồm 174 mặt hàng phân bổ và 627/790 tổng các mặt hàng theo kết quả thầu tập trung thuốc cấp địa phương.

Trong thời gian chờ kết quả đấu thầu gói thầu số 3 cung cấp thuốc generic đấu thầu tập trung cấp địa phương giai đoạn 2022-2024, số lượng tồn kho nhiều mặt hàng thuốc thiết yếu tại bệnh viện không thể đáp ứng nhu cầu điều trị, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc. Sau khi có kết quả thầu, bệnh viện đã phần nào giải quyết được những khó khăn, đáp ứng 79% nhu cầu sử dụng thuốc tại bệnh viện. Tuy nhiên, vẫn còn một số mặt hàng thuốc thiết yếu dùng trong cấp cứu không có trong kết quả thầu và thuốc dùng trong triển khai tim mạch can thiệp, đột quỵ, trong đó có nhóm thuốc dùng trong cấp cứu (gồm 18 thuốc và 3 thuốc dành cho triển khai đơn vị tim mạch can thiệp và đột quỵ). Hoá chất xét nghiệm, vật tư y tế tiêu hao thiếu làm ảnh hưởng đến chất lượng KCB cho người dân có BHYT trong thời gian dài.

Người dân khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế công lập

Theo bác sĩ Tâm, đối với các mặt hàng hoá chất, vật tư y tế, tính đến ngày 9.7.2024, bệnh viện đã hoàn thành 4 gói thầu gồm 368 mặt hàng, tổng giá trị gần 80 tỷ đồng, gồm: khí y tế; hoá chất, sinh phẩm xét nghiệm; vật tư y tế tiêu hao, vật tư y tế tim mạch can thiệp và vật tư y tế. Riêng gói thầu vật tư y tế tiêu hao, dù đã được phê duyệt từ cuối năm 2023, nhưng không có kết quả sớm do đây là gói thầu lớn, phức tạp, nhiều mặt hàng (306 mặt hàng) và nhiều nhà thầu tham dự. “Đến thời điểm hiện tại, bệnh viện đã hoàn thành các gói thầu vật tư y tế, cơ bản đáp ứng được vật tư sử dụng tại bệnh viện, bệnh nhân sẽ không còn phải mua thêm vật tư nữa. Gói hoá chất, sinh phẩm xét nghiệm, thiết bị y tế đang được tổ chức thực hiện công tác mua sắm theo Luật Đấu thầu mới, kịp thời đáp ứng nhu cầu điều trị tại bệnh viện”- bác sĩ Tâm nói.

Bác sĩ CKII Phan Thanh Tâm cho biết thêm, để duy trì hoạt động thường xuyên, bệnh viện buộc phải thực hiện mua sắm theo hình thức chỉ định thầu rút gọn nhiều lần, liên tục trong thời gian dài mua sắm một số mặt hàng hoá chất, vật tư y tế tối cần thiết cho nhu cầu điều trị trong trường hợp cấp bách với giá trị gói thầu dưới 50 triệu đồng theo quy định.

Tuy nhiên, từ ngày 1.1.2024, Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 có hiệu lực, bệnh viện tạm ngưng mua sắm các gói thầu dưới 50 triệu đồng theo hướng dẫn Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg, dẫn đến tình trạng không đủ cung ứng trong thời gian chờ thực hiện các gói thầu đấu thầu rộng rãi và hướng dẫn thực hiện Luật Đấu thầu mới. “Đầu năm 2024, bệnh viện đã thống nhất sử dụng nguồn chi phí tài trợ từ chùa Bà để mua sắm thuốc, hoá chất, vật tư y tế và các loại hàng hoá thiết yếu phục vụ công tác hậu cần KCB trong thời gian chờ hướng dẫn và kết quả đấu thầu tại bệnh viện. Nhưng nguồn này cũng chỉ tạm đủ sử dụng đến tháng 4.2024 để phục vụ cho bệnh nhân cấp cứu, phẫu thuật, chạy thận nhân tạo...” - bác sĩ Tâm bày tỏ.

Cần giải pháp lâu dài

Theo ông Trương Văn Hùng, kể từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, ngành Y tế gặp nhiều khó khăn trong công tác đấu thầu thuốc, hoá chất xét nghiệm, vật tư y tế tiêu hao do những quy định pháp luật thay đổi; nhân sự phục vụ công tác đấu thầu phải kiêm nhiệm, năng lực tham gia thực hiện công tác đấu thầu thuốc hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Mặt khác, theo Luật Đấu thầu cũ, việc xác định giá thuốc kế hoạch làm cơ sở lựa chọn nhà thầu của các cơ sở y tế căn cứ vào giá thuốc đã trúng thầu của năm trước liền kề để áp dụng cho năm hiện tại (tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh nên năm liền kề không có số liệu...) dẫn đến hệ luỵ là các cơ sở y tế đề xuất danh mục thuốc đấu thầu nhưng không lấy được giá kế hoạch.

Phân loại thuốc theo đơn cho người dân khám, chữa bệnh BHYT

Một nguyên nhân khác, ngành Y tế chưa ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đấu thầu mua sắm thuốc theo chuỗi kết nối dữ liệu từ cơ sở y tế đến Sở Y tế và ngược lại. Các khâu xây dựng danh mục thuốc, tổng hợp nhu cầu, thẩm định, phê duyệt, chấm thầu, điều tiết, báo cáo tình hình thực hiện hợp đồng... đều làm thủ công, mất rất nhiều thời gian do khối lượng công việc lớn. Sau khi kết quả lựa chọn nhà thầu được Sở Y tế phê duyệt, một số mặt hàng nhà thầu trúng thầu từ chối thương thảo, ký hợp đồng cung ứng cho các đơn vị. Nhiều cơ sở y tế không mua sắm được thuốc trúng thầu do vướng nợ quá hạn, dẫn đến nhà thầu trúng thầu không bán hàng.

Ông Hùng cho biết thêm, một số danh mục thuốc Sở Y tế đã mời thầu nhưng không lựa chọn được nhà thầu là do đứt chuỗi cung ứng, thuốc hết hạn số đăng ký nên không nhập khẩu, sản xuất được. Một số nguyên liệu sản xuất và giá các nguyên liệu tăng cao ảnh hưởng đến giá thuốc, đặc biệt là các thuốc thiết yếu. Đối với những mặt hàng này, cơ sở khám, chữa bệnh phải tự tổ chức đấu thầu lại để mua sắm nên vẫn còn tình trạng thiếu thuốc BHYT cục bộ.

Hiện nay những bất cập trên đã được giải quyết sau khi Luật Đấu thầu mới có hiệu lực và có các văn bản hướng dẫn. Thời gian tới, ngành Y tế sẽ tăng cường tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ đấu thầu, nâng cao năng lực, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ Y tế làm công tác đấu thầu theo các quy định mới.

Tâm Giang