Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cuộc bầu cử bất thường của Pháp
Thứ bảy: 07:56 ngày 01/04/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Đó là nhận định của ông Dominique Moisi, đồng sáng lập Viện Quan hệ quốc tế Pháp (IFRI), trong một bài viết mới đây trên Project Syndicate.

60 năm sau khi ký kết Hiệp ước Rome, Pháp đã sẵn sàng cho một cuộc bầu cử có thể hàn gắn hoặc phá vỡ Liên minh châu Âu (EU).

Điều gì cũng có thể xảy ra

Chiến thắng của ông Emmanuel Macron, một ứng cử viên có quan điểm trung dung và ủng hộ EU, có thể là một bước ngoặt tích cực, đưa Pháp rời xa chủ nghĩa dân túy và tăng cường quan hệ với Đức.

Tuy nhiên, nếu cử tri Pháp trao quyền Tổng thống cho bà Marine Le Pen, thủ lĩnh đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN), kế hoạch kết nối châu Âu trong dài hạn coi như kết thúc.


Bà Le Pen và ông Macron. (Nguồn: Fdesouche)

Rõ ràng, FN có ảnh hưởng nhất định trong hệ thống chính trị Pháp. Cha của bà Le Pen, ông Jean-Marie Le Pen sáng lập FN năm 1972 và nắm quyền lãnh đạo đến năm 2011, khi con gái ông lên tiếp quản. Tuy nhiên, thành công trong việc tranh cử của đảng cho đến nay vẫn còn hạn chế. Mặc dù ông Jean-Marie đã lọt vào vòng hai cuộc bầu cử năm 2002, nhưng cuối cùng đã thua một vố đau khi tất cả các đảng phái hợp tác ủng hộ cho ông Jacques Chirac.

Giống như cha mình, bà Le Pen có thể sẽ lọt vào vòng hai bầu cử năm nay. Các cuộc thăm dò cho thấy bà sẽ giành được nhiều phiếu bầu nhất trong vòng đầu tiên. Dù vậy, nhiều người tin rằng bà sẽ thất bại trước ông Macron. Nhưng chiến thắng của những người theo chủ nghĩa dân tuý vào năm 2016 - đặc biệt là việc bỏ phiếu Brexit tại Anh và cuộc bầu cử đưa ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ - đã cho thấy điều gì cũng có thể xảy ra.

Thế giới nín thở dõi theo

Các giai đoạn đặc biệt đôi khi có lợi cho sự nổi lên của những nhân vật đặc biệt. Ông Macron đang lan toả sự lạc quan tới cộng đồng người dân Pháp, vốn hoang mang giữa những bạo lực, bê bối tham nhũng và hỗn loạn ý thức hệ.

Vợ của Macron đùa rằng ông Macron tự cho mình là Joan of Arc, một nông dân người Pháp đã cứu nước Anh thời Trung Cổ. Về ngoại hình, Macron gợi lên dáng dấp của một vị tướng trẻ, Napoléon Bonaparte, trong chiến dịch đầu tiên của ông ở Italy.

Một số người nhìn thấy ở Macron một nhân vật lãng mạn bước ra từ tiểu thuyết của nhà văn Stendhal, một Fabrice del Dongo hiện đại, người quyết định không chỉ là khán giả mà phải là nhân vật chính. Ông thực hiện nhiệm vụ của mình thông qua sự kết hợp năng lượng trẻ trung, sự tự tin, khéo léo chính trị, kỹ năng kỹ thuật, và sự cân bằng.


Về ngoại hình, dáng dấp của ông Macron gợi nhớ đến Napoleon Bonaparte. (Nguồn: Le Monde)

Trên thực tế, cả hai đảng chính ở Pháp – đảng xã hội và đảng bảo thủ – đều khó có thể lọt vào vòng hai của cuộc bầu cử. Sự chối từ các đảng phái truyền thống này phản ánh sự phản đối Tổng thống thuộc đảng xã hội François Hollande. Tỷ lệ ủng hộ của người dân dành cho ông đã hạ xuống rất thấp (có lúc chỉ còn 4%) khiến cho ông không có ý định kéo dài thêm một nhiệm kỳ nữa. Điều này cũng phản ánh khả năng nhiều cử tri sẽ không đi bỏ phiếu. Đây là điều không bình thường đối với một quốc gia có bầu cử tổng thống rất nghiêm túc như Pháp.

Nhiều người Pháp coi cuộc bầu cử này như một chương trình truyền hình thực tế. Nó có thể hấp dẫn, nhưng rất ít người tin rằng vô số vấn đề liên quan đến cuộc bầu cử sẽ được giải quyết, từ thất nghiệp đến khủng bố - an ninh đến hưu trí cho đến đạo đức chính trị...

Người Pháp giờ đây sẽ có cơ hội để trở thành diễn viên thay vì chỉ là khán giả. Họ có thể bầu ứng cử viên yêu thích, giống như người Mỹ đã làm trong năm 2008, khi họ chọn ông Barack Obama. Hoặc họ có thể bầu ứng cử viên gây nhiều lo ngại, như người Mỹ đã làm vào năm 2016, khi ông Donald Trump được chọn. Trong cả hai trường hợp, sự lựa chọn của họ – tương tự như sự lựa chọn của người Mỹ - sẽ có tác động nhất định đến thế giới.

Tất nhiên, Pháp không phải là Mỹ, và sẽ có tầm quan trọng chiến lược ít hơn đối với thế giới. Nhưng Pháp rất quan trọng đối với EU. Và, theo một cách nào đó, sự hiểu biết và khôn khéo của bà Le Pen về mặt chính trị có thể nguy hiểm hơn cả ông chủ mới của Nhà Trắng. Đó là lý do vì sao thế giới đang nín thở dõi theo cuộc bầu cử bất thường nhất này của Pháp.

Nguồn  Baoquocte(theo Project Syndicate)

Tin cùng chuyên mục