Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cuộc chiến chống COVID-19 và cán cân Trung Quốc - phương Tây
Thứ ba: 11:11 ngày 15/06/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Là nước dập COVID-19 sớm nhất nhưng Trung Quốc không tận dụng hiệu quả lợi thế này, trong khi đó phương Tây hồi phục ngoạn mục sau đại dịch.

Phát biểu trong cuộc họp báo kết thúc hội nghị thượng đỉnh Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ngày 13-6, Thủ tướng Anh Boris Johnson tái khẳng định kế hoạch của nhóm là viện trợ nhân đạo 1 tỉ liều vaccine ngừa COVID-19 qua vận chuyển trực tiếp tới các nước có nhu cầu, cũng như bổ sung vào kho dự trữ của cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu (COVAX) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Có thể thấy đây là bước đi đầy chủ động của phương Tây trong cuộc cạnh tranh ngoại giao COVID-19 với Trung Quốc (TQ) nhằm giành ảnh hưởng tại các nước đang phát triển và thu nhập thấp. Sau gần hai tháng để TQ gần như “độc quyền” trên trận tuyến này, sự hồi phục mạnh mẽ của phương Tây khiến vị thế Bắc Kinh lung lay nghiêm trọng.

Trung Quốc mất dần lợi thế chống dịch ngày đầu

Theo tờ The Telegraph, làn sóng COVID-19 thứ nhất và thứ hai giáng đòn nặng nề vào uy tín châu Âu lẫn Mỹ, khi đây là những nước đứng đầu thế giới lại bị dịch nặng nhất. Trong khi đó, TQ lại kiểm soát tốt đại dịch nhờ các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt.

Hồi tháng 4, Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu chính sách trung ương Đảng Cộng sản TQ Jiang Jinquan tự tin tuyên bố Bắc Kinh đã khống chế thành công COVID-19 với thiệt hại kinh tế ở mức tối thiểu, qua đó chứng minh “tính ưu việt của hệ thống chính trị TQ”.

Người dân Trung Quốc tham quan một triển lãm về nỗ lực chống dịch COVID-19 của lực lượng y tế TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc hồi tháng 2. Ảnh: REUTERS

Bắc Kinh lúc đó dường như tin rằng nhờ dịch COVID-19, vị thế của TQ đã “nhảy vọt” ít nhất 10 năm và không gì ngăn nổi đà đi lên này. Cựu quan chức ngoại giao Singapore - ông Kishore Mahbubani, người lâu nay có quan điểm ủng hộ TQ, thậm chí còn nhận định hệ thống toàn cầu sẽ chuyển dịch sang trật tự “lấy TQ làm trung tâm” và phương Tây sẽ phải chấp nhận vị thế mới yếu hơn.

Dù vậy, đặt trong bối cảnh hiện nay thì thành công của TQ đã có phần bị lu mờ. Sau gần một năm chật vật đối phó đại dịch, phương Tây dần lấy lại vị thế của mình. Mỹ và Anh bắt đầu tiêm chủng hàng loạt cho dân từ khoảng tháng 12 năm ngoái và đang hồi phục với nền tảng tốt hơn TQ nhờ chương trình tiêm chủng quyết liệt này. Vaccine do các nước châu Âu và Mỹ sản xuất được xem như “phép màu” giúp toàn thế giới thoát khỏi đại dịch.

Trong khi đó, công thức chống dịch bằng phong tỏa cực đoan của TQ dần mất tác dụng trước các biến thể mới và nguy hiểm hơn của virus SARS-CoV-2. Một số địa phương như tỉnh Quảng Châu tái bùng dịch và bị phong tỏa trở lại. TQ, nước được xem là dập dịch nhanh nhất thế giới, phải đến khoảng giữa tháng 5 năm nay mới bắt đầu tăng tốc tiêm vaccine cho dân.

Nhận định TQ là bên dẫn đầu hậu COVID-19 không còn đúng nữa. Phương Tây đang trên đà chiếm ưu thế và đang muốn giành lại những gì đã để lỡ nhiều tháng qua. TQ cần chuẩn bị tinh thần để đối mặt với một đối thủ đáng gờm.

Chuyên gia HO-FUNG HUNG, ĐH Johns Hopkins (Mỹ) 

Nguồn gốc COVID-19 vẫn làm Trung Quốc đau đầu

Về vaccine, TQ hiện là một trong những nước cung cấp và viện trợ nhân đạo nhiều nhất thế giới. Theo thống kê của Tổ chức tư vấn Bridge Consulting (có trụ sở tại Bắc Kinh), tính đến cuối tháng 5, TQ đã bán được hơn 650 triệu liều và viện trợ hơn 17 triệu liều.

Dù các con số khá ấn tượng song chất lượng vaccine TQ có đảm bảo hay không lại là câu chuyện khác. Hiệu quả ngừa dịch của hai loại vaccine TQ mà WHO vừa cấp phép - Sinovac và Sinopharm - không cao bằng vaccine của Pfizer/BioNTech (Mỹ/Đức) hay AstraZeneca (Anh). Một số nước - như Chile và Hungary - vẫn xuất hiện các đợt bùng dịch mới nghiêm trọng dù đã tiêm chủng hàng loạt bằng vaccine TQ. Brazil hay Philippines thậm chí còn từ chối nhập một số loại vaccine nhất định sản xuất ở TQ do lo ngại chất lượng không đảm bảo.

Bên cạnh đó, chuyện nguồn gốc dịch COVID-19 vẫn là nỗi đau đầu của TQ khi các nước phương Tây ráo riết đòi điều tra lại, dù WHO hồi tháng 3 đã công bố báo cáo điều tra lần đầu. Một trong những giả thuyết mà các nước muốn WHO điều tra là virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Viện Virus học Vũ Hán ở tỉnh Hồ Bắc của TQ - tâm dịch đầu tiên của thế giới. TQ bác giả thuyết này và đưa ra lập trường chính thức là rất có thể virus xuất hiện bên ngoài, rồi lây vào TQ. Mọi giả thuyết hay thông tin đi ngược với lập trường này đều bị TQ cho là hành động nhằm “bôi nhọ” và “tung tin giả” với ý đồ gây hại cho TQ.

Trong khi đó, với phương Tây, dù từng được xem là thuyết âm mưu vô căn cứ, cách giải thích gây tranh cãi trên đang dần trở thành nhận thức phổ biến. Việc TQ liên tục từ chối cho chuyên gia quốc tế tiếp cận minh bạch, trực tiếp Viện Virus học Vũ Hán càng khiến dư luận quốc tế nghi ngờ về bản chất thực sự của vụ việc.

Vào tháng 5, Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ đạo cộng đồng tình báo Mỹ nỗ lực điều tra và báo cáo đầy đủ về nguồn gốc đại dịch, bao gồm cả giả thuyết virus lọt ra từ Viện Virus học Vũ Hán. Nhiều nghị sĩ Mỹ còn tính tới chuyện Mỹ nên trừng phạt TQ nếu nước này không chịu hợp tác điều tra.

Dù thế nào, không thể phủ nhận uy tín của TQ và chất lượng quan hệ giữa TQ với các nước phương Tây phần nào bị ảnh hưởng vì chủ đề này. Diễn biến mới nhất, trong tuyên bố chung kết thúc hội nghị thượng đỉnh G7 ngày 13-6, các lãnh đạo nhóm nhấn mạnh sẽ tiếp tục theo đuổi nỗ lực điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2 ở TQ. Đợt điều tra tiếp theo phải được tiến hành càng sớm càng tốt và phải được các chuyên gia WHO dẫn dắt một cách khoa học, minh bạch.

“Ngoại giao chiến lang” có liên quan việc Trung Quốc xử lý đại dịch?

Theo nhiều nhà quan sát, cảm giác chiến thắng ban đầu trước đại dịch là một trong những nhân tố thúc đẩy TQ quyết liệt thực thi chiến lược “ngoại giao chiến lang” nhằm củng cố hình ảnh đất nước và bảo vệ lợi ích quốc gia một cách cực đoan. Tuy nhiên, sự cứng rắn này càng khiến TQ hứng chịu nhiều chỉ trích và mất điểm trong mắt cộng đồng quốc tế về một loạt vấn đề, từ Tân Cương đến Hong Kong hay Biển Đông.

Tờ Asia Times dẫn ý kiến chuyên gia Fang Kecheng, ĐH Trung văn Hong Kong (TQ), cho rằng lạm dụng “ngoại giao chiến lang” không hiệu quả trong việc xây dựng hình ảnh của TQ vì nó mang tính đối đầu không cần thiết. Còn theo TS Chong Ja Ian, ĐH quốc gia Singapore, dù TQ có dụng ý gì khi tiến hành “ngoại giao chiến lang” - phô diễn sức mạnh, đe dọa trả đũa - cũng khó tránh hậu quả căng thẳng không đáng có với phương Tây và khiến các nước đang muốn hợp tác kinh tế với TQ phải e dè.

Một cuộc khảo sát do Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) tiến hành tại 14 nước hồi tháng 10 năm ngoái cho thấy quan điểm tiêu cực về TQ đã tăng đến mức kỷ lục trong 10 năm trở lại đây. Nhóm Bộ tứ kim cương (Mỹ, Ấn Độ, Nhật và Úc) thời gian gần đây liên tục tăng cường hợp tác để ứng phó TQ, còn Liên minh châu Âu (EU) cho đóng băng thỏa thuận thương mại quy mô lớn với TQ dù đã mất bảy năm đàm phán. 

Nguồn PLO

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục