BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cuộc chiến chống… lục bình

Cập nhật ngày: 16/03/2010 - 06:01

Ấp Nam Bến Sỏi, xã Thành Long (Châu Thành) ngày 7.3.2010.

Đã hơn 10 giờ, nắng gay gắt và nước dưới sông Vàm Cỏ Đông vẫn lên, lục bình xanh ngắt ken dày kín mặt sông. Một chiếc ghe nổ máy rầm rĩ, cố lách vô bến mà không được. Mấy chú trong tổ nông dân ấp đứng ngồi không yên vì cậu Năm nào đó chưa về tới để chuẩn bị kéo dây qua sông ngăn lục bình. Nước sắp đứng rồi, nếu không ngăn kịp nó lại kéo tuốt lên Bến Trường.

Ông Nguyễn Văn Mai, trạc 70 tuổi chỉ qua cánh đồng bên kia bờ sông, phân trần với khách: “Chú coi đó! Hơn ngàn ha lúa sắp thu hoạch. Giờ sâu rầy đang phá, ruộng bị cạn khô, mà vô phương… Làm sao qua sông mà lo ba vụ đó?” Đúng vậy. Cánh đồng bên kia sông rộng mênh mông bát ngát. Suốt từ đồng Nhà Lầu qua đồng Cà Dăm, kênh Ba Vàm xuống tới kênh Năm Thước giáp xã Ninh Điền, một màu lúa vàng nhạt, đây đó có những đốm nâu đen vì bọ rầy. Anh Năm Nền râu tóc bơ phờ, ngồi nhăn nhó: “Tôi có hơn hai mẫu lúa ở bển đang bị khô hạn, không tưới kịp coi như bỏ phế. Vậy mà lục bình cả chục ngày nay ken kín sông, không chở máy bơm qua được. Bên này còn hơn ngàn con cá đang bị chết dần vì phải nuôi trên gò, đâu dám đem xuống sông vì nước ô nhiễm quá trời”.

Lục bình bị chặn tại khu vực cầu Bến Sỏi

Ông Mai nói, bà con nông dân có ruộng bên đó quyết định góp tiền lại, tuỳ theo số diện tích mỗi hộ mà góp từ 20.000đ tới 100.000đ để mướn người ngăn lục bình, dọn đường cho xuồng ghe qua sông cứu lúa. Dụng cụ thì đã có sợi dây cáp ngăn lục bình dài hơn 200m của tỉnh gởi tại nhà ông Tư Đảnh, giờ chỉ thuê xuồng và thuê bốn thanh niên khoẻ mạnh kéo dây qua sông, túc trực suốt bốn ngày đêm để đuổi lục bình đi. Dòng sông sẽ được giải phóng chừng 17 km trong vòng 4 ngày. Trong thời gian đó bà con nông dân phải tranh thủ hết sức để bơm nước, phun thuốc rầy hoặc chở máy phóng lúa qua sông… Tiền trả công thuê là 100.000đ/người/ngày đêm.

10 giờ 30 phút nước ròng, bắt đầu đứng. Bốn thanh niên cố gắng vừa dẹp lục bình vừa chạy máy đưa chiếc ghe cập mí bờ sông. Sợi dây cáp được cột chắc chắn vào gốc dừa lớn xong, mọi người hối hả kéo dây xuống xuồng. Công việc rất vất vả khi vừa ra cáp, vừa phải dìm cáp xuống sâu lớp lục bình. Khi đầu dây được cột chắc vào gốc xoài bên kia cánh đồng, trên mặt sông xuất hiện một vòng cung lớn. Nước lớn, những cánh lục bình bắt đầu nhúc nhích, chen lấn nhau chảy ngược. Gặp sợi cáp, chúng dồn nén, nổ rôm rốp rồi ép cứng lại. Phía trên sợi cáp, mặt nước sông phẳng lì như tấm gương lấp lánh ánh mặt trời, không một cọng rác hay cánh bèo nào trôi nổi. Lúc này mọi người mới tạm nghỉ ăn cơm, sau khi phân công một người cắm cờ báo hiệu giữa sông và cảnh giới xem có ghe lớn hay xà lan qua lại. 12 giờ 30 phút, dòng sông được giải thoát từ điểm chặn tới cầu Bến Sỏi khoảng 300m, đã thấy phía đó những chiếc xuồng hối hả qua sông sang cánh đồng bên kia. Ông Năm phụ trách nhóm nhân công nói họ phải tranh thủ cơm nước, chuẩn bị xuồng ghe để chờ con nước sau vào buổi tối. Lúc đó lục bình theo nước trôi xuôi chừng 7-8 km, phải chọn điểm nước đứng để tiếp tục căng dây chờ đợt nước lớn tiếp. “Phải liên tục ba bốn ngày đêm, tới địa phận Ninh Điền thì chúng tôi dừng lại. Sau đó bà con Ninh Điền có làm tiếp thì mướn anh em chúng tôi”.

Nạn lục bình tấn công sông Vàm Cỏ Đông là nỗi lo lắng từ nhiều năm nay của bà con nông dân sinh sống hai bên bờ sông. Theo ông Tư Đảnh, một “chuyên gia” phá lục bình thì mới tuần trước, đích thân Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Hùng Việt gọi điện cho ông nhắc nhở xúc tiến kế hoạch dẹp lục bình để trình UBND tỉnh ký duyệt. Ông Tư Đảnh vui mừng mang kế hoạch đuổi lục bình tới Sở Khoa học & Công nghệ, nhưng được lãnh đạo Sở thông báo còn phải chờ làm việc với tỉnh Long An, bàn bạc kỹ về việc xử lý số lục bình bị đuổi từ Tây Ninh về Long An.

Trong khi chờ đợi, người dân Bến Sỏi đã tự tìm cách tháo gỡ khó khăn cho mình.

P.Q