Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
“Cuộc chiến” chống Vedagro
Thứ ba: 03:23 ngày 07/10/2014

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Sau ngày miền Nam giải phóng, môi trường ở Tây Ninh chưa bị ảnh hưởng nhiều do sản xuất công nghiệp chưa phát triển mạnh. Vì vậy vấn đề môi trường chưa được xã hội quan tâm, tỉnh cũng chưa có cơ quan quản lý nhà nước về môi trường. Giai đoạn đó, Báo Tây Ninh cũng chưa có nhiều bài viết phản ánh về môi trường. Thế nhưng những năm về sau, kinh tế phát triển mạnh, nhiều nhà máy ra đời, môi trường bắt đầu bị ảnh hưởng, công cuộc đấu tranh chống ô nhiễm ngày càng mạnh. Từ đó, Báo Tây Ninh bắt đầu tham gia công cuộc bảo vệ môi trường.

Bãi cỏ bị chết khô ở một vùng đổ phân Vedagro (ảnh tư liệu D.N).

Từ đầu thập niên 90, bài viết phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều trên Báo Tây Ninh. Trong đó có một số bài phản ánh những đợt ô nhiễm gây tình trạng cá chết hàng loạt trên sông Vàm Cỏ Đông và rạch Tây Ninh. Tuy nhiên “trận đánh” lớn đầu tiên về môi trường là đấu tranh chống việc đổ chất thải Vedagro tràn lan trên địa bàn tỉnh vào những năm cuối thập niên 1990. Đây là “trận đánh” rất cam go bởi quá trình đưa chất thải này vào Tây Ninh được doanh nghiệp chuẩn bị công phu- cả về mặt pháp lý và được nguỵ trang rất tinh vi.

Trước tiên, qua thông tin của người dân, phóng viên Báo Tây Ninh biết một công ty nước ngoài thuê đất ở huyện Dương Minh Châu với danh nghĩa là sản xuất nông nghiệp, nhưng thực chất là đào nhiều hầm lớn để chứa chất thải có tên là Vedagro. Phóng viên Báo lần theo và phát hiện chất thải Vedagro được vận chuyển về đây bằng những chiếc xe bồn, mỗi xe chở cả chục ngàn lít, đổ tràn những hố to trong khu vực đất công ty này thuê. Mùi hôi của chất thải khi phân huỷ lan rộng ra môi trường, người dân chung quanh chịu không nổi.

Khi thông tin về việc đổ chất thải này được đưa lên báo, cơ quan chức năng vào cuộc. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại trưng ra giấy chứng nhận của một cơ quan trung ương, trong đó công nhận chất Vedagro này là… phân bón. Theo giấy công nhận này, trong Vedagro có chứa các chất N, P, K giống như các loại phân bón đang bán trên thị trường. Thế nhưng các chất nguy hại khác có trong chất thải thì chẳng thấy đề cập đến.

Để chứng minh đây là chất thải thuần tuý chứ không phải phân bón, phóng viên Báo Tây Ninh phải tìm đến các “nhà khoa học” am hiểu về lĩnh vực chế biến nông sản. Rất may, ở Tây Ninh lúc đó có một thạc sĩ am hiểu lĩnh vực này và qua sự vận động của phóng viên, ông đã viết một bài phân tích các chất có trong Vedagro, trong đó có rất nhiều chất nguy hại cho môi trường, cho con người có hàm lượng các chất độc hại vượt chuẩn cho phép. Đặc biệt, trong “phân bón” Vedagro còn có chứa một số kim loại nặng có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước ngầm.

Song song đó, phóng viên Báo Tây Ninh cũng tìm hiểu và có bài viết nêu ra những điều bất hợp lý trong việc “kinh doanh phân bón Vedagro”. Cụ thể như: phân bón sao không có bình chứa, lại chứa trong xe bồn với dung tích hơn chục ngàn lít rồi xả thẳng ra môi trường? Phân bón sao không bán mà lại cho không? Phân bón sao lại đổ xuống hầm, hố với số lượng lớn...? Đồng thời phóng viên cũng tiếp xúc, thu thập ý kiến của người dân, của chính quyền địa phương chung quanh việc doanh nghiệp cho đổ chất Vedagro để đăng tải trên báo. Hầu hết ý kiến tham khảo đều cho đó là chất thải, đang gây ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng khu vực chung quanh đất của công ty này thuê.

Sau loạt bài tiếp theo, dư luận lên án gay gắt việc cho đổ chất thải Vedagro của công ty nước ngoài thuê đất trên địa bàn huyện Dương Minh Châu. Tuy nhiên, cũng có đơn vị trong tỉnh không thống nhất với dư luận và các địa phương, vẫn cho rằng đó là phân bón. Thậm chí còn có một số cá nhân liên hệ để xe bồn chở chất thải Vedagro đến đổ thẳng lên đất sản xuất nông nghiệp của mình, bởi chẳng phải bỏ ra chi phí gì, còn hiệu quả (hay hậu quả)... tính sau.

“Cuộc chiến” chống Vedagro vì thế mà ngày càng gay gắt hơn. Chất thải Vedagro lúc đó đã vượt ra ngoài phạm vi huyện Dương Minh Châu và lấn ra các huyện Tân Châu, Tân Biên. Xe bồn chở chất thải này cứ chạy lên các huyện biên giới, nếu có ai có nhu cầu sử dụng thì đến đổ xuống, nếu không có thì xe tìm chỗ vắng vẻ lén mở vòi xả thẳng ra mặt đất.

Đến lúc ấy, Báo Tây Ninh phải huy động nhiều phóng viên tham gia, đi đến nhiều địa phương ghi nhận, phản ánh thực trạng đổ chất thải Vedagro. Thậm chí, cả Tổng biên tập Báo Tây Ninh Nguyễn Đức Tâm lúc ấy cũng “thân chinh” cùng phóng viên trực tiếp đến những nơi chất thải đổ xuống để chứng kiến tận mắt và lắng nghe dư luận chung quanh, qua đó chỉ đạo phóng viên phối hợp viết bài.

Trước những phản ánh của Báo Tây Ninh và dư luận trong dân, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, đánh giá về chất Vedagro và đề xuất hướng xử lý. Cuối cùng UBND tỉnh ra quyết định tạm đình chỉ việc đổ Vedagro trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Như vậy, coi như “cuộc chiến” chống đổ chất thải Vedagro kết thúc. Từ đó không còn cảnh xe bồn ồ ạt đổ loại chất thải này trên đất Tây Ninh nữa.

Sơn Trần

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục