Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Mỹ và các đối tác thương mại đang có những bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích mới, có nguy cơ dẫn đến cuộc chiến tranh thương mại.
Ảnh minh họa
Từng là quốc gia sản xuất thép số 1 thế giới, nhưng hiện Mỹ đã bị Trung Quốc và Nhật Bản vượt xa về sản lượng. Do vậy, ngay sau khi lên nhậm chức hồi tháng 1 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố “ngành thép sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển ngành công nghiệp của nước Mỹ”.
Ông Trump đã đưa ra 4 chính sách để khôi phục nền công nghiệp thép của Mỹ, bao gồm bãi bỏ các quy định ngăn cản sự phát triển của ngành thép, cắt giảm thuế doanh nghiệp, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và cuối cùng cũng là chính sách quan trọng trong nhất mà ông Trump có thể thực hiện được là: Ngăn chặn nhập khẩu thép giá rẻ từ các nước trên thế giới.
Cuối tuần qua, Bộ trưởng Thương mại Mỹ (DOC) Wilbur Ross đã công bố những khuyến nghị chính sách mà trước đó một tháng đã được trình lên Tổng thống Trump để xem xét quyết định.
Nội dung những khuyến nghị chính sách lần này của ông Ross nhằm giảm mức độ nhập khẩu thép và nhôm của Mỹ để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp luyện thép và nhôm ở Mỹ. Ông Ross đưa ra 3 sự lựa chọn trình Tổng thống Trump xem xét quyết định.
Thứ nhất, đánh thuế vào thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ từ tất cả các nước trên thế giới, mức thuế quan tối thiểu 24% đối với thép và 17% đối với nhôm. Thứ hai, áp dụng thuế quan nhằm vào diện đối tác nhất định, cụ thể là đối với 12 nước. Tất cả các đối tác khác không được xuất khẩu 2 mặt hàng nói trên vào Mỹ vượt quá mức độ trong năm 2017. Thứ ba, không áp dụng thuế quan nhưng hạn chế mức độ xuất khẩu thép và nhôm của tất cả các đối tác xuống còn bằng 63% khối lượng xuất khẩu của họ trong năm 2017.
Sau khi nhận được báo cáo của DOC, Tổng thống Trump sẽ xem xét và ban hành quyết định cuối cùng về áp dụng hoặc không áp dụng, mức độ áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu đối với thép (trước ngày 11/4) và với nhôm (trước ngày 19/4).
Mỹ đang là nước nhập khẩu thép nhiều nhất thế giới. Riêng trong năm ngoái, Mỹ đã nhập khẩu 26,9 triệu tấn thép. Việc đưa ra chính sách "bài trừ thép ngoại" của ông Trump cho thấy quyết tâm khôi phục ngành thép vốn là niềm tự hào của nước Mỹ.
Ăn miếng trả miếng
Trước động thái nói trên của Mỹ, gần như tất cả các đối tác thương mại của Mỹ không chỉ phản đối mà còn bắt tay ngay vào việc chuẩn bị những biện pháp trả đũa và đối phó thích ứng nếu ông Trump quyết theo hướng những khuyến nghị nói trên của ông Ross.
EU tuyên bố sẵn sàng trả đũa nếu Mỹ áp đặt thuế hoặc hạn ngạch nhập khẩu thép từ châu Âu. Bà Cecilia Malmström, Uỷ viên châu Âu phụ trách về thương mại, đã kêu gọi chính quyền của ông Trump không nên áp đặt hàng rào thuế quan nhập khẩu thép vì như vậy sẽ ảnh hưởng xấu tới châu Âu.
"Chúng tôi sẽ chờ đợi xem biện pháp thuế mới mà Mỹ ban hành có tuân thủ với quy định của WTO hay không. Nếu điều này gây tổn hại đến châu Âu thì tất nhiên chúng tôi sẽ trả đũa".
Bộ trưởng Thương mại Đức Matthias Machnig - quốc gia đóng góp tới 4% lượng thép nhập khẩu vào Mỹ, cho biết EU đã nhất trí về sự cần thiết chuẩn bị các hành động đáp trả Mỹ và theo ông, sẽ là không thông minh nếu Mỹ trừng phạt các đồng minh quan trọng như EU, Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Để đáp trả mức áp thuế nhập khẩu thép có thể lên tới 20% sắp tới của Mỹ, EU đang lên kế hoạch áp thuế đối với một số sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ như nông sản, xe máy Harley-Davidson, rượu whisky ngô...
Tùy theo các biện pháp Washington đưa ra, EU có nhiều lựa chọn phù hợp để "phản đòn" phía Mỹ. Trước tiên, EU có thể đưa vấn đề này lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), việc có vẻ đơn giản nhưng sẽ mất nhiều thời gian.
Kịch bản thứ hai là EU có thể đưa ra các biện pháp được gọi là bảo vệ công nghiệp thép và nhôm châu Âu. Điều này cho phép EU ra quyết định hạn chế tạm thời nhập khẩu một số sản phẩm để bảo vệ một số ngành sản xuất liên quan.
Trong khi đó, Hàn Quốc đe dọa sẽ kiện lên WTO nếu Mỹ áp thuế cao lên thép nhập khẩu. Tiêu đề một bài viết trên báo Nikkei của Nhật Bản viết: "Mức thuế Mỹ đánh vào thép nhập khẩu từ một số quốc gia là mức thuế "giết người", "phi lý" và "gây nguy hiểm" cho một số doanh nghiệp".
Trung Quốc đe dọa sẽ trả đũa thích đáng. Trung Quốc có thể sẽ "ăn miếng trả miếng" bằng cách đánh thuế thật cao mặt hàng đậu nành Mỹ, nông sản xuất khẩu chủ lực từ Mỹ vào Trung Quốc.
Nguồn Báo điện tử Chính phủ