Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cuộc “di dân” lớn nhất trong đại dịch Covid-19 là từ ngoài đồng sang online
Chủ nhật: 23:07 ngày 28/11/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Việc sử dụng mạng xã hội để kết nối thị trường, tiêu thụ nông sản thời gian gần đây đang được nhiều tổ chức, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh cá thể khai thác nhưng cũng chỉ dừng ở khâu chào hàng, giới thiệu sản phẩm.

Hệ thống tưới hiện đại ở một trang trại (ảnh minh hoạ)

Hợp tác xã (HTX) và nông dân gắn bó lâu năm cùng ruộng đồng, ao chuồng, nhưng có tới gần 90% HTX vẫn mang tính chất tự phát. Vì vậy, khi “bão Covid” đến, đa phần HTX, nông dân đều nằm trong thế bị động, bị dồn ép và dễ bị quật ngã. Lúc này, HTX, nông dân chỉ có một sự lựa chọn duy nhất, đó là “tiến tới online hay bị thị trường loại bỏ”.

“Nhiều HTX than thở giờ tìm khách hàng sao khó quá. Tìm được rồi giữ chân khách hàng thế nào? Nếu như trước kia, chúng ta có những lý do để trì hoãn chuyển đổi số thì nay khác rồi. Xu hướng tiêu dùng hiện đại của khách hàng có thể ví như một cuộc “di dân” lớn nhất trong lịch sử là đi từ ngoài đồng sang online, buộc HTX phải thay đổi mô hình kinh doanh trong tình hình mới.

Là người đi câu, nếu không thay đổi về phương thức đi câu, mồi câu… thì làm sao chúng ta bắt được cá, làm sao giữ chân được khách hàng? Thực tế cho thấy, các HTX, nông dân đã có sự chuyển biến rất tích cực khi nhanh chóng nắm bắt được hành vi khách hàng và thực hiện chuyển đổi số kịp thời”.

Theo quan sát, trong dịch bệnh, không phải HTX, nông dân nào cũng đi xuống, có những HTX, nông dân nắm bắt được công nghệ từ sớm nên có sự tăng trưởng. “Đối với một HTX bán rau sạch, chúng ta thấy rằng nếu chỉ bán rau không thì chưa đủ, khách hàng khi “đi chợ” còn muốn nhân tiện mua thêm cân thịt, ít cá tươi… Hiểu rõ điều đó và thực hiện thay đổi, khi dịch bệnh diễn ra, chỉ một thời gian ngắn, doanh số của đơn vị này đã tăng lên gấp mấy lần so với trước”- một ý kiến nêu.

Chúng ta nói nhiều về chuyển đổi số, nhưng chuyển đổi như thế nào, bắt đầu từ đâu thì không phải HTX, nông dân nào cũng biết được.

Công cuộc chuyển đổi số ở ngành nông nghiệp đã được khởi động tích cực và mang lại hiệu quả trong cả khâu quản lý, điều hành và sản xuất. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ chuyển đổi trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn còn mới mẻ và chưa đồng bộ.

Ở lĩnh vực trồng trọt, phương thức sản xuất truyền thống, dựa vào sức lao động của con người vẫn rất phổ biến. Số lượng các mô hình nhà màng, nhà lưới, ứng dụng công nghệ chăm sóc, tưới tự động vẫn chỉ “đếm trên đầu ngón tay” và đa số mới chỉ ứng dụng công nghệ số, kỹ thuật hiện đại ở một số khâu nhất định.

Việc sử dụng mạng xã hội để kết nối thị trường, tiêu thụ nông sản thời gian gần đây đang được nhiều tổ chức, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh cá thể khai thác nhưng cũng chỉ dừng ở khâu chào hàng, giới thiệu sản phẩm.

Bên cạnh đó, thách thức lớn nữa mà ngành nông nghiệp đang đối mặt trong tiến trình chuyển đổi số đó là diện tích đất manh mún, nhỏ lẻ; thói quen sản xuất tự do, thiếu liên kết, trong khi trình độ ứng dụng công nghệ của đa phần nông dân hiện nay thấp, nguồn lực đầu tư của Nhà nước và người dân để chuyển đổi số còn hạn chế.

Đích hướng đến của chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn chính là người dân, bởi người dân vừa là đối tượng thụ hưởng vừa là chủ thể thực hiện nên rất cần cơ chế, chính sách, nguồn lực và sự đồng hành của các cấp, ngành chức năng, cộng đồng doanh nghiệp để phát triển đồng bộ, toàn diện nông nghiệp thông minh 4.0. Cần có những giải pháp căn cơ làm thay đổi tư duy sản xuất để mỗi người dân là một thương nhân kinh tế số, mỗi cơ sở sản xuất là một đơn vị chuyển đổi số.

Nguyễn Kiêm Phượng

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh