Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cuộc điều tra lớn nhất trong lịch sử báo chí
Thứ ba: 12:56 ngày 05/10/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Với 11,9 triệu tài liệu được xử lý bởi ít nhất 650 nhà báo thuộc 150 tổ chức truyền thông, Hồ sơ Pandora đã hé lộ dòng chảy tài chính của hàng loạt tỷ phú và lãnh đạo quốc gia.

Washington Post, BBC Panorama và Guardian đã cùng hơn 150 tổ chức truyền thông khác tham gia cuộc điều tra về Hồ sơ Pandora.

Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) đã chủ trì cuộc điều tra, tập trung thẩm định khoảng 11,9 triệu tệp tài liệu rò rỉ. Chi tiết về Hồ sơ Pandora sẽ được công bố dần dần, bắt đầu từ ngày 3/10 (giờ New York).

Quá trình xem xét kho tài liệu rò rỉ từ 14 công ty dịch vụ tài chính đã làm sáng tỏ những giao dịch và tài sản ở nước ngoài của hơn 100 tỷ phú cùng nhiều lãnh đạo thế giới.


Hồ sơ Pandora làm sáng tỏ dòng chảy tài chính của các tỷ phú và quan chức trên khắp thế giới. Ảnh: Guardian.

Nhóm điều tra khổng lồ

Kết quả điều tra hé lộ chi tiết về các công ty ngoại biên (offshore) được một số lãnh đạo thế giới và tỷ phú sử dụng để tích lũy, quản lý và giao dịch tài sản ở nước ngoài một cách bí mật.

Công ty ngoại biên (offshore) là doanh nghiệp đăng ký và hoạt động ở nước ngoài, thường nằm ở những vùng lãnh thổ có mức thuế ưu đãi hoặc miễn thuế.

Cuộc điều tra về Hồ sơ Pandora đòi hỏi sự tham gia của nhiều đơn vị truyền thông vì không tổ chức đơn lẻ nào đủ khả năng thẩm định lượng tài liệu khổng lồ mà họ có thể tiếp cận.

Không những vậy, các tài liệu trong Hồ sơ Pandora được viết bằng tiếng Anh, Tây Ban Nha, Nga, Pháp, Arab, Hàn Quốc và một loạt ngôn ngữ khác. Do đó, quá trình tập hợp, đánh giá và hệ thống hóa số dữ liệu này là một kỳ công, đòi hỏi sức lực của một đội ngũ hùng hậu.

Theo Washington Post, ít nhất 150 tổ chức truyền thông tại 117 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tham gia vào cuộc điều tra liên quan đến Hồ sơ Pandora. BBC cũng cho biết dự án này có sự góp mặt của khoảng 650 nhà báo.

Bên cạnh Guardian, BBC và Washington Post, ICIJ còn phối hợp cùng Radio France, Oštro Croatia, India Express, báo Standard của Zimbabwe, hãng thông tấn Le Desk của Morroco và báo El Universo của Ecuador.

Về phía ICIJ, một loạt nhân sự cấp cao của tổ chức này đến từ nhiều châu lục đã tham gia vào dự án Hồ sơ Pandora, đơn cử như biên tập viên Emilia Díaz-Struck (đến từ Venezuela), các phóng viên dữ liệu như Delphie Reuter (Bỉ) và Agustin Armendariz hay Mago Torres (đều đến từ Mỹ).

Bên cạnh đó, hai nhà báo đến từ Tây Ban Nha là Jesús Escudero và Miguel Fiandor Gutiérrez cũng tham gia vào dự án Hồ sơ Pandora.

Phóng viên dữ liệu Karrie Kehoe (Ireland), Jelena Cosic (Serbia), chuyên gia nghiên cứu Margot Williams và Sean McGoey (đều đến từ Mỹ) cũng nằm trong danh sách thành viên trực tiếp đóng góp cho Hồ sơ Pandora.

Thông qua quá trình cộng tác với ICIJ, các công ty truyền thông đã phối hợp rà soát tài liệu, xác thực thông tin và tiến hành báo cáo bổ sung để đưa ra bức tranh tổng thể xoay quanh Hồ sơ Pandora.


Hơn 650 nhà báo thuộc 150 tổ chức truyền thông tại 117 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tham gia vào cuộc điều tra liên quan đến Hồ sơ Pandora. Ảnh: ICIJ.

Việc thẩm định tài liệu kéo dài trong nhiều tháng. Washington Post cho biết họ không phát hiện dấu hiệu nào cho thấy các tài liệu được phát tán với mục đích gây ảnh hưởng đến bất kỳ cá nhân hoặc chính phủ nào một cách có chủ đích.

Số tư liệu mà ICIJ và các tổ chức truyền thông thu thập được bao gồm email cá nhân, bảng tính, hợp đồng bí mật cùng một số loại hồ sơ khác giúp truy dấu loạt giao dịch giá trị và những nhân vật đứng sau chúng.

Nhóm điều tra đã phát hiện khoảng 29.000 tài khoản ngoại biên, hơn gấp đôi so với lượng tài khoản được xác định trong Hồ sơ Panama. Trong số này có hơn 130 người xuất hiện trong danh sách tỷ phú do tạp chí Forbes công bố, cùng 330 quan chức đến từ 90 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Với 11,9 triệu tệp tài liệu được ICIJ và các tổ chức truyền thông thu thập, Hồ sơ Pandora trở thành vụ rò rỉ lớn nhất trong khoảng một thập kỷ trở lại đây, lớn hơn cả Hồ sơ Paradise vào năm 2017 (với 13,4 triệu tệp tài liệu) và Hồ sơ Panama vào năm 2016 (với 11,5 triệu tệp).

Số tư liệu rò rỉ trong dự án Hồ sơ Pandora thậm chí nhiều gần gấp 5 lần so với vụ bê bối Offshore xảy ra vào năm 2013, theo BBC.

Trong số 11.903.676 tệp tài liệu được thu thập từ 14 nguồn có 6.406.119 văn bản, 2.937.513 hình ảnh, 1.205.716 thư điện tử, 467.405 bảng tính và 886.923 tư liệu khác.

Nhiều cá nhân bị "chỉ mặt đặt tên"

Hồ sơ Pandora đã hé lộ lượng tài sản và dòng tiền bí mật của nhiều nhân vật có sức ảnh hưởng, vốn được quản lý và ủy thác thông qua các công ty ngoại biên (offshore).

Danh sách cá nhân liên quan đến Hồ sơ Pandora bao gồm nhiều lãnh đạo quốc gia, cầu thủ, huấn luyện viên bóng đá và ca sĩ nổi tiếng.

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair và phu nhân. Ảnh: BBC.

Vua Abdullah II của Jordan được cho là đã bí mật tích lũy khối tài sản trị giá 100 triệu USD tại Mỹ và Anh.

Tài liệu rò rỉ cũng cho thấy cách mà cựu Thủ tướng Anh Tony Blair và vợ tiết kiệm được số tiền thuế đáng kể khi mua một văn phòng ở London.

Theo Hồ sơ Pandora, nhà Aliyev, gia tộc cầm quyền của Azerbaijan, có các khoản giao dịch bất động sản ở Anh trị giá hơn 540 triệu USD.

Nguồn zingnews

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục