Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cuộc họp tối muộn và thông điệp khát vọng của Thủ tướng
Thứ ba: 09:30 ngày 13/02/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Buổi họp tối muộn sau trận đấu của đội tuyển U23, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh "Phải có khát vọng lớn lao, niềm tin mãnh liệt đưa đất nước tiến lên, chứ không thể bình bình mãi”. Thủ tướng mong mọi người hãy nhớ đến hiện tượng lột xác làm nên kỳ tích của U23 để cùng phấn đấu.

Ngay khi bước sang đầu năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết liệt và hối thúc, chúng ta cần tiếp tục quyết liệt hơn trên các mặt: kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, đề cao trách nhiệm cá nhân, xây dựng nền công vụ trong sạch, quyết tâm loại trừ tham ô, nhũng nhiễu... Tất cả nhằm kiến tạo một môi trường phát triển kinh tế minh bạch và bền vững.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Vượt qua chính mình

Tại Hội nghị tổng kết của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hôm 15/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không quên biểu dương 2 vị bộ trưởng trong năm qua có nhiều biến chuyển trong công tác điều hành, đó là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Còn Bộ Công Thương, nơi chỉ vài năm trước còn nhiều rào cản và chậm đổi mới, thậm chí có dấu hiệu tiêu cực thì năm nay đã quyết liệt cải tổ cả về bộ máy và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động thông thoáng nhất và cũng được Thủ tướng biểu dương. Đáng ghi nhận là việc Bộ Công Thương đã bãi bỏ 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh, chiếm đến hơn một nửa số điều kiện mà bộ này từng quản lý.

Nhiều mặt hàng, trong đó có tôm, xuất khẩu đạt giá trị cao trong năm qua (ảnh Minh Dũng).

Nói về thành tích kinh tế xã hội năm 2017, tại đối thoại lần 2 do Diễn đàn Kinh tế Việt Nam tổ chức, Thủ tướng Chính phủ đã điểm lại những thành tựu mà Việt Nam đã vượt khó và vượt qua chính mình đề đạt được.

Đó là một năm kỷ lục mới của xuất nhập khẩu Việt Nam khi tổng mức lưu chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu vượt mốc 420 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu ước 214 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Tính chung cả năm 2017, Việt Nam đã xuất siêu 2,7 tỷ USD.

Đó là môi trường kinh doanh của Việt Nam có bước tiến bộ vượt bậc, theo xếp hạng mới nhất của Ngân hàng Thế giới, từ vị trí 82 lên vị trí 68/190 nền kinh tế, tăng 14 bậc; chỉ số năng lực cạnh tranh theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tăng 5 hạng, từ 60 lên 55/137; báo cáo về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2017 của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới, Việt Nam đã từ vị trí 59/128 năm ngoái lên vị trí 47/127 nền kinh tế, tăng 12 bậc.

Đây là thứ hạng cao nhất Việt Nam từng đạt được. Việt Nam còn đứng vị trí số 1 về chỉ số này trong số các nước có thu nhập trung bình thấp,...

Đó là cơ cấu nền kinh tế đã có sự dịch chuyển tích cực, trong đó giảm dần tỷ trọng của nông nghiệp và tăng tỷ trọng của khu vực công nghiệp và dịch vụ. Các cân đối lớn của nền kinh tế ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức hợp lý. Trong năm 2017, Chính phủ đã ban hành tới 14 nghị quyết về đơn giản hóa thủ tục hành chính trên phần lớn các lĩnh vực,...

Nhìn về dài hạn, việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bước đầu phát huy hiệu quả, giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu khí. Cơ cấu nền kinh tế đã có sự dịch chuyển tích cực, trong đó giảm dần tỷ trọng của nông nghiệp và tăng tỷ trọng của khu vực công nghiệp và dịch vụ.

Sự tăng trưởng kinh tế “thần kỳ” của Việt Nam vượt mọi dự báo và kỳ vọng, tạo bước đà cho năm 2018 với mục tiêu tăng trưởng 6,5-6,7%. Dự báo năm 2018, tăng trưởng kinh tế thế giới và thương mại tiếp tục được duy trì, song không nhiều như năm 2017. Vì thế, chính phủ đã phát đi thông điệp cần sự chủ động tích cực hơn ngay từ đầu năm thì mới có thể có những chuyển biến tốt vào cuối năm.

Chủ động hoá giải bất lợi

Nhìn lại 2017 để thấy Việt Nam đã vượt qua chính mình khi luôn phải đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn, những thảm họa bất ngờ ập đến. Thảm hoạ thiên nhiên năm qua với 16 trận bão, lũ kinh hoàng, gây thiệt hại đến trên 60 ngàn tỷ đồng không ai lường trước được. Nguy cơ hạn hán và ngập mặn cũng là vấn đề đại sự của cả vùng Đồng bằng sông Cửu long.

Với tinh thần chủ động và có cách đề phòng để hạn chế được thiệt hại, vươn lên phát triển, một chương trình phát triển mới cho Đồng Bằng Sông Cửu Long đã được hoạch định để vựa lúa từng đưa Việt Nam ghi dấu trên bản đồ thế giới chuyển sang một trang phát triển mới.

Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2018 là 6,5-6,7%

Bên cạnh đó, những "sự cố" khác do chính con người gây ra cũng cần cảnh giác để cần được xử lý sớm. Những BOT Cai Lậy cho đến  những dự án đầu tư thiếu hiệu quả, "đắp chiếu" nhiều năm có nguy cơ phá sản như 12 dự án thua lỗ của Bộ Công Thương,... cũng rất bất lợi cho nền kinh tế nước nhà cần được dứt điểm sớm.

Hiểu được những khó khăn, chúng ta càng chia sẻ với Thủ tướng điều mà ông từng trăn trở: “2017, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.385 USD thì có gì mà quá phấn khởi?".

Bởi vì, nếu chỉ vậy mà đã bằng lòng với nó thì vô tình sẽ triệt tiêu ý chí phấn đấu để chúng ta bứt phá. Nó rất không hay và cũng rất dễ tụt hậu so với các nước khác.

Mới hôm rồi, nhân đội tuyển bóng đá 23 Việt Nam hiên ngang bước vào trận chung kết sau khi thắng trận bán kết trước U23 Qatar, tại cuộc họp với 4 văn phòng các cơ quan đầu não của Trung ương sau 1 năm công tác do Thủ tướng chủ trì, ông đã cho lui lại họp tối để mọi người cùng dõi theo, cổ vũ trận đấu.

Và ngay trong cuộc họp sau đó, Thủ tướng mong muốn các cơ quan tham mưu của Trung ương chú ý nâng cao năng lực, hiệu quả của công tác. Tham mưu cho đúng chủ trương của Đảng, đúng Hiến pháp, luật pháp, vừa có tính khả thi, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Tham mưu vì lợi ích chung, tuyệt đối tránh lợi ích nhóm, kiên quyết chống tham nhũng,...

"Phải có khát vọng lớn lao, niềm tin mãnh liệt đưa đất nước tiến lên, chứ không thể bình bình mãi”, Thủ tướng nhấn mạnh và mong mọi người hãy nhớ đến hiện tượng lột xác làm nên kỳ tích của đội tuyển bóng đá U23 để cùng phấn đấu.

Khát vọng đó đã và đang trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy xây dựng một Chính phủ Hành động, Kiến tạo và Liêm chính. Đó chính là nền tảng, là niềm tin, sự hứng khởi... thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đang lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội, trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong dài hạn.

Nguồn vietnamnet

Báo Tây Ninh
Cung cấp Túi zipper Naltako
Tin cùng chuyên mục