Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Mặc kệ mùi hôi thối và đám ruồi nhặng bao quanh, người phụ nữ thân hình gầy gò, mặt nám, da đen vì nắng gió, vẻ người già nua trước tuổi vẫn cắm cúi cào bới, kiếm tìm những thứ mình cần trên bãi rác ở khu phố 3, thị trấn Bến Cầu, huyện Bến Cầu.
Bên cạnh còn có một thanh niên vóc dáng gầy guộc khuôn mặt bị che khuất sau lớp khẩu trang cũng đang miệt mài cào bới. Thỉnh thoảng họ ngước mặt lên, trong ánh mắt ẩn chứa một vẻ gì đó cam chịu.
Chị Hoà cùng con trai miệt mài cào bới tại bãi rác ở khu phố 3, thị trấn Bến Cầu.
Người phụ nữ kiếm sống bằng nghề bới rác như thế cả chục năm qua rồi, còn người thanh niên- chính là cậu con trai của chị đang làm công nhân tại một xí nghiệp ở Bình Dương, vì xót cảnh mẹ mình cô đơn mà đã xin nghỉ việc để về nhà sớt chia nhọc nhằn với mẹ.
Người phụ nữ ấy tên là Nguyễn Thị Hoà, năm nay 47 tuổi, ngụ ở ấp Trường An, xã Trường Tây, huyện Hoà Thành. Thời son trẻ, chị Hoà lấy chồng rồi theo về quê chồng ở xã Chánh Mỹ, thị xã Thủ Dầu Một- nay là phường Chánh Mỹ, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Nhà không ruộng đất sản xuất, chị quang gánh lên vai, kiếm sống bằng nghề mua bán ve chai. Số phận không may, đến một ngày chị lâm cảnh tan vỡ hạnh phúc gia đình. Đứa con trai của chị tên Quách Hùng Cường mới lên lớp 6 cũng đành phải nghỉ học giữa chừng.
Sau khi vợ chồng chia tay, chị Hoà khăn gói trở về quê nhà ở ấp Trường An, xã Trường Tây, tính đến nay đã hơn 10 năm. Cậu con trai ở lại Bình Dương với cha. Không còn chồng con bên cạnh, bản thân không vốn liếng, không tài sản, chị Hoà tiếp tục theo đuổi cái nghề mua bán ve chai.
Ngày lại ngày, chị cùng với chiếc xe đạp cũ kỹ cọc cạch khắp nơi để tìm mua ve chai, khi nào mua được đầy xe lại cọc cạch trở về, chịu khó lựa ra từng loại, sau đó chở đến vựa ve chai để bán. Cái nghề mua bán ve chai xem ra cũng không thuận lợi mấy, chị Hoà đành kiêm thêm công việc thu nhặt phế liệu.
Trời vừa tờ mờ sáng chị đã có mặt tại các bãi rác ở Hoà Thành. Với chiếc cào cỏ 3 răng, chị cặm cụi cào bới, kiếm tìm các thứ bọc nhựa, chai, lọ, mảnh nhôm, sắt vụn… Những thứ người khác sẵn sàng vứt đi nhưng đối với chị nó là tiền, là cơm gạo hằng ngày. Nhẫn nại như thế nhiều năm qua, vậy mà dần dần chị cũng đã sắm được một chiếc xe gắn máy bằng chính những đồng tiền kiếm được từ các loại phế liệu nơi bãi rác. Có được chiếc xe gắn máy, chị có thể đi làm xa hơn, sớm hơn so với trước đó và kiếm được nhiều phế liệu hơn- đồng nghĩa với số tiền kiếm được cũng nhiều hơn. Điều thuận lợi nữa là chị có thể “canh” được đúng lúc xe rác tập kết về bãi rác, để tranh thủ kiếm nhiều “phế liệu có giá trị”.
Gần 4 năm trở lại đây, những bãi rác ở Hoà Thành ngày càng đông người tìm đến để thu nhặt phế liệu, vì thế, chị Hoà phải cất công tìm đến bãi rác ở khu phố 3, thị trấn Bến Cầu. Dù trời mưa hay nắng, ngày ngày chị vẫn đều đặn có mặt nơi đây để làm cái cuộc mưu sinh từ những thứ bị người khác vứt đi. Vừa bước chân tới bãi rác đã nghe tiếng lũ ruồi nhặng ro ro bên tai. Cặp vòng rào bãi rác sẽ thấy mấy cái lều bằng giấy dày hoặc bao nhựa, đó chính là nơi cơm nước và nghỉ trưa của chị Hoà.
Gần 1 năm nay, Cường- con trai của chị Hoà, nay đã 20 tuổi, từ Bình Dương tìm về với mẹ và cùng mẹ kiếm sống dựa vào bãi rác. Chị Hoà cho biết- trong lúc đôi tay vẫn miệt mài cào bới, mặc kệ mùi hôi thối bốc lên, mặc kệ lũ ruồi nhặng vo ve quanh mình: làm công việc này, mỗi ngày trừ chi phí xăng xe các thứ thì thu nhập còn lại được khoảng 120.000 đến 150.000 đồng cho cả hai mẹ con.
Chị kể, những ngày đầu khi mới đi cào rác, phải hít thở cái mùi hôi thối, chị thường bị nôn oẹ, đêm về đau đầu khó ngủ, tưởng đâu không thể chịu đựng nổi. Nhưng rồi chị nghĩ nếu không cố làm thì lấy gì mà sống. Chịu đựng riết cũng thành quen, chị cứ bấu víu cái nghề cào bới rác như thế cả chục năm qua.
Ngày ngày, hai mẹ con chị Hoà đều có mặt thật sớm tại bãi rác trên. Thu lượm được các thứ rồi còn phải phân loại ra từng thứ riêng biệt để bán với giá khác nhau (nếu như không lựa riêng từng loại thì phải bán với giá sa cạ chỉ 2.000 đồng/kg). Thường là hai mẹ con cào bới đến hơn 15 giờ mới bắt đầu phân loại phế liệu đem bán, xong về nhà nghỉ để sáng hôm sau lại tiếp tục.
Chị Hoà cho biết, hiện tại chị còn đang phải ở nhờ nhà của người chị họ tại ấp Trường An. Chị sẽ cố gắng làm lụng để sắp tới có thể tạo dựng một căn nhà nhỏ cho hai mẹ con có chỗ trú ngụ riêng.
Bị đau khớp đã hơn 4 tháng qua nhưng chị vẫn cố đeo bám công việc vẫn làm hằng ngày, cái nghề tuy nhọc nhằn nhưng nó không cần vốn liếng lại chẳng đòi hỏi phải suy tính, bon chen gì, chỉ cần chăm chỉ cào bới, chịu đựng mùi hôi… khi nào mệt thì nghỉ, không phụ thuộc vào ai.
Niềm vui là thỉnh thoảng lại tìm ra thứ gì đó có giá trị, có thể bán được nhiều tiền, còn chuyện thỉnh thoảng… dính phải mảnh ve chai hay bị gai cào xướt tay chảy máu là chuyện như cơm bữa, coi như không cần để ý. Chị cũng không oán trách số phận của mình khi phải vất vả quanh năm ngoài bãi rác.
Rời bãi rác, chúng tôi ra về, lòng không khỏi xót xa cho hai mẹ con người phụ nữ gầy gò vẫn đang cắm cúi, miệt mài làm cái việc cào bới rác dưới ánh nắng gay gắt và mùi hôi thối không ngừng lan toả.
THUỲ DUNG