BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cuộc sống bình dị của người cựu chiến binh 

Cập nhật ngày: 12/09/2017 - 16:05

BTN - Có dịp ghé xã Phước Chỉ (Trảng Bàng), tôi được nghe bà con ở đây kể về ông Nguyễn Văn Hăng, sinh năm 1952, ngụ tại ấp Phước Hội. Ðó là một cựu chiến binh có lối sống giản dị, gần gũi và làm được nhiều việc có ích cho xóm làng. Ðược tiếp xúc với ông, tôi thấy ông quả thật rất giản dị, dễ gần.

Ông Nguyễn Văn Hăng.

Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, từ nhỏ ông đã sớm có ý thức về lòng yêu nước. Năm 19 tuổi, chàng trai Nguyễn Văn Hăng tham gia cách mạng, làm quân báo, rải truyền đơn, diệt ác ôn. Năm 1972, Hăng bị bắt và chịu cảnh tù đày qua nhiều nhà lao. Năm 1973, địch đày ông ra nhà tù ở Côn Ðảo.

Những ngày tháng bị đày ải, ông đã trải qua đủ các ngón đòn tra tấn dã man của kẻ địch. Nhưng với ý chí kiên cường, ông cùng đồng đội nhất quyết giữ vững lý tưởng cách mạng. Sau ngày miền Nam giải phóng, ông chính thức thoát cảnh tù đày. Cuối tháng 5.1975, ông trở về quê hương Tây Ninh và công tác tại một đơn vị trong tỉnh. Năm 1984, ông được phục viên.

Trở về cuộc sống đời thường, ông Hăng cùng vợ con về Phước Chỉ- nơi mình sinh ra để lập nghiệp, xây dựng cuộc sống mới. Những năm tháng ấy, cuộc sống gia đình ông vô cùng gian khó. Có được 5 công ruộng của cha mẹ chia cho, hai vợ chồng ông ra sức cày bừa.

Mỗi năm ông bà trồng hai vụ lúa, nhưng lợi nhuận từ lúa không đủ xoay xở cho một gia đình đông người. Bốn đứa con đến tuổi học hành càng khiến cảnh nhà chật vật hơn. Ðể có điều kiện nuôi con ăn học, hai vợ chồng ông phải bươn chải làm thêm nhiều việc, vừa chăm sóc ruộng nhà, vừa cày thuê, cuốc mướn...

Ðêm đến, thay vì nghỉ ngơi, ông lặn lội ra sông bắt cá; cá lớn đem bán lấy tiền, cá nhỏ để lại nhà ăn. Nhờ biết tiện tặn, vun vén chi tiêu, gia đình ông cũng dần vơi bớt những khó khăn, không còn phải quá vất vả lo hai bữa cơm như trước nữa. Tuy vậy, vợ chồng ông vẫn dốc sức làm lụng để lo cho các con ăn học.

Thời ấy, đất đai còn rẻ, nhiều nơi bỏ hoang không ai cày cấy, trong khi vợ chồng ông Hăng muốn sản xuất mà không có đủ đất để làm. Thế là, đôi vợ chồng nghèo quyết tâm dành dụm tiền để mua đất. Tích cóp mãi, cuối cùng, ông bà cũng mua được một mẫu ruộng. Thấy người ta phát triển kinh tế nhờ chăn nuôi, vợ chồng ông Hăng cũng bắt chước làm theo. Ban đầu do không có kinh nghiệm, ông nuôi heo toàn bị lỗ. Không nản chí, ông vẫn kiên trì theo đuổi nghề này.

Ðến năm 2002, ông cũng được nếm trải quả ngọt của sự thành công. Ðàn heo của ông lớn nhanh, khoẻ mạnh, cho năng suất cao, giúp gia đình ông có được nguồn thu nhập đáng kể. Kinh tế gia đình ông cũng phất lên từ đó. Ông tậu thêm được hai mẫu ruộng nữa. Là người siêng năng, ham làm, qua một lần tham quan mô hình nuôi cá ao ở miền Tây, năm 2003, ông bắt tay vào việc đào ao nuôi cá. Cái ao cá ông đầu tư phát huy được hiệu quả, cho thu nhập đều đặn đến tận bây giờ.

Trải qua biết bao gian nan, bằng sự chịu khó, kiên trì, ông Hăng đã cùng người bạn đời của mình vượt lên bao khó khăn, vất vả, tạo dựng một cuộc sống ổn định và nuôi con cái ăn học nên người. Trong cuộc sống đời thường, ông được nhiều người yêu quý không chỉ bởi ở tinh thần vượt khó, lao động sản xuất giỏi, mà còn ở sự hết mình vì lợi ích cộng đồng. Năm 1987, lúc còn bận bịu với cuộc mưu sinh, ông đã tích cực tham gia công tác xã hội. Hơn 20 năm làm Bí thư Chi bộ ấp, ông đã góp sức để cải thiện đời sống bà con vùng nông thôn như đứng ra vận động xây dựng trường học, đê bao, cầu...

Những người lớn tuổi ở địa phương hầu như ai cũng biết, để có điện về tận ấp phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân xóm ấp như ngày hôm nay đó là nhờ một phần công sức của ông Hăng. Không có việc gì là dễ dàng, ban đầu khi bắt tay vào thực hiện, ông cũng gặp không ít cái khó, tốn không ít mồ hôi, có khi còn bị một số người hiểu lầm- cho rằng những việc ông làm xuất phát từ mối lợi riêng.

Tuy buồn,  nhưng ông không nhụt chí, bởi ông nghĩ “cây ngay không sợ chết đứng”, ông không cho phép mình thối lui, mà cứ thấy cái nào có lợi cho bà con xóm làng là ông làm và luôn lấy kết quả để chứng minh. Ông đã làm được điều đó, dần dần thì mọi người cũng hiểu ra ý nghĩa từ những việc làm của ông, họ cảm thấy nể phục ông nhiều hơn.

Năm 2008, ông Hăng ngưng làm Bí thư Chi bộ ấp, chuyển sang làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã. Ở cương vị nào ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ðến năm 2017, ông chính thức nghỉ hưu. Hiện nay, đã 65 tuổi, ông vẫn chưa nghỉ ngơi, ông thấy mình còn đủ sức để lao động và luôn sẵn sàng có mặt khi có ai đó cần đến mình. “Sống thanh thản, vui vẻ là được”- đó quan niệm sống của ông Hăng.

THẾ ANH