Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cuộc sống của những người 'bốc hơi' khỏi xã hội Nhật
Thứ bảy: 08:37 ngày 06/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Gánh nặng nợ nần, sự nghiệp đổ vỡ hoặc hôn nhân không hạnh phúc khiến cho hàng nghìn người Nhật Bản trốn chạy khỏi xã hội và chọn cách sống giấu mình.

Bìa cuốn sách "Những người bốc hơi ở Nhật Bản qua chuyện kể và hình ảnh" của hai nhà báo người Pháp Léna Mauger và Stéphane Remael. Ảnh: Amazon

Kể từ giữa những năm 1990 của thế kỷ trước, ước tính có ít nhất 100.000 người Nhật "biến mất" mỗi năm, theo New York Post.

Luật pháp Nhật Bản tôn trọng quyền tự do cá nhân nên không công khai danh tính và địa chỉ của công dân. Họ hàng cũng không có quyền biết các thông tin tài chính của một người. Trừ những vụ án hình sự, cảnh sát điều tra mới có quyền tiếp cận những thông tin cá nhân.

Ichiro, một võ sư Nhật Bản, kết hôn khoảng giữa những năm 1980. Ông và vợ sống ở Saitama, một thành phố sầm uất chỉ cách thủ đô Tokyo 30 phút đi tàu về phía bắc.

Cuộc sống gia đình của ông Ichiro diễn ra êm đềm cho đến khi khủng hoảng kinh tế ập đến. Hai vợ chồng, Ichiro và Tomoko, oằn mình gánh một khoản nợ lớn mà họ đã vay để mở nhà hàng.

Cuối cùng, họ đi đến quyết định bán nhà, gói ghém đồ đạc và biến mất.

"Con người hèn nhát mà", Ichiro giãi bày. "Họ chỉ muốn buông xuôi, biến mất rồi tái sinh ở một nơi mà không ai biết đến họ. Tôi chưa bao giờ tưởng tượng có ngày mình phải trốn chạy. Anh biết đấy, chọn cách biến mất là không còn đường quay trở lại. Mọi thứ diễn ra trong chớp mắt".

Năm 2008, nhà báo người Pháp Léna Mauger lần đầu tiên nghe về những người "bốc hơi" khỏi xã hội Nhật Bản. Họ không chết cũng không bị bắt cóc mà chỉ biến mất mà không một lời giải thích. Cô quyết định dành 5 năm sau đó, cùng người cộng sự Stéphane Remael, tìm hiểu sâu hơn về hiện tượng bí ẩn này.

"Biến mất hoàn toàn trong một xã hội hiện đại như Nhật Bản với đầy đủ công nghệ để lần theo dấu vết của người mất tích, tôi nghĩ điều đó thật kỳ diệu", Mauger chia sẻ.

Thành quả 5 năm điều tra của Mauger và Stéphane là cuốn sách "The Vanished: The "Evaporated People" of Japan in Stories and Photographs" (Tạm dịch: Những người bốc hơi ở Nhật Bản qua chuyện kể và hình ảnh)

"Đây là đề tài cấm kỵ", Mauger nói. "Thực sự không ai nói về vấn đề này. Nhưng mọi người có thể biến mất bởi vì có một xã hội ngầm ở Nhật. Khi người ta biến mất, họ biết họ có cách để tồn tại".

Khu ổ chuột Sanya, ở Tokyo là nơi những người "bốc hơi" chọn để giấu mình. Ảnh: Google Map

Thành phố Sanya, Mauger viết trong cuốn sách của mình, không tồn tại trên bản đồ. Sanya là một khu ổ chuột nằm giữa lòng Tokyo và đó là thế giới của tổ chức mafia yakuza.

Người ta có thể biến mất và ẩn mình trong các phòng trọ tồi tàn ở Sanya và làm những công việc lao động chân tay với mức lương rẻ mạt. Điều quan trọng là không ai hỏi họ là ai và từ đâu đến.

Mauger kể cô gặp một người đàn ông 50 tuổi tên Norihiro. Khoảng 10 năm trước, ông Norihiro quyết định bốc hơi sau khi mất việc làm.

Mặc dù thất nghiệp nhưng Norihiro không dám hé nửa lời với gia đình vì quá xấu hổ. Trong vòng một tuần, hàng ngày, ông giả vờ mặc quần áo chỉnh tề và xách cặp đi làm. Sau đó, ông lái xe tới trước cửa tòa nhà văn phòng cũ, ngồi trong xe cho đến hết ngày, không ăn uống, không trò chuyện với ai.

"Tôi không thể chịu nổi nữa", ông nói, "Tôi cảm thấy tội lỗi. Tôi không có thu nhập để chu cấp cho gia đình".

Vào đúng ngày trả lương kế tiếp, Norihiro bắt tàu đi thẳng vào khu Sanya mà không một lời từ biệt.

"Sau từng ấy năm, giờ tôi có thể quay trở lại là chính mình nhưng tôi không muốn gia đình thấy tôi trong bộ dạng này. Hãy nhìn tôi xem. Tôi chẳng là gì cả", Norihiro nói.

Xã hội Nhật Bản coi trọng tập thể. Các cá nhân phải từ bỏ cái tôi và điều chỉnh bản thân sao cho phù hợp với số đông.

"Văn hóa Nhật Bản nhấn mạnh vào tính đồng bộ, coi trọng tập thể hơn cá nhân. Và với những người không thể hòa nhập với xã hội, biến mất là cách duy nhất để họ tìm đến tự do", Mauger viết.

Số lượng những người bỗng dưng biến mất ở Nhật tăng đột biến ở một số thời điểm đặc biệt. Ví dụ như sau Chiến tranh Thế giới II khi người Nhật ngấm cảm giác ê chề của kẻ thua cuộc, hoặc sau các khủng hoảng tài chính xảy ra vào năm 1989 và 2008.

Nguồn VNExpress

Tin cùng chuyên mục