Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Sắp 80 tuổi rồi nhưng trông bà Huê vẫn còn rất khoẻ mạnh. Bà vẫn giữ lối sống giản dị, chất phác và chăm chỉ làm việc như thuở còn khó khăn. Hằng ngày, bà vẫn cần cù lao động, gắn bó với ruộng vườn. Nhờ vậy, vườn cây ăn trái của bà luôn tươi tốt, đến mùa là cho quả sum suê, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bà Huê thu hoạch chôm chôm.
Bà Mai Thị Huê, sinh năm 1938, ngụ tại ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh từng là nữ chiến sĩ cách mạng bị tù đày năm xưa.
Sinh ra và lớn lên trong cảnh đất nước chiến tranh, ngay từ nhỏ, cô bé tên Huê đã chứng kiến cảnh người dân vô tội bị giặc đàn áp dã man, khiến lòng căm thù giặc trong cô ngày càng sâu sắc.
Năm 21 tuổi, cô quyết định tham gia cách mạng, phục vụ cơ sở mật, rải truyền đơn, nắm tình hình địch để hỗ trợ du kích diệt ác, phá kìm. Năm 1964, Huê bị địch bắt và bị cầm tù tại Khám đường Tây Ninh.
Năm 1965, cô được thả về. Ngay sau đó, Huê nhanh chóng tiếp tục móc ráp phục vụ cơ sở mật và đào hầm bí mật chứa anh em cách mạng bám trụ. Đầu năm 1968, do bị lộ, một lần nữa Huê lại bị địch bắt bỏ tù, đến cuối năm thì được thả về.
Trải qua hai lần bị tù đày, nữ chiến sĩ cách mạng Mai Thị Huê đã bị địch tra tấn, đánh đập dã man hòng khai khác thông tin về cơ sở bí mật. Nhưng bằng sự kiên cường, gan dạ, cô nhất quyết không khai báo.
Kể chuyện cũ, giọng người nữ cựu tù kháng chiến nay đã 79 tuổi vẫn đầy chất hào sảng, bà nói: “Chúng đánh bà chết đi sống lại rất nhiều lần. Lúc đó, bà cũng không biết sức mạnh từ đâu mà mình có để có thể chịu đựng được những trận đòn roi dã man như thế. Bà chỉ cảm nhận được một điều, bị chúng hành hạ bao nhiêu thì lòng căm thù giặc trong bà càng dâng lên bấy nhiêu. Nên bà thà hy sinh chứ không khuất phục trước kẻ địch tàn ác”.
Dùng đủ ngón đón tra khảo nhưng không khai thác được gì từ người nữ chiến sĩ cách mạng kiên trung, cuối cùng kẻ địch cũng đành phải thả bà ra. Ngay sau đó, bà Huê chính thức thoát ly gia đình, tham gia hoạt động cách mạng.
Sau ngày giải phóng miền Nam, đất nước hoà bình, thống nhất, từ năm 1976 đến 1982, bà Huê tham gia công tác phụ nữ ở huyện Hoà Thành. Thời gian sau đó, bà công tác tại xã Thạnh Tân, đảm nhận nhiều vai trò như Chủ tịch UBND, Bí thư Đảng uỷ xã cho đến năm 1992 thì về hưu.
Trở về cuộc sống đời thường, bà Huê tập trung lao động tăng gia sản xuất để phát triển kinh tế gia đình, cũng là góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Sau chiến tranh, đời sống của người dân nói chung gặp rất nhiều khó khăn. Gia đình bà Huê cũng không ngoại lệ, hằng ngày phải đối mặt với bao khốn khó. Khi còn công tác, bà vẫn tranh thủ lúc rảnh phụ chồng lao động sản xuất. Hai vợ chồng siêng năng trồng trọt, luân phiên canh tác các loại cây trồng.
Nghỉ hưu rồi, bà có điều kiện dồn hết công sức cho sản xuất. Ngoài trồng các loại cây nông nghiệp như lúa, mía, thuốc lá vàng, bà Huê còn làm vườn cây ăn trái. Cuộc sống gia đình ngày càng ổn định và trở nên sung túc hơn.
Sắp 80 rồi nhưng trông bà Huê vẫn còn rất khoẻ mạnh. Bà vẫn giữ lối sống giản dị, chất phác và chăm chỉ làm việc như thuở còn khó khăn.
Hằng ngày, bà vẫn cần cù lao động, gắn bó với ruộng vườn. Nhờ vậy, vườn cây ăn trái của bà luôn tươi tốt, đến mùa là cho quả sum suê, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đến vườn trái cây của bà một lần, ai cũng phải mê. Vườn thoáng mát, sạch sẽ, ngập tràn các loại trái cây nào chôm chôm, chuối, nào dừa, sầu riêng...
Bà Huê chia sẻ, trồng cây ăn trái vất vả vào thời gian đầu nhưng khi cây đã lớn thì đỡ cực hơn nhiều. Đến mùa chỉ cần chăm sóc cho ra hoa kết trái, thế là chờ thu hoạch. Với bà Huê, lao động không chỉ là thói quen, nó còn là niềm vui sống lúc tuổi già. Vì thế, hầu như ngày nào cũng như ngày nấy, từ sáng cho tới chiều, người ta đều thấy bà miệt mài, cặm cụi với vườn tược. Có lẽ đó là bí quyết sống khoẻ của bà.
Trong cuộc sống thường ngày, bà Huê luôn gương mẫu và tích cực tham gia các hoạt động của Hội Người tù kháng chiến, đóng góp công sức chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các hội viên.
Với những cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, bà Mai Thị Huê đã được trao tặng Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày của Chính phủ; bằng khen của UBND tỉnh và Hội Người tù kháng chiến tỉnh; bà cũng đã được trao Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.
Bà còn là một trong 9 cá nhân danh dự của Tây Ninh tham dự hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2017 diễn ra vào ngày 27.7 tại Hà Nội.
THẾ ANH