Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chị Nguyễn Thị Thúy- Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Phước (huyện Gò Dầu) dẫn chúng tôi đến tổ 14, ấp Xóm Mới 1 thăm gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hằng (sinh năm 1985), thành viên Tổ liên kết may gia công ấp Xóm Mới 1.
Sắp đến giờ chuẩn bị bữa cơm chiều, nhưng chị Hằng vẫn còn cặm cụi may. Rồi chị tạm dừng tay, đi giao vật liệu cho thợ đến nhận đem về nhà may. Còn chồng chị đang ràng cẩn thận một bao lớn chứa đồ thành phẩm trên xe máy để chở đi TP.Hồ Chí Minh giao cho công ty. Đó là công việc thường xuyên của gia đình chị Hằng từ nhiều năm qua.
Chị Hằng với công việc may gia công.
Chị Hằng cho biết, quê chị ở Bình Thuận, vào TP.Hồ Chí Minh làm công nhân may gia công quần áo tại một công ty. Cách đây hơn mười năm, sau khi lập gia đình, chị về quê chồng ở xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu sinh sống. Sẵn có nghề may và máy may, nên có gia đình riêng, chị vẫn tiếp tục nghề may gia công.
Không đến công ty làm công nhân, chị Hằng nhận may gia công cho một công ty ở TP.Hồ Chí Minh. Lúc đầu, nhà chị chỉ có hai chiếc máy may, với hai người may là chị và người em chồng. Cách đây khoảng 7 năm, được một công ty may mặc đặt hàng với số lượng lớn, mà nhà chỉ có hai chị em nên làm không kịp; đồng thời cũng muốn giúp cho chị em phụ nữ trong khu vực có thêm việc làm nên chị Hằng nhận hàng, rồi tìm những người biết may và có máy may đặt hàng cho họ nhận may.
Đối với những người không có máy may, cũng chưa biết may mà muốn tham gia may gia công, chị Hằng cho mượn máy và hướng dẫn cách may hoàn toàn miễn phí. Do nhu cầu nhiều, nhưng máy may thì ít. Biết gia đình chị Hằng cần thêm máy may, nhưng thiếu vốn mua sắm, cách đây khoảng 5 năm, Hội LHPN xã phối hợp ngành chức năng xem xét cho gia đình chị Hằng vay vốn mua thêm hai chiếc máy may. Sau đó chị Hằng cũng mua thêm được hai chiếc.
Năm 2019, Hội LHPN xã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện xem xét cho gia đình chị Hằng vay 20 triệu đồng và chị mua thêm hai chiếc máy may nữa. Hiện nay nhà chị có 8 chiếc máy may. Tính từ khi nhận đồ may gia công đến nay, chị Hằng đã giúp cho khoảng 10 chị, từ “tay ngang” trở thành thợ may. Hiện nay chị Hằng cũng sẵn sàng đón tiếp và hướng dẫn cách may, nếu chị em có nhu cầu may.
Chị Hằng trao đổi công việc với Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Phước.
Do may gia công, ăn tiền theo sản phẩm, nên việc nhận đồ về nhà may rất có lợi cho thợ. Vì thợ chủ động thời gian, không bó buộc công việc. Ngoài nghề may ra còn quán xuyến được việc nhà, tranh thủ thời gian đưa đón con đi học...
Mặc dù nhận và giao hàng cho nhiều người may, nhưng chị Hằng vẫn tiếp tục ngồi may. Cứ khoảng 3 ngày, chồng chị Hằng dùng xe gắn máy chở hàng đã gia công xong giao cho công ty, rồi nhận hàng mới cắt từ công ty về cho chị may và giao cho thợ. Nhờ vậy mà gia đình chị Hằng có thu nhập ổn định, với mức bình quân trên 10 triệu đồng/tháng. Còn những người thợ đến nhà chị Hằng nhận hàng về nhà may cũng có thu nhập từ 5 triệu đến 6 triệu đồng/người/tháng.
Chị Nguyễn Thị Thúy-Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Phước cho biết, nhờ có nghề may gia công mà cuộc sống gia đình chị Hằng ổn định. Không chỉ chăm lo cho gia đình mình, chị Hằng còn góp phần tạo việc làm thường cho nhiều chị em khác.
Chị Hằng cũng tích cực tham gia các hoạt động và các phong trào do Hội LHPN phát động. Cụ thể, trong đợt phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua, chị Hằng đã may 500 khẩu trang vải tặng Hội LHPN xã, để Hội cấp phát cho cán bộ, công chức và nhân dân địa phương. Việc làm này của chị Hằng đã được Chủ tịch UBND huyện Gò Dầu tặng giấy khen.
N.H