BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”: Từng bước đi vào đời sống

Cập nhật ngày: 16/11/2012 - 05:28

(BTNO) – Theo Tỉnh uỷ Tây Ninh, trong 3 năm qua, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh từng bước đi vào đời sống xã hội và mang lại hiệu quả thiết thực. Các hoạt động bình ổn thị trường, đưa hàng về nông thôn đã góp phần điều tiết hiệu quả thị trường hàng hoá, phân phối đến tận tay người tiêu dùng, nhất là người dân các xã vùng sâu, vùng xa, công nhân lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Một số doanh nghiệp, nhà sản xuất đã quan tâm hơn đến việc xây dựng mạng lưới bán lẻ, đưa hàng Việt về nông thôn.

Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền có sự tham gia của mọi ngành, mọi cấp trong tỉnh, nhiều đơn vị cũng đã có các hoạt động tích cực triển khai cuộc vận động. Sở Công thương đã vận động các doanh nghiệp tham gia đưa hàng về nông thôn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh cải tiến kỹ thuật, kỹ năng kinh doanh và vận động nhân dân mua sắm hàng nội địa. Phối hợp với Trung tâm xúc tiến đầu tư – thương mại – du lịch và Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh tổ chức 3 phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” ở các huyện Tân Biên, Tân Châu và Dương Minh Châu với 51 doanh nghiệp tham gia, trên 40.000 người đến tham quan mua sắm. Doanh nghiệp Hùng Duy (Tây Ninh) tổ chức nhiều chuyến hàng phục vụ nhân dân vùng nông thôn.   

Trà Hoàn Ngọc – một trong những sản phẩm được người tiêu dùng lựa chọn.

Sở Khoa học – Công nghệ phối hợp với các sở, ngành có liên quan triển khai xây dựng thương hiệu cho 4 sản phẩm đặc sản của tỉnh (mãng cầu Bà Đen, bánh canh Trảng Bàng, bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, muối ớt Tây Ninh); hỗ trợ Trung tâm xúc tiến đầu tư – thương mại – du lịch Tây Ninh giới thiệu doanh nghiệp tham gia Chương trình 100 thương hiệu Việt bền vững năm 2012; phối hợp với Sở Văn hoá – Thể thao & Du lịch quảng bá 02 sản phẩm đặc sản (mãng cầu Bà Đen và bánh tráng phơi sương Trảng Bàng) tham gia Hội chợ du lịch quốc tế IFE-HCMC 2012.

Cũng trong 3 năm qua, vào dịp Tháng Công nhân, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với Sở Công thương tổ chức 5 đợt bán hàng Việt có khuyến mãi cho công nhân tại các khu, cụm công nghiệp. Nhằm khuyến khích công nhân hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Công đoàn Khu công nghiệp Tây Ninh phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp và Quỹ hỗ trợ công nhân TP. Hồ Chí Minh tổ chức “Phiên chợ công nhân”, phục vụ người lao động tại Khu công nghiệp Trảng Bàng và Khu chế xuất Linh Trung 3, với 20 gian hàng bán hàng tiêu dùng nội địa, thu hút hàng ngàn công nhân tham gia. Công ty TNHH MTV Thanh niên Việt Nam tổ chức 03 đợt Hội chợ “Hàng Việt về nông thôn ở Thị xã, huyện Tân Châu và Tân Biên.

Hội Liên hiệp Phụ nữ và Hội Nông dân tỉnh triển khai các hoạt động, chương trình vận động cán bộ, hội viên tham gia các tổ “góp vốn mua vật dụng thiết yếu trong gia đình”, nhóm “cán bộ, hội viên ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...

Bên cạnh đó, còn có 15 doanh nghiệp thường xuyên đăng ký tham gia chương trình bình ổn giá với các mặt hàng thiết yếu như: gạo, đường, sữa, dầu ăn, thịt gà… tổ chức 65 cửa hàng, điểm hàng bình ổn giá và 10 điểm bán hàng lưu động với tổng doanh thu trên 21,8 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Tỉnh uỷ Tây Ninh, tuy nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc vận động có nâng lên, nhưng chuyển biến bằng hành động chưa nhiều. Việc mua sắm công, chọn vật liệu để phục vụ sản xuất, các công trình xây dựng cơ bản… còn chưa ưu tiên chọn hàng Việt. Thói quen sử dụng hàng ngoại tuy có giảm nhưng vẫn còn. Việc kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm chưa nghiêm, nên tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng mang thương hiệu Việt còn tồn tại nhiều trên thị trường, đã làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà sản xuất trong nước, gây băn khoăn, lo lắng cho người tiêu dùng. Công tác tuyên truyền quảng bá thương hiệu Việt của các doanh nghiệp còn hạn chế. Các doanh nghiệp trong tỉnh chưa có sự liên kết chặt chẽ với người tiêu dùng, do đó việc tạo uy tín, chỗ đứng của hàng hoá Việt trong lòng người tiêu dùng chưa được quan tâm đúng mức.

Để tiếp tục thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” có hiệu quả hơn, Tỉnh uỷ Tây Ninh cho rằng Chính phủ cần tạo môi trường pháp lý thông thoáng, kịp thời giải quyết các vướng mắc cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Nghiên cứu ban hành các chính sách thuế chống bán phá giá, quản lý việc nhập lậu hàng hoá từ bên ngoài vào, để các mặt hàng trong nước có điều kiện cạnh tranh và đứng vững trên thị trường nội địa; xử lý nghiêm các trường hợp làm hàng giả, hàng kém chất lượng, gây mất lòng tin trong nhân dân. Có chính sách hỗ trợ kinh phí từ nguồn hỗ trợ thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại trong nước của Chính phủ giúp địa phương, để tổ chức thướng xuyên hơn các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn ngân sách quốc gia; xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân không gương mẫu thực hành tiết kiệm, lãng phí trong chi tiêu. Cần kiên quyết, siết chặt nhập khẩu, loại trừ hàng kém chất lượng, độc hại của nước ngoài vào Việt Nam.

HY UYÊN

  

 


 
Liên kết hữu ích