Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cuối năm, nóng chuyện pháo.
Thứ năm: 16:01 ngày 31/01/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Theo phong tục xưa, cứ mỗi dịp tết đến, nhà nhà lại đốt pháo để chào đón năm mới. Tiếng nổ của pháo đem đến cho mọi người niềm hân hoan, phấn khởi nhưng cũng gây ra nhiều nguy hại.

Để đảm bảo an ninh trật tự, đón tết tiết kiệm, an toàn, nước ta đã có quy định cấm tàng trữ và nổ pháo dịp tết; tuy nhiên, nhiều người vẫn phớt lờ quy định.

Vẫn còn người thích đốt pháo 

Mỗi năm, vào những ngày giáp tết, tình trạng vận chuyển, mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ lại diễn biến phức tạp.

“Đốt pháo bất ngờ có thể làm trẻ em, người xung quanh hoảng sợ, ảnh hưởng đến trật tự công cộng. Một số trường hợp đốt pháo đã gây thương tích cho bản thân và người khác. Nhiều thanh niên thích chơi pháo để thể hiện bản thân, có người còn ném pháo khi người khác đi qua để trêu đùa, tiềm ẩn nguy hiểm”, bà N.T.V, ngụ huyện Hòa Thành chia sẻ.       

Pháo lậu bị cơ quan CA tịch thu.

Gần Tết, tình trạng mua bán, sử dụng pháo nổ càng diễn ra nhiều và phức tạp. Một số người vẫn còn thích đốt pháo nễ nên việc buôn bán, vận chuyển pháo trái phép xảy ra ở nhiều nơi.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Tổng kiểm tra và mở đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tỉnh (Ban Chỉ đạo 110 tỉnh), hiện nay tình hình vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo diễn biến phức tạp; đặc biệt là tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên tuyến biến giới, qua mạng internet, bưu chính, xe khách vận chuyển hàng hóa…

Trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 96 vụ với 138 đối tượng, thu giữ trên 75 kg pháo các loại.

Mới đây, vào khoảng 17 giờ ngày 9.1.2019, Công an thị trấn Hòa Thành bắt quả tang N.M.M (sinh năm 1997, ngụ Tân Biên) tàng trữ 200 viên pháo banh và một bình xịt hơi cay. Qua làm việc, M. khai nhận đem số hàng hoá trái phép trên bán cho một người phụ nữ tên T.

Đối tượng và T. hẹn gặp ở khu vực cổng sau Trường THPT Lý Thường Kiệt để mua bán số pháo trên thì bị phát hiện bắt giữ. Ngoài số hàng trên, M. khai nhận còn cất giấu thêm 600 viên pháo banh tại nhà. Lực lượng Công an đã thu giữ toàn bộ số pháo mà M. cất giấu, xác định trọng lượng của 800 viên pháo banh là 1,8 kg bao gồm cả vỏ pháo.  

CATP.Tây Ninh cũng vừa bắt giữ 2 đối tượng có hành vi tàng trữ, mua bán pháo. Theo đó, khoảng 18 giờ 30 ngày 14.1, trên đường 784 khu phố Ninh Bình, phường Ninh Sơn, lực lượng CA phát hiện N.V.T (sinh năm 1998, ngụ Tân Châu) đi cùng một thanh niên điều khiển xe mô tô có dấu hiệu nghi vấn nên ra lệnh dừng phương tiện kiểm tra.

Lực lượng CA phát hiện bên trong 2 thùng giấy T. mang theo có chứa 10,5 kg pháo nổ do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ. T. khai nhận cùng một người qua Campuchia mua 10,5 kg pháo nổ với giá 4 triệu đồng về bán lại kiếm lời. Trên đường đi giao cho khách thì bị CA bắt quả tang. 

Không để pháo quay trở lại

Ban Chỉ đạo 110 tỉnh cho biết, hiện nay công tác nắm tình hình quản lý về pháo của một số đơn vị, địa phương chưa tốt, còn để xảy ra tình trạng pháo nổ trong đêm giao thừa. Công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm buôn bán, vận chuyển pháo qua mạng internet, dịch vụ bưu chính, dịch vụ vận chuyển hàng hoá và vận chuyển trái phép qua biên giới vẫn còn hạn chế.

Một đối tượng buôn pháo lậu bị bắt giữ tại cơ quan CA.

Các đối tượng chỉ thực hiện giao dịch với người quen biết, luôn cảnh giác với người lạ và thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động, gây khó khăn cho công tác đấu tranh với loại tội phạm này. Một số địa phương chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong công tác quản lý, sử dụng pháo, chủ yếu giao cho lực lượng CA thực hiện nên hiệu quả chưa cao…

Đại diện CATP Tây Ninh cho biết, thực hiện đợt cao điểm ra quân tấn công trấn ấp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, hơn 1 tháng qua, lực lượng CA đã đấu tranh ngăn chặn, bắt giữ khoảng 6 vụ, 14 đối tượng tàng trữ trái phép pháo, thu giữ hơn 10,5 kg pháo các loại. Nguồn pháo chủ yếu do các đối tượng qua biên giới móc nối với người Campuchia mua và vận chuyển trái phép về Việt Nam, thường diễn biến phức tạp vào dịp gần Tết. 

Để đấu tranh ngăn chặn hiệu quả vấn nạn pháo lậu, ngoài việc xử lý nghiêm hành vi vi phạm, cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của việc sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, nhập lậu và sử dụng pháo. Bên cạnh sự nỗ lực của các ban, ngành chức năng, mỗi người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, quy định của Nhà nước, nói không với pháo lậu trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến.  

Điều 10, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 có quy định mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm. Phạt tiền từ 500 ngàn – 1 triệu đồng đối với hành vi lưu hành các loại giấy phép về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa không còn giá trị sử dụng.

Phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng đối với hành vi sử dụng các loại pháo mà không được phép. Phạt tiền từ 2 – 4 triệu đồng đối với hành vi trao đổi, mua bán, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp, làm hỏng các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa…; Phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo.   

Phương Thảo-Thiên Di

 

Tin cùng chuyên mục