Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cuối năm, “nóng” chuyện pháo
Chủ nhật: 23:49 ngày 27/12/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tình trạng mua bán, vận chuyển pháo lậu vẫn còn diễn biến phức tạp- nhất là vào những ngày cuối năm. Ðể phòng, chống hiệu quả, cơ quan chức năng tăng cường các giải pháp đấu tranh với nạn buôn bán, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo; đồng thời, kêu gọi mọi người có ý thức tự giác, hiểu rõ các quy định của pháp luật để chấp hành nghiêm và không vi phạm.

Pháo hoa do lực lượng Quân đội bắn vào các ngày lễ, tết, sự kiện chính trị lớn của đất nước, được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Quyết liệt ngăn chặn các vi phạm về pháo

Theo Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội- Công an tỉnh, thời gian qua, nguồn pháo thẩm lậu vào Tây Ninh chủ yếu từ Trung Quốc, Campuchia; và xuất hiện một số đối tượng dùng phương tiện vận tải đường dài như xe tải, xe khách liên tỉnh vận chuyển pháo tiêu thụ các tỉnh.

Có 4 nhóm hành vi vi phạm về pháo bao gồm: chế tạo, sản xuất; mua bán; tàng trữ, vận chuyển; sử dụng trái phép. Ðối với nhóm chế tạo, sản xuất pháo trái phép, chủ yếu là thanh niên hiếu kỳ, lên mạng internet, mạng xã hội tìm mua hoá chất để tự chế tạo, sản xuất pháo sử dụng. Nhóm mua bán pháo trái phép được xác định mua hàng có nguồn gốc từ nước ngoài và vận chuyển trái phép vào nội địa để tiêu thụ, thường xuyên thay đổi phương thức, thời gian hoạt động gây khó khăn cho việc phát hiện, bắt, xử lý.

Ðối với nhóm tàng trữ, vận chuyển pháo trái phép, các đối tượng thuê người lao động tự do mang, vận chuyển pháo trái phép qua đường mòn, lối mở, sau đó tập kết tại các kho bãi để vận chuyển; chia nhỏ số lượng pháo, cất giấu lẫn với hàng hoá để vận chuyển qua xe tải, xe khách đường dài vào nội địa để tiêu thụ.

Nhóm sử dụng pháo trái phép chủ yếu là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, hộ gia đình buôn bán, cơ sở kinh doanh, người dân ở nông thôn, địa bàn giáp ranh. Các đối tượng thường đốt pháo tại khu vực công cộng, chỗ vắng, sử dụng dây cháy chậm, sau đó bỏ trốn để tránh bị phát hiện, điều khiển xe máy đốt pháo ném ra đường và bỏ chạy.

Ðể kéo giảm các hành vi vi phạm liên quan đến pháo, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân kịp thời tố giác vi phạm, hạn chế tình trạng đốt pháo nổ trái phép trước, trong và sau tết.

Nhiều cách thức tuyên truyền được triển khai qua hệ thống phát thanh, nhóm zalo, nói chuyện trực tiếp, phát thư ngỏ, ký cam kết, gọi hỏi răn đe đối tượng có nguy cơ vi phạm... Công an các cấp triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để nắm tình hình, quản lý địa bàn, đối tượng. Năm 2020, lực lượng chức năng phát hiện, bắt, xử lý 79 vụ, 102 đối tượng vi phạm, tịch thu hơn 737kg pháo các loại.

Việc người dân lén mua, sử dụng pháo đã vô tình tiếp tay cho nạn pháo lậu. Bên cạnh sự nỗ lực của các ban, ngành, mỗi người cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, không mua bán, vận chuyển và sử dụng pháo trái phép, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Khi nào người dân được đốt pháo?

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 137/2020/NÐ-CP về quản lý, sử dụng pháo, gồm 4 chương, 26 điều. Nghị định được xây dựng, bổ sung nhiều nội dung mới để phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và đấu tranh, phòng, chống tội phạm về pháo.

Nghị định số 137 đã nhận được sự quan tâm của dư luận- nhất là việc người dân được đốt pháo hoa vào dịp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi. Nhiều người ủng hộ, cho rằng đây là nhu cầu thực tế nhưng cũng có ý kiến lo ngại về nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm, mất an ninh trật tự. Tuy nhiên, nhiều trường hợp đang có sự hiểu lầm, cho rằng sẽ được đốt tất cả các loại pháo hoa.

Mọi người cần hiểu đúng quy định mới, phân biệt rõ pháo hoa và pháo nổ để tránh vi phạm pháp luật. Cán bộ thuộc Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết, theo quy định tại Ðiều 3, Nghị định số 137, pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hoá hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian.

Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ. Như vậy, pháo nổ ở đây bao gồm pháo nổ và pháo hoa nổ, trong đó pháo nổ có chứa thuốc pháo nổ, khi sử dụng gây ra tiếng nổ (pháo bánh, pháo quả).

Còn pháo hoa nổ cũng có chứa thuốc pháo nổ, khi sử dụng gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian (pháo hoa nổ do lực lượng Quân đội bắn vào các ngày lễ, tết, sự kiện chính trị lớn của đất nước, được Thủ tướng Chính phủ cho phép).

Cần phân biệt giữa pháo nổ và pháo hoa trước khi sử dụng, tránh tình trạng nhầm lẫn dẫn đến vi phạm pháp luật.

Trong khi đó, pháo hoa được quy định là sản phẩm chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hoá hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.

Do đó, pháo hoa ở đây được hiểu là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi đốt chỉ phát ra hiệu ứng, âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và không gây ra tiếng nổ (que, nến khi châm lửa đốt phụt ra các tia sáng đủ màu sắc).

Ðối với loại pháo này, cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì được sử dụng trong các trường hợp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hoá, nghệ thuật.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng chỉ được mua pháo hoa của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng bảo đảm các điều kiện về an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường.

Trường hợp mua, sử dụng pháo hoa của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được phép kinh doanh sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Ðiều 10, Nghị định số 167/2013/NÐ-CP. Khi đốt pháo hoa tại nơi công cộng gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự có thể bị xử lý hình sự về tội “gây rối trật tự công cộng” theo Ðiều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Phương Thảo

Tại Ðiều 10, Nghị định 167/2013/NÐ-CP có quy định mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm. Phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng đối với hành vi lưu hành các loại giấy phép về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa không còn giá trị sử dụng. Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi sử dụng các loại pháo mà không được phép.

Phạt tiền từ 2-4 triệu đồng đối với hành vi trao đổi, mua bán, làm giả, sửa chữa, tẩy xoá, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp, làm hỏng các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa. Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo. Phạt tiền từ 20-40 triệu đồng đối với hành vi mang vào hoặc mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép vũ khí, súng săn, công cụ hỗ trợ, các loại pháo, đồ chơi nguy hiểm.

Ngoài ra, một số hành vi vi phạm về pháo có thể bị truy tố, được quy định tại Ðiều 190, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Người nào sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 6kg - dưới 40kg (không thuộc trường hợp quy định tại một số điều khác) bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 1 - 5 năm.

Người nào sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 40kg - dưới 120kg thì bị phạt tiền từ 1 - 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 5 - 10 năm; từ 120kg trở lên thì bị phạt tù từ 8 - 15 năm. Người nào tàng trữ, vận chuyển pháo nổ từ 6kg - dưới 40kg (không thuộc trường hợp quy định tại một số điều khác) thì bị phạt tiền từ 50 - 300 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Tàng trữ, vận chuyển pháo nổ từ 40kg - dưới 120kg sẽ bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 - 5 năm; từ 120kg trở lên thì bị phạt tù từ 5 - 10 năm.

Tin cùng chuyên mục