Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cuối năm thăm tháp, viếng đình...
Thứ ba: 12:08 ngày 20/12/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tháp Bình Thạnh là một trong hai tháp cổ còn sót lại trên đất Tây Ninh. Tháp có niên đại từ thế kỷ thứ VIII, IX… tiêu biểu cho kiến trúc của nền văn hoá Óc Eo.

Buổi sáng chủ nhật, triển khai kế hoạch đi điền dã, thực tế của Chi hội VHNT Gò Dầu, trời mùa đông se se mát lạnh, sáu người trên bốn chiếc xe máy, nhắm hướng “Gò Dầu thượng” trực chỉ. Gọi là Gò Dầu thượng là gọi theo xưa, vùng đất An Thạnh, Bến Cầu, quê hương của ngũ long, nằm sát với biên giới Campuchia, cách “Gò Dầu hạ” bởi con sông Vàm Cỏ Đông “nước xanh biêng biếc”. Xe qua cầu Gò Dầu, nhìn về hướng thượng nguồn con sông Vàm Cỏ, dòng sông trải ra như một dải lụa mềm trắng. Núi Bà thấp thoáng phía xa, tạo nên một phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, với một ngọn núi, ngàn đời bềnh bồng trong mây trắng, trầm tư, đơn chiếc giữa đồng, xanh bởi lúa, khoai, mì, đậu…

Xe qua trạm thu phí, bon bon trên con đường Xuyên Á rộng thênh thang. Phía trước đã là ngã ba, rẽ trái đi Bình Thạnh, Trà Cao, nơi có dinh Ông, tháp cổ Bình Thạnh nổi tiếng, và là điểm phải đến đầu tiên của đoàn. Máy điện thoại trong túi bỗng rung lên: Trọng Tranh, một thi hữu của đất Bình Thạnh, gọi hỏi thăm đoàn đã đi đến đâu?  Có lẽ đang là đất Phước Chỉ, gần với Rạch Me, nơi thông ra với Vàm Cỏ Đông, vội vã trả lời Trọng Tranh và đi tiếp. “A, đã đến Bình Thạnh rồi!”, ai đó trong đoàn reo lên phấn khởi. Xã Bình Thạnh trông có vẽ trù phú và sầm uất nhất trong ba xã cánh Tây của huyện Trảng Bàng. Phía trước ngã ba, đã thấy Lê Văn Thật, Xuân Khanh chờ sẵn, các bạn nhóm “thơ Bình Thạnh” luôn là những hội viên tích cực nhất.

Tháp Bình Thạnh là một trong hai tháp cổ còn sót lại trên đất Tây Ninh. Tháp có niên đại từ thế kỷ thứ VIII, IX… tiêu biểu cho kiến trúc của nền văn hoá Óc Eo. Theo tác giả Huỳnh Minh trong “Tây Ninh xưa và nay” thì tháp được người Khmer gọi là Prey Prasath Onkong, còn người Việt Nam gọi là “Ông Công”, tháp có lẽ của người Chàm hay của người Thuỷ Chân Lạp… Song theo công bố mới đây của Website Tây Ninh thì: “Tháp cổ Bình Thạnh nằm phía hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông, toạ lạc tại ấp Bình Phú, xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, là một trong những kiến trúc tháp cổ quý hiếm, tồn tại gần như nguyên vẹn. Đây là ngôi tháp duy nhất còn tường đá nguyên vẹn (kể từ khi phát hiện năm 1886). Do vậy kiến trúc đền tháp Bình Thạnh đã trở thành cực kỳ hiếm hoi và quý giá trong di sản kiến trúc dân tộc”.

Tháp cổ Bình Thạnh

Khi chúng tôi đến tháp, đã có một nhóm học sinh của Trường THPT Bình Thạnh đang dọn dẹp vệ sinh và sinh hoạt tại đây. Thầy giáo Lê Văn Thật cho biết, đây là các em học sinh lớp 11, được nhà trường phân công giữ gìn vệ sinh thường xuyên ở tháp cổ nhằm hướng các em biết quan tâm, bảo vệ và giữ gìn những “tài sản vô giá” của quê hương. Hướng dẫn đoàn chúng tôi là hai người vừa quản lý trông coi tháp, kiêm luôn việc giữ gìn và hương khói cho ngôi đình bên cạnh, đó là ông Nguyễn Văn Đước (Mười Đước) và ông Nguyễn Văn Liễm, cả hai đều đã ngoài thất thập. Chỉ hai ngôi tháp phía bên cạnh (nay chỉ còn lại phế tích là đống gạch và một nền tháp bị vùi sâu trong đất) cả ông Đước và ông Liễm đều mong có một ngày cả hai ngôi tháp này sẽ được “hồi sinh”, cùng sánh vai với ngôi tháp cổ vừa mới được trùng tu vào năm 1999, để nơi đây trở thành một nơi tham quan du lịch và hành hương cho khách thập phương khi đến với quê hương Bình Thạnh. Vừa che chắn gió, vừa đốt thẻ nhang thơm để chia cho đoàn cắm vào các bát nhang trong đình Bình Thạnh ở cạnh bên ngôi tháp cổ, ông Mười Đước giải thích thêm về “Thần hoàng bổn cảnh” của đình Bình Thạnh. Đình chỉ thờ Thần Nông, không có danh tánh. Đình cũng vừa mới được khôi phục tu bổ, mang dáng dấp của những ngôi đình Nam bộ, đơn sơ, giản dị như tấm lòng của những người dân thời khai hoang mở cõi.

Tưởng sẽ có một buổi trưa ngồi nghe xào xạt tiếng gió, tiếng của người xưa vọng về trong yên tĩnh ở ngôi tháp cổ nhưng Chủ tịch xã Bình Thạnh Trần Văn Minh, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Phạm Đình An, rồi anh Chín Đức, Chủ tịch Mặt trận xã Phước Chỉ cùng đến thăm hỏi và giao lưu với đoàn. Không hẹn mà buổi trưa rôm rả, cây nhà lá vườn cùng với dàn nhạc đờn ca tài tử của ấp Bình Phú. Thêm thầy Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Thạnh. Dường như tất cả đều có chung một suy nghĩ: cần tôn tạo, kiến thiết nơi này thành một “vòng tròn du lịch khép kín”, là điểm dừng chân của khách trước khi về Thành phố HCM. Một thông tin phấn khởi hé lộ từ anh Minh, anh An: Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch đã đồng ý chi trên mười tỷ đồng cho dự án trùng tu tháp cổ, nhưng phải chờ… Một thông tin không chỉ Bình Thạnh, Trảng Bàng mong chờ mà cả tỉnh Tây Ninh cũng đang chờ đợi trong vinh dự, tự hào…

Tiếp tục cái vòng quay thăm tháp, viếng đình… chúng tôi ghé thăm chùa Phước Thạnh (Cây Dương), thuộc ấp Phước Thạnh, xã Phước Chỉ. Ngôi chùa cũng vừa mới trùng tu lại vào ngày 3.5.2009 do Tỳ kheo Thích Quảng Không chủ trì. Tiếc là sư thầy đi vắng, tiếp chúng tôi sau hậu liêu mát rượi là cô Năm, người giữ chùa vui vẻ và hoạt bát. Ngôi chùa này đã có cách đây hàng trăm năm, nhưng do bom đạn chiến tranh tàn phá, chùa mới được phép tôn tạo lại trên nền cũ vài năm nay. Dưới bóng cây “sà- quách”, trái tròn vo, lạ mắt, tôi nhìn thấy những bông sen gờn gợn gió dưới cái bàu vuông trước cửa chùa mà lĩnh hội ra một điều lý thú: đình, chùa, tháp ở đây đều quay mặt ra hướng đông, và phía trước đều có một cái bàu nước vuông.

Chia tay với Phước Chỉ, Bình Thạnh, lại nhớ đến hàng quéo có từ mấy trăm năm ở đình Phước Chỉ, nơi thờ ông Biện Văn Đống, quan quân của vua Tự Đức, hy sinh tại Rạch Me, được sắc phong Thần hoàng, với lời dặn “Xây đình quay về hướng mặt trời mọc, trước có bàu nước sẽ an khang, thịnh vượng, mang lại quốc thái dân an…”, lại liên tưởng đến ước mơ có cây cầu qua sông Vàm Cỏ, nối liền với An Hoà, Trảng Bàng để người dân nơi đây đi lại dễ dàng mỗi khi cần về huyện, và ước mơ… “lên thị trấn” của xã Bình Thạnh- một vùng đất giàu tiềm năng, trù phú, là xã văn hoá, vững mạnh về nhiều mặt, mới thấy cái khát khao vươn lên tầm cao mới, đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân cháy bỏng đến dường nào…

Trần Hoàng Vy

 

 

Từ khóa:
Tin liên quan