Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cứu trồi sụt huyết áp, ngộ độc bất ngờ
Thứ ba: 08:29 ngày 07/02/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Dịp Tết Nguyên đán có nhiều trường hợp bị tụt huyết áp, tăng huyết áp khi đang uống rượu trên bàn tiệc mừng năm mới. Bác sĩ tư vấn ra sao về những trường hợp tăng, giảm huyết áp đột xuất?

Cấp cứu bệnh nhân bị ngộ độc tại Bệnh viện Trung ương Huế - Ảnh: Hải Thanh

Bên cạnh đó, nhiều gia đình có người thân bị ngộ độc rượu, ngộ độc thực phẩm. Ngộ độc rượu phải sơ cứu tại nhà ra sao? Dấu hiệu nào cho thấy người thân đã bị ngộ độc để đưa đi bệnh viện?

Sơ cứu tăng, hạ huyết áp

Theo bác sĩ Nguyễn Kim Sơn, khoa cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, rượu, bia khi vào cơ thể làm giãn mạch máu, khi gặp lạnh những mạch máu này bị co lại đột ngột gây nên hiện tượng tăng huyết áp. Nguyên tắc đối với người có tiền sử tăng huyết áp là phải uống thuốc điều hòa huyết áp hằng ngày giúp ổn định huyết áp.

Đối với những trường hợp tăng huyết áp đột ngột, cách sơ cứu tốt nhất là để người bệnh được thư giãn hoàn toàn, không được đi lại, tránh việc nói nhiều, không bôi dầu, day huyệt...

Trong trường hợp khẩn cấp có thể dùng thuốc hạ áp nhanh như loại viên ngậm đặt dưới lưỡi, sau đó đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, theo dõi huyết áp. Nếu như người bệnh được xác định bị tăng huyết áp mãn tính cần phải tuân thủ chặt chẽ theo đúng điều trị của bác sĩ.

Hạ huyết áp được xác định khi huyết áp tâm thu dưới 90mmHg và tâm trương dưới 60mm Hg, hoặc bị giảm hơn 20 mm Hg so với trị số huyết áp bình thường trước đây. Với những trường hợp bị hạ huyết áp cấp thì rất cần xác định rõ nguyên nhân. Trường hợp nôn nhiều, tiêu chảy, mất máu... cũng có thể dẫn đến hạ huyết áp. Ngoài ra là các nguyên nhân khác như có tiền sử bệnh tim, trầm cảm, stress, tiểu đường...

Trong những trường hợp hạ huyết áp do nôn, tiêu chảy cần phải bù nước cho người bệnh bằng dung dịch oresol, trường hợp mất máu phải cầm máu sau đó phải theo dõi người bệnh, nếu diễn biến xấu phải đến các cơ sở y tế.

Ở một số trường hợp hạ huyết áp khác có thể uống trà gừng, cho bệnh nhân ăn một chiếc kẹo hoặc viên sôcôla, xoa dầu, bấm huyệt..., sau đó cần đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi, điều trị.

Sơ cứu ngộ độc rượu, thực phẩm

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, quy trình nấu rượu theo đúng truyền thống thì không có methanol, nhưng rượu pha cồn công nghiệp thì nguy cơ ngộ độc rất cao.

Bác sĩ Nguyên cho biết ngay loại rượu thông thường, nếu dùng nhiều rượu dễ mất nước, tổn thương cơ, những người có thể lực yếu, gầy gò dễ bị hạ đường huyết.

Bác sĩ Nguyên cho rằng khi người nhà bị say rượu đã tỉnh hơn và có biểu hiện gọi hỏi được, tự ngồi được thì nên cho ăn uống, nhất là các thức ăn có tinh bột. Nếu say tới mức không ngồi được thì người nhà phải theo sát, trường hợp người say có các biểu hiệu như gọi không biết, thở yếu, khò khè, chân tay lạnh... thì phải gọi cấp cứu ngay.

Trong trường hợp người say rượu có các biểu hiện như nhìn mờ, thở khó hoặc hôn mê thì đó là các dấu hiệu ngộ độc methanol.

Theo bác sĩ Nguyễn Đàm Chính (Trung tâm chống độc), nếu đã “nhìn thấy” các biểu hiện bị ngộ độc methanol như kể trên là tình trạng ngộ độc đã nặng khó cứu chữa, nhưng nếu người ngộ độc chưa bị hôn mê thì khả năng cứu sống cao hơn.

Trường hợp có người thân bị ngộ độc thực phẩm, nên cho người bệnh uống nhiều nước, sau đó kích thích vào vùng cổ họng để người bệnh có thể nôn ói được. Tuy nhiên chỉ gây nôn ói trong trường hợp người bệnh còn tỉnh, còn nôn trong khi đã hôn mê là hết sức nguy hiểm bởi có thể bị sặc, ảnh hưởng tới đường thở.

Trường hợp ngộ độc thực phẩm dẫn tới tiêu chảy nhiều cần tham vấn ý kiến bác sĩ và nếu pha oresol để bù nước cho người bệnh thì nên pha đúng hướng dẫn trên sản phẩm, không nên pha 1/2 oresol trong gói với 1/2 nước tương ứng.

"Trong lúc chờ cấp cứu ngộ độc rượu, nên để người bệnh nằm nghiêng, tốt nhất là nghiêng về bên phải hay còn gọi là tư thế nghiêng an toàn, để cổ ở tư thế thoải mái để người bệnh dễ thở, nếu trời lạnh phải ủ ấm cho người bệnh, không nên để bị lạnh".

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên 

Nguồn TTO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục