BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đã có 4 xã xuất hiện cúm gia cầm

Cập nhật ngày: 06/03/2013 - 10:51

(BTN)- Lãnh đạo Chi cục Thú y cho biết, tính từ ngày 22.1.2013 đến ngày 3.3.2013, toàn tỉnh đã có 4 xã trên địa bàn 2 huyện trong tỉnh xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm. Đó là các xã: Tiên Thuận, Lợi Thuận, Long Giang (huyện Bến Cầu) và xã Bình Minh (Thị xã). Tổng số gia cầm chết và tiêu huỷ của các huyện có ổ dịch là 3.920 con.

Theo Chi cục Thú y, từ năm 2006 đến cuối năm 2012, Tây Ninh không có ổ dịch cúm gia cầm nên việc tái phát cúm gia cầm là do xuất hiện những ổ dịch mới. Qua kết quả điều tra ổ dịch tại huyện Bến Cầu cho thấy, nguồn bệnh có thể là do chim trời mang đến và có khả năng từ Campuchia sang. Hiện nay, việc xử lý ổ dịch đã thực hiện xong, tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện Bến Cầu và Thị xã ổn định, không phát sinh mới gia cầm ốm, chết.

Nguy cơ lây lan dịch cúm A/H5N1 từ vịt chạy đồng

Tuy nhiên, trong công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm hiện gặp một số khó khăn, trong đó có việc quản lý giám sát đàn vịt- nhất là vịt chạy đồng, do địa điểm chăn thả không cố định. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, đến nay, tổng đàn gia cầm trong tỉnh có trên 3 triệu con. Trong đó, có trên 2,4 triệu con gà, trên 363.000 con vịt, khoảng 255.000 chim cút. Lượng chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm khoảng trên 855.000 con trong tổng đàn, trong đó chủ yếu là gà (khoảng hơn 630.000 con). Bên cạnh đó, tuy công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch đến các hộ dân có triển khai thực hiện, nhưng chưa được thường xuyên. Nhiều hộ vẫn chưa có ý thức tự giác phòng, chống dịch, tình trạng chăn nuôi gia cầm với quy mô trên 1.000 con nhưng không tiêm phòng vẫn còn xảy ra. Ngoài ra, ngành Thú y còn gặp một số khó khăn như cơ sở vật chất và nhân lực còn thiếu thốn; kinh phí chống dịch còn hạn chế, chưa được phân bổ kịp thời; việc tiêu độc sát trùng chưa có điều kiện triển khai thực hiện tốt ở các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ.

Hiện ngành Thú y phối hợp với các địa phương hướng dẫn các trang trại, hộ chăn nuôi tích cực áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch; tăng cường công tác kiểm dịch gia cầm và sản phẩm gia cầm vận chuyển ra, vào tỉnh và kiểm dịch tại các cửa khẩu, vành đai biên giới. Ngành Thú y cũng cấm nhập khẩu gia cầm (bao gồm cả các loại chim cảnh), sản phẩm gia cầm tươi sống và lông vũ chưa qua xử lý nhiệt hoặc hoá chất. “Chúng tôi sẽ tịch thu và tiêu huỷ toàn bộ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xử lý nghiêm khắc đối với chủ hàng”, một cán bộ Chi cục Thú y cho biết.

Ông Nguyễn Văn Mấy, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Tây Ninh khuyến cáo: “Do tính chất nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm là bệnh có thể truyền lây sang người, và vi rút luôn có khả năng biến chủng từ chủng độc lực thấp thành chủng có độc lực cao, từ chủng không gây bệnh cho người thành chủng gây bệnh cho người, nên tất cả mọi người tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh cúm gia cầm cần phải có trang bị bảo hộ lao động đảm bảo an toàn sinh học cho con người. Tuyệt đối không giết mổ gia cầm hoặc ăn, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm bị bệnh, chưa qua kiểm dịch. Không chế biến và buôn bán tiết canh gia cầm, không ăn trứng sống, trứng “tái”, trứng ốp la và các sản phẩm gia cầm chưa nấu chín. Trong khu vực Thị xã, thị trấn và vùng ven các ổ dịch, người dân nên hạn chế mua bán gia cầm sống hoặc giết mổ gia cầm tại các chợ”.

HOÀNG THI