BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đã có dụng cụ thử nhanh urê trong thực phẩm

Cập nhật ngày: 16/04/2009 - 07:26

Nếu cá nhiễm urê thì đầu giấy thử màu vàng sẽ chuyển màu

Ngày 16.4, Tiến sĩ Trần Bích Lam, Khoa Kỹ thuật Hoá học, trường ĐH Bách Khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết bà và các cộng sự đã chế tạo thành công 2 dụng cụ giúp phát hiện nhanh urê trong thực phẩm.

Hai dụng cụ này gồm giấy thử nhanh urê và dụng cụ phát hiện nồng độ urê có trong thực phẩm trong khoảng thời gian tối đa là 15 phút.

“Hai dụng cụ nói trên sẽ giúp cho người tiêu dùng an tâm hơn trong việc lựa chọn thực phẩm cho gia đình. Bởi tính tiện dụng và thiết thực của nói đối với cuộc sống”- TS Lam chia sẻ.

Về dụng cụ giấy thử urê, T.S Lam cho biết, giấy thử này được làm từ một loại giấy cứng và xốp để có thể thấm được dung dịch thử. Giấy thử có chiều chiều dài 7cm, chiều rộng 1cm với hai đầu trắng và vàng. Khi sử dụng, chỉ cần nhúng đầu giấy thử có màu trắng vào dung dịch thử sau đó tiến hành thử trên thực phẩm. Nếu đầu giấy thử có màu vàng chuyển sang mầu hồng hoặc đỏ chứng tỏ có urê trong thực phẩm.

Tuy nhiên, người ta cũng có thể tiến hành thử trực tiếp bằng giấy thử trên các loại thực phẩm với điều kiện thực phẩm phải ướt.

Dụng cụ thứ 2 là dụng cụ cảm biến urê có tác dụng cho biết chính xác hàm lượng urê là bao nhiêu trong thực phẩm. Dụng cụ cảm biến này có hình dạng gần giống với cây bút, nặng khoảng 100 gram, được làm bằng nhựa và gắn một điện cực pH có tác dụng đo độ pH trong các dung dịch thử.

Theo T.S Lam thì dụng cụ cảm biến này được chế tạo trên cơ sở máy đo pH rất dễ sử dụng. Chỉ cần nhúng đầu dụng cụ cảm biến có gắn điện cực vào dung dịch thử nó sẽ hiện ra thông số đo trên thân bút nhờ đó ta sẽ biết được nồng độ và hàm lượng lượng urê một cách chính xác.

Mặc dù được đánh giá cao nhưng bộ kít thử nhanh urê của T.S Lam vẫn chưa được thương mại hoá. Theo T.S Lam, nếu sản phẩm được thương mại hóa và tiến hành sản xuất đại trà thì một miếng giấy thử sẽ không quá 1 nghìn đồng (sử dụng 1 lần), còn dụng cụ cảm biến sẽ vào khoảng 600.000/cái(không giới hạn số lần sử dụng).

“Hiện tôi chưa tìm thấy bộ kít thử phát hiện nhanh urê nào tương tự bộ kít thử nói trên tại TP.HCM mặc dù đã tìm kiếm rất nhiều nơi. Theo tôi được biết, các đây khoảng 5-7 năm công ty sữa Vinamilk trong khi triển khai đề tài có nội dung ứng dụng các kít thử nhanh phát hiện urê trong sữa” cũng có bộ kít thử nhanh được nhập từ Ý giúp phát hiện hàm lượng urê trong sữa. Nhưng vừa rồi, tôi cố tìm lại để mua những không thấy ở đâu có bán” T.S Lam băn khoăn.

Được biết, hai dụng cụ thử, phát hiện nhanh urê trong thực phẩm nằm trong khuôn khổ đề tài cùng tên do T.S Lam và các cộng sự Khoa Kỹ thuật Hóa học-ĐH Bách Khoa tiến hành thực hiện trong vòng hai năm (2006-2008) với tổng số kinh phí 170 triệu đồng.

(Theo Vietnamnet)