Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có hàng ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo được thụ hưởng nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế, qua đó tạo động lực thoát nghèo cho nhiều hộ dân.
Đa dạng hoá sinh kế để giảm nghèo bền vững được xem là giải pháp hữu hiệu trong thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có hàng ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo được thụ hưởng nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế, qua đó tạo động lực thoát nghèo cho nhiều hộ dân.
Người dân trên địa bàn phường An Hoà, thị xã Trảng Bàng sử dụng vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội để chăn nuôi bò. Ảnh: Nhi Trần
Việc thực hiện đa dạng hoá nguồn vốn huy động để phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Xã hội hoá trong công tác giảm nghèo tạo thành phong trào sâu rộng, thu hút và động viên sự tham gia của người dân trong việc thực hiện các chương trình giảm nghèo, bảo đảm cho người nghèo được thụ hưởng đúng, đủ, kịp thời các chính sách.
Để người dân thoát nghèo bền vững
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh thực hiện hỗ trợ được 6 dự án, trong đó có 3 dự án chăn nuôi bò, 2 dự án lúa, 1 dự án nấm, với tổng kinh phí hỗ trợ là 5.304/44.834 triệu đồng, đạt 11,8%; diện tích 2.090,9 ha; 967 hộ, 750 con bò. Các dự án góp phần giải quyết công ăn việc làm tại chỗ cho hộ tham gia, giảm số người thất nghiệp, nâng cao đời sống cho người dân. Phát huy mô hình làm ăn hiệu quả, thúc đẩy phát triển sản xuất tạo ra giá trị kinh tế cao.
Bà Nguyễn Thị Phượng- Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Châu cho biết, toàn huyện có 451 hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong đó có 105 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,28% và 346 hộ cận nghèo, tỷ lệ 0,91%; so năm 2021 đã giảm 210 hộ nghèo và hộ cận nghèo (giảm 93 hộ nghèo, 117 hộ cận nghèo). Hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh là 321 hộ/870 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 0,85%.
Nguồn vốn thực hiện các dự án đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc giảm nghèo bền vững năm 2023 được UBND huyện triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án qua các mô hình giảm nghèo như: mô hình sản xuất mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGAP của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Minh Trung tại xã Tân Hưng; nuôi dế thương phẩm tại xã Suối Dây; nuôi ba ba tại xã Tân Hoà; nuôi dê ở xã Tân Phú… hoạt động có hiệu quả, tạo công ăn việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Hội Nông dân xã Tân Phú tham quan mô hình nuôi dê có hiệu quả.
Bà Mạ Thị Thuý (ấp Tân Tiến, xã Tân Phú) cho biết: “Gia đình tôi thuộc hộ nghèo, mới đây gia đình được hỗ trợ vay 40 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm. Tôi học kinh nghiệm ở nhiều hộ nuôi dê khác trên địa bàn xã để xây chuồng trại có quy mô phù hợp. Bên cạnh đó, để việc chăn nuôi dê đạt hiệu quả cao, tôi học thêm kỹ thuật chăm sóc, các bệnh thường gặp và cách phòng trị bệnh trên loài vật nuôi này, cách chăm sóc dê sinh sản, thức ăn cho dê… Hy vọng rằng, với bước khởi đầu này sẽ giúp gia đình tôi cải thiện đời sống, tăng thu nhập”.
Bà Võ Thị Thắm, cùng ngụ ấp Tân Tiến chia sẻ: “Gia đình tôi được hỗ trợ vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân để nuôi 3 ao ba ba gồm 2.500 con. Hiện nay, gia đình chuẩn bị xuất bán 800 con ba ba, giá 280.000 đồng/kg. Với giá bán này, gia đình tôi có thu nhập ổn định”.
Ông Trần Thanh Sơn- Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Phú cho biết, trên địa bàn xã có 47 hộ nghèo. Nhờ những nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ nông dân, giải quyết việc làm, hộ nghèo, hộ cận nghèo... giúp 21 hộ thoát nghèo. Thời gian qua, Hội đã hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất chăn nuôi qua những mô hình như: nuôi dê, nuôi trâu, nuôi ba ba, nuôi bò vỗ béo, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Bà Mạ Thị Thuý, ngụ ấp Tân Tiến, xã Tân Phú cắt cây mì làm thức ăn cho dê.
Bà Trần Thị Lan- Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trong quá trình tổ chức thực hiện các dự án, tiểu dự án, các địa phương cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về việc thực hiện chủ trương giảm nghèo nhanh và bền vững. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện gắn với sơ kết, tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác tổ chức, triển khai các chương trình giảm nghèo, coi trọng vai trò của cấp cơ sở, bảo đảm sự tham gia của người dân trong suốt quá trình giám sát và đánh giá này.
Thực hiện Nghị quyết số 50 có hiệu quả
Tại kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khoá X đã ban hành Nghị quyết số 50/2023/NQ-HĐND ngày 20.7.2023 của HĐND tỉnh về việc quy định mức hỗ trợ thực hiện dự án đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025.
Việc HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 50 là cụ thể hoá khoản 22 Điều 1 của Nghị định số 38/2023/NĐ-CP của Chính phủ, căn cứ quy định về định mức hỗ trợ của Nghị quyết, các tổ chức, cá nhân có liên quan và các địa phương có cơ sở để xây dựng, thẩm định và phê duyệt các dự án, mô hình cụ thể… hỗ trợ cho các đối tượng tham gia theo thực tế của từng dự án.
Bà Trần Thị Lan cho biết, mức hỗ trợ cho các đối tượng trong Nghị quyết cơ bản đáp ứng phần vốn hỗ trợ vật tư, trang thiết bị phục vụ sản xuất, cung ứng dịch vụ, giống cây trồng, vật nuôi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo trong vòng 36 tháng và người khuyết tật không có sinh kế ổn định, từ đó tăng thu nhập, có điều kiện thoát nghèo, thoát cận nghèo…
So với mức hỗ trợ quy định tại Nghị quyết số 09/2018/NQ-HĐND ngày 29.3.2018 của HĐND tỉnh giai đoạn 2018-2020, mức hỗ trợ cho từng đối tượng tăng từ 67% đến 91%, cụ thể: Hộ nghèo dân tộc thiểu số tăng 67%, từ 15 triệu đồng lên 25 triệu đồng; Hộ nghèo, hộ cận nghèo còn lại tăng 77%, từ 13 triệu đồng lên 23 triệu đồng; Hộ mới thoát nghèo tăng 91%, từ 11 triệu đồng lên 21 triệu đồng.
Sau khi HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 50/2023/NQ-HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo, giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã đưa ra các giải pháp để người dân tiếp cận được các chính sách, đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Trong tháng 7.2023, Sở phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các địa phương tổ chức rà soát đối tượng có đủ điều kiện tham gia dự án và nhu cầu hỗ trợ; tập huấn xác định đối tượng được hỗ trợ; các bước xây dựng dự án, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện dự án đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023-2025.
Bà Mạ Thị Thuý, ngụ ấp Tân Tiến, xã Tân Phú cho dê ăn.
Việc hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo trong vòng 36 tháng và người khuyết tật không có sinh kế ổn định tham gia dự án là hỗ trợ vật tư, trang thiết bị phục vụ sản xuất, cung ứng dịch vụ, giống cây trồng, vật nuôi… sẽ thông qua đơn vị chủ trì liên kết hoặc người đại diện cộng đồng. Trước khi tham gia dự án, đối tượng phải có cam kết không được tự ý bán con giống hay vật tư, trang thiết bị được hỗ trợ trong thời gian triển khai dự án, nếu tự ý bán phải bồi hoàn cho ngân sách Nhà nước bằng kinh phí đã hỗ trợ.
Bà Nguyễn Thị Phượng cho biết, xác định tầm quan trọng của Nghị quyết đối với việc hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người khuyết tật, UBND huyện đã kịp thời triển khai các văn bản hướng dẫn, các Nghị quyết có liên quan, đặc biệt là Nghị quyết số 50/2023/NQ-HĐND đến các cơ quan, ban, ngành, địa phương và nhân dân nắm, thực hiện.
Cùng với việc tuyên truyền, UBND huyện đã chỉ đạo ngành, các địa phương tổ chức rà soát, chuẩn bị danh sách cụ thể các đối tượng tham gia các dự án chủ động thực hiện ngay sau khi được tỉnh tập huấn xây dựng dự án, mô hình. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo tại cơ sở.
Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, để thực hiện Nghị quyết 50 có hiệu quả, các địa phương cần triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình trên địa bàn; chịu trách nhiệm về việc sử dụng các nguồn vốn đúng mục tiêu, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm và tránh thất thoát; huy động thêm nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân trong cộng đồng tham gia hỗ trợ dự án như: vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn tự có và vốn huy động từ các tổ chức, doanh nghiệp để tăng thêm nguồn vốn hỗ trợ cho hộ; thực hiện lồng ghép và xã hội hoá các nguồn vốn huy động hỗ trợ giảm nghèo theo phương thức đa chiều cho các dự án.
Nhi Trần