Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Một mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng nữa lại đến. Mặc dù sau tết nguyên đán, Bộ GD&ÐT mới công bố dự thảo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng (ÐH,CÐ) để dư luận góp ý, nhưng ngay từ đầu tháng 1, nhiều trường đã công bố chỉ tiêu ngành nghề, phương thức tuyển sinh và tổ chức các hoạt động tư vấn khá rầm rộ. So với những năm trước, mùa tuyển sinh năm nay đa dạng hơn về phương thức tuyển sinh, nhiều ngành nghề mới được mở, nhiều suất học bổng “khủng”, học phí tăng khá cao... Trước “ma trận” này, phụ huynh và thí sinh cần bình tĩnh, cân nhắc lựa chọn để tìm được ngành, trường phù hợp với bản thân.
Tư vấn hướng nghiệp đào tạo cho học sinh 2 Trường THPT Trần Phú và THPT Nguyễn An Ninh, Tân Biên năm 2018. Ảnh: Đức Thịnh
ÐA DẠNG PHƯƠNG THỨC TUYỂN SINH
Mấy năm gần đây, Bộ GD&ÐT đã cho các trường ÐH, CÐ tự chủ đưa ra nhiều phương thức xét tuyển, mở rộng điều kiện, tạo cơ hội tối đa cho thí sinh vào trường. Ngoài phương thức tuyển thẳng theo quy chế của Bộ, phương thức được các trường lựa chọn vẫn là xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia, xét tuyển học bạ, xét học bạ kết hợp với kết quả thi THPT, xét tuyển học sinh giỏi THPT…
Một số trường còn đưa ra phương thức khác như: Trường ÐH Sư phạm Ðà Nẵng tuyển thẳng thí sinh đạt học sinh giỏi quốc gia; đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, thành; đoạt giải thưởng Hội thi Sáng tạo KHKT cấp tỉnh, thành; học sinh trường chuyên có học lực giỏi ba năm. Trường ÐH Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh tuyển thẳng thí sinh đạt IELTS từ 8.0 trở lên…
Ðặc biệt, một số trường đưa ra phương thức đánh giá năng lực, như ÐHQG thành phố Hồ Chí Minh tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực năm nay với chỉ tiêu dự kiến tối đa 40% của các ngành nghề đào tạo.
Lý giải về việc các trường đưa ra nhiều phương thức tuyển sinh, TS Nguyễn Ðức Nghĩa- Phó Giám đốc ÐHQG thành phố Hồ Chí Minh cho rằng để không phụ thuộc vào kỳ thi THPT quốc gia cũng như nguồn tuyển đã cạn nên phải tìm thêm nguồn khác... Còn Thạc sĩ Lê Thị Thu Hà, Ban Công tác sinh viên ÐHQG thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, với sự thay đổi về cách tính điểm tốt nghiệp kỳ thi THPT quốc gia năm nay (trước đây là 50/50, nay là 70/30), dự kiến tỷ lệ tốt nghiệp giảm khoảng 15% (TP. Hồ Chí Minh có thể giảm từ 98% xuống 91,3%) cho nên nguồn tuyển cũng bị ảnh hưởng. Năm nay, việc tuyển sinh của các trường sẽ căng thẳng, sự cạnh tranh đang rất mạnh mẽ... Các trường (không kể công, tư) đang tìm mọi cách thu hút thí sinh.
THÊM NHIỀU NGÀNH MỚI, HỌC BỔNG “KHỦNG”
Trường ÐHKTQD Hà Nội mở thêm các ngành Ðầu tư tài chính, Công nghệ tài chính, Quản trị khách sạn quốc tế, Phân tích kinh doanh, Khoa học dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh... Trường ÐH Thương mại (Hà Nội) mở thêm các chuyên ngành Kiểm toán, Logistics, Quản lý chuỗi cung ứng… Trường ÐH Nha Trang lần đầu tiên tuyển sinh các chương trình định hướng nghề nghiệp, đào tạo song ngữ Anh - Việt như Quản trị du lịch (chuyên ngành quản trị khách sạn), Ngôn ngữ Anh (Biên - Phiên dịch, Tiếng Anh du lịch, giảng dạy tiếng Anh)... Trường ÐH Sư phạm Kỹ thuật Thành phố mở thêm các ngành Rô bốt và Trí tuệ nhân tạo, Quản lý hạ tầng và xây dựng, Vật liệu dệt may, Kinh doanh quốc tế...
Bên cạnh các ngành mới, nhiều trường tìm cách thu hút thí sinh giỏi bằng cách tung ra học bổng “khủng”. Ðiển hình, Trường ÐH Kinh tế Thành phố nâng giá trị học bổng từ 25 tỷ đồng năm 2018 lên 35 tỷ đồng, cụ thể: thủ khoa đầu vào căn cứ kết quả thi THPT nhận học bổng 20 triệu đồng/năm, á khoa nhận 15 triệu đồng/năm, thí sinh đạt giải quốc tế nhận học bổng xuất sắc 4 năm học, thí sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia nhận học bổng xuất sắc 3 năm học, thí sinh là học sinh giỏi 3 năm THPT cũng được nhận học bổng, thí sinh tuyển thẳng có điểm IELTS từ 8.0 sẽ nhận học bổng 1 năm... Bên cạnh đó, trường còn có 1.000 suất học bổng hỗ trợ học tập, giảm học phí và cho vay tín dụng.
Trường ÐH Sư phạm Kỹ thuật Thành phố cũng đưa ra nhiều mức học bổng dành cho tân sinh viên như: Thí sinh có kết quả thi THPT từ 26 điểm trở lên, cứ mỗi điểm nhận 1 triệu đồng. Thí sinh trường chuyên, năng khiếu, trường liên kết có thư giới thiệu của trường sẽ được cấp 50% học phí của năm thứ nhất. Năm 2019, trường sẽ dành 32 tỷ đồng cấp học bổng cho sinh viên, riêng ngành Rô bốt và Trí tuệ nhân tạo được miễn học phí hoàn toàn... Trường ÐH Hồng Bàng sẽ cấp học phí toàn phần cho thí sinh thi vào trường đạt 17 điểm/2 môn...
Nhưng vấn đề được phụ huynh và thí sinh quan tâm hơn cả là học phí. Theo quy định chung, trung bình học phí ÐH từ 9 đến 15 triệu đồng/năm và tăng dần theo lộ trình. Năm nay, nhiều trường có mức học phí khá cao. ÐH Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh đưa ra mức học phí cho các ngành, từng năm: Ngành chất lượng cao 16 triệu đồng/học kỳ, ngành chương trình quốc tế từ học kỳ I đến V thu 20 triệu đồng/học kỳ, từ học kỳ VI thu 39,5 triệu đồng/học kỳ... Trường ÐHS Sư phạm Kỹ thuật đưa ra mức phí đào tạo cho chương trình chất lượng cao là 27,28 triệu đồng/năm (tiếng Việt), 30 triệu đồng/năm (tiếng Anh)... Trường ÐHKHXH &NV tuyển Chương trình chất lượng cao với học phí tăng 10% (từ 33 lên 36 triệu đồng/năm)...Trường ÐH CNTT Thành phố, các ngành đại trà trung bình 1 triệu đồng/tháng, Chương trình tiên tiến: 40 triệu đồng/năm, Chương trình liên kết đào tạo với đối tác nước ngoài, giai đoạn một học ở Việt Nam: 50 triệu đồng/năm, giai đoạn hai theo chính sách của trường đối tác.
Tư vấn tuyển sinh cho học sinh Trường THPT Tân Châu năm 2018. Ảnh: Chí Thành
NÊN CHỌN NGÀNH NÀO ?
Thông tin về kỳ tuyển sinh ÐH, CÐ năm 2019 rất phong phú, đa dạng. Trước những thông tin đó, phụ huynh, thí sinh cần “lọc”, tìm hiểu kỹ để có sự lựa chọn đúng đắn. Theo ý kiến của các chuyên gia, có khá nhiều ngành nghề mang lại cơ hội việc làm và thu nhập tốt cho người lao động.
Trước hết phải kể đến ngành Kỹ sư phần mềm. Nghề lập trình trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang thiếu nhân lực. Ðây là ngành có khả năng “miễn dịch” với suy thoái kinh tế. Bên cạnh đó là ngành Hệ thống thông tin quản lý (MIS). MIS chú ý đến thiết kế, quản trị, vận hành các hệ hống thông tin, phân tích dữ liệu, kết nối giữa các bên liên quan trong tổ chức, doanh nghiệp với các chuyên gia CNTT, qua đó cũng cung cấp thông tin để doanh nghiệp biết hoạt động hiệu quả và có lợi thế cạnh tranh.
Ngành Marketing cũng đang rất cần. Dược, Y tá, Ðiều dưỡng cũng đang “hot” bởi xã hội ngày càng phát triển, thu nhập tăng cao nên nhu cầu được chăm sóc sức khoẻ ngày càng lớn. Dự báo của thị trường lao động quốc tế, nghề Y tế, Ðiều dưỡng năm 2020 sẽ tăng trưởng khoảng 19,5%. Theo kế hoạch phát triển nhân lực của Bộ Y tế, trong thời gian tới, các cơ sở khám, chữa bệnh cần bổ sung 10.887 dược sĩ đại học, 82.850 y tá, điều dưỡng (trong đó, khoảng 30% trình độ ÐH). Từ nay đến năm 2025, Chính phủ Nhật đang có kế hoạch tuyển khoảng 10.000 y tá, điều dưỡng của Việt Nam. Cộng hoà Liên bang Ðức, Bungari, Hunggari... cũng đang có kế hoạch tuyển lao động chăm sóc người già, điều dưỡng từ Việt Nam... Ngành Du lịch cũng đang cần nguồn nhân lực lớn. Ðời sống được nâng cao, nhu cầu ăn uống vui chơi, giải trí... tăng cao. Những năm gần đây, du lịch là một trong ba ngành đang “khát” nhân lực. Năm 2018, theo bình chọn của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), Việt Nam đứng thứ 6 trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới, lượng khách quốc tế tăng hơn 30%.Với một số dự án lớn, Tây Ninh cũng rất cần nguồn nhân lực về du lịch. Thực tế cho thấy, các nghề như hướng dẫn du lịch, quản lý nhà hàng, khách sạn… đang khá hấp dẫn với thu nhập cao.
Ở một mảng khác cần quan tâm là các trường nghề. Trong năm 2019, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội bổ sung nhiều ngành nghề thuộc 14 lĩnh vực, tăng gấp đôi chỉ tiêu đào tạo so với 2018 (lên 4 triệu người). Trình độ cao đẳng có các nghề như: Sư phạm kỹ thuật xây dựng, Nghệ thuật biểu diễn dân ca, tạp kỹ, Tiếng Anh thương mại, Tiếng Anh du lịch, Tiếng Anh, Nhà hàng - khách sạn, Công nghệ phát thanh - Truyền hình, Kinh doanh xuất nhập khẩu, Bán hàng trong siêu thị, Quản lý vận tải và dịch vụ, Quản lý và vận hành cảng, Pháp luật về quản lý hành chính công, Dịch vụ pháp luật doanh nghiệp... Trình độ trung cấp có Quản lý siêu thị, Trợ lý tổ chức đấu giá, Gia công bao bì, Nông nghiệp công nghệ cao, Bào chế dược phẩm...
Cứ mỗi mùa tuyển sinh, hàng triệu gia đình chờ đợi, lo lắng, băn khoăn về việc chọn trường, chọn ngành nghề của con em mình. Việc lựa chọn không nên theo phong trào, theo cảm tính mà cần đi vào thực tế, thực dụng. Mỗi gia đình, mỗi thí sinh phải “liệu cơm gắp mắm”, tuỳ vào khả năng như năng lực học tập, sức khoẻ, kinh tế... để chọn phương thức tuyển sinh, chọn trường, chọn ngành nghề phù hợp. Nếu không có khả năng vào ÐH thì cao đẳng, trung cấp là lựa chọn hợp lý vì thời gian học ngắn, chi phí thấp, ra trường có việc làm, hứa hẹn có thu nhập ổn định.
Diệu MaI