Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Da diết tiếng rao
Thứ bảy: 22:46 ngày 04/07/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Một buổi xế chiều, đang ở cơ quan, tôi chợt nghe tiếng rao văng vẳng: “Ai bánh bò, da lợn, bánh chuối hôn….”.

Tôi vội chạy ra, dáo dác tìm kiếm thì thấy hình bóng thân quen, dì mặc áo bà ba, đội nón lá, phía sau chiếc xe đạp cũ kỹ là cái xửng đựng nào là bánh bò, bánh da lợn, bánh chuối; phía trước xe giỏ xách lỉnh kỉnh hộp giấy, bao bọc, nước cốt dừa…

Dì hỏi: “Sao còn nhớ dì?”. Tôi trả lời: “Thì hồi trước dì hay đi bán bánh ở xóm con nè. Tiếng rao của dì đặc biệt, nghe buồn buồn nên con mới nhớ”. Dì cười móm mém: “Ừ, giờ dì cũng đâu có vừa bán vừa rao nữa, mà rao một lần rồi thu máy phát ra đó con. Dì cũng lớn tuổi rồi, rao không nổi, cũng không đi xa vô xóm làng bán bánh nữa”.

Tôi chợt chạnh lòng vì đã lâu lắm rồi không còn nghe tiếng rao bán hàng trong xóm nhỏ. Cách đây khoảng 20 năm, hồi đó xóm nào cũng có người bán hàng rao bán món này, món kia. Buổi sáng sớm thì có “Ai bánh mì nóng giòn đê”, “Ai xôi đậu xanh, đậu đen đê”; lát trưa thì “Tàu hủ nóng đây”; lúc xế thì có “Ai da-ua, sinh tố đậu xanh hôn”, “Ai bánh bò hôn…” hay “Chè đậu đen nước cốt dừa đê”... vang cả xóm.

Tiếng rao không đơn thuần là âm thanh phát ra mà còn chứa đựng phần nào cuộc sống của những người tảo tần mưu sinh. Hôm nào người bán buồn bã hay mệt mỏi thì tiếng rao cũng yếu ớt, khàn khàn, đứt quãng…

Lúc người bán vui thì tiếng rao cũng trong trẻo, mạnh mẽ, vang xa. Những tiếng rao của các dì, các chị ngọt ngào, ngân nga, trầm bổng, nghe mà “ghiền”. Người rao cũng ý tứ lắm, đi ngang nhà nào có em bé nhỏ, người già thì không rao, hoặc rao nhỏ đi; còn nhà nào là khách quen thì rao lớn để khách biết ra mua.

Tiếng rao còn là nhịp cầu kết nối giữa người bán với người mua, những lời thăm hỏi, chia sẻ với nhau “Bữa kia sao nghỉ bán vậy dì?” hay “Mấy đứa nhỏ của nhà chị nay bao lớn?”...

Như thành thói quen, ai cũng đợi tiếng rao để mua hàng, để gặp gỡ, chuyện trò. Vui nhất là mấy đứa con nít cứ chờ đón tiếng rao mà chạy theo, tìm người bán mua cái này, cái kia, vừa kiếm vừa hỏi mọi người xung quanh: “Dì ơi, chị ơi có thấy bà, thấy dì bán bánh đi ngang chưa?”. Cả đám con nít túm tụm ngồi quanh gánh hàng để mua hàng và ăn tại chỗ. Rộn ràng lắm!

Rồi chẳng biết tự lúc nào tiếng rao dần dần vắng bóng trong xóm nhỏ. Lâu lâu có mấy ông chạy vô xóm cũng rao bằng cái loa ầm ĩ: “Mua đồ điện cũ, máy lạnh, ti vi, tủ lạnh hư đê”. Mấy cụ già phàn nàn: “Rao hàng như cãi lộn.

Xa xả vô lỗ tai người ta. Hồi đó người ta rao hàng điềm đạm mà dễ nghe lắm!”. Tụi nhỏ đáp lời: “Thời buổi công nghệ hiện đại rồi ngoại ơi. Ai mà rao cho mệt. Người ta thu âm tiếng rao rồi phát đi phát lại cho khoẻ”.

Ừ, ngoài chợ, siêu chị bây giờ người ta cũng rao hàng, chỉ có khác là tiếng rao được thu âm rồi phát ra rả, lặp đi lặp lại nghe thật vô cảm. Chứ đâu còn ai mà rao bán hàng trầm bổng, da diết như khi xưa. Tiếng rao giờ chỉ còn ký ức đẹp và ngọt ngào trong lòng những ai thích hoài niệm...

QUẾ HƯƠNG

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục