Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Mới đây, một anh bạn thuộc hàng “vong niên” buột miệng hỏi Bàn Dân, trong buổi “trà dư cà phê hậu”:
-Kể ra người có tuổi như ông cũng sướng chán hỉ!
-Anh nói sao mà khó hiểu, “sướng” mà “chán” là sao? Mà thôi, chuyện đó để tìm hiểu sau. Ý ông muốn nói chuyện gì với Bàn Dân thì cứ “huỵch toẹt” ra đi, bày đặt nói xa nói gần chi vậy.
-Ý tôi là ở tuổi ông bây giờ cũng sướng, con cái lớn cả rồi, không phải lo chạy sấp chạy ngửa mỗi lần chuẩn bị vào năm học mới. Riêng tôi thì mấy đứa ở nhà còn nhỏ quá, đứa còn tiểu học, đứa mới cấp hai. Lúc này còn có hơn tháng nữa lại tới năm học mới, phải lo cho chúng đủ thứ chuyện.
Trong khi đó tôi lại có nghe hơi bị nhiều chuyện làm cho các bậc phụ huynh học sinh “lăn tăn”. Nào là chuyện học sinh phải học “bắt buộc” hay học “tự chọn” môn Lịch sử; nào là chuyện sách giáo khoa phải sửa chữa bổ sung liên tục, đã bán giá đắt lại không dùng được cho nhiều lớp học sinh kế tiếp nhau, chưa kể còn có vấn nạn sách giả, sách in lậu tràn lan nữa… Mấy chuyện đó chưa nghe ngã ngũ thế nào, nay tôi lại nghe chuyện tiền lương giáo viên, có tăng hay không; chuyện phụ cấp thâm niên giáo viên “cắt” hay “không cắt” gì đó nữa! Ông có biết mấy chuyện đó không, nói cho tôi nghe với?
-Ông “lăn tăn” mấy chuyện liên quan đến học sinh là phải rồi, vì ông sẽ phải chắt chiu, gom góp để lo sắm sanh nhiều thứ, cụ bị cho bọn trẻ đến trường. Rồi khi chúng vào lớp, còn chưa biết khoản nào phải đóng góp, mà chắc chắn ít nhiều cũng phải có. Nhưng mà chuyện của quý thầy cô giáo mắc gì ông cũng cảm thấy lăn tăn, lấn cấn?
-Ông quên câu “Muốn sang thì bắt cầu Kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy” rồi sao! Con mình vào lớp, được các vị “trồng người” dành hết tâm trí, quan tâm dạy bảo cho chúng hiểu biết, nên người, chẳng phải là ban phúc cho mình đó à? Mà nếu như lương hướng của quý vị ấy thấp quá, cuộc sống khó khăn, sinh hoạt thiếu thốn quá bắt buộc phải “chân trong, chân ngoài” chạy vạy lo cho bản thân, gia đình nhiều hơn lo cho “con em chúng ta” thì làm sao mà tập trung hết công suất cho việc “trồng người trăm năm” được chứ?! Vậy mà tôi lại nghe tin là từ ngày 1.7.2022, nhà giáo bị “cắt” hết phụ cấp thâm niên nữa chứ.
-Chuyện ông nói tưởng mới, thực chất là xưa lắm rồi ông ơi. Theo Bàn Dân biết được trong năm nay khi áp dụng bảng lương mới, phân theo hạng giáo viên thì mới cắt phụ cấp thâm niên. Nhưng cắt phụ cấp thâm niên rồi thì vẫn có nhiều loại phụ cấp khác cho giáo viên, cán bộ, nhân viên ngành Giáo dục, chứ đâu phải nói cắt là “cắt phéng” ngay đâu. Nghe đâu bảng lương mới của quý thầy cô bây giờ cũng đỡ lắm.
Dĩ nhiên là có tăng hơn so với thang, bậc lương cũ. Đồng thời ngoài mức chính, quý thầy cô còn có những khoản phụ cấp. Cụ thể như: Một là, phụ cấp ưu đãi theo nghề. Hai là, phụ cấp công tác vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Trong loại phụ cấp này có các cái phụ cấp thu hút, phụ cấp công tác lâu năm, phụ cấp lưu động, phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số, chưa kể khi đến công tác ở vùng đặc biệt khó khăn còn có các khoản trợ cấp lần đầu và trợ cấp chuyển vùng. Ba là, phụ cấp khu vực. Bốn là, phụ cấp ưu đãi và phụ cấp trách nhiệm với nhà giáo dạy người khuyết tật. Năm là, phụ cấp đối với nhà giáo dạy thực hành.
Tất nhiên là các loại phụ cấp ấy tuỳ theo vị trí, việc làm của mỗi cá nhân mà phụ cấp cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành chứ không phải một thầy, cô giáo mà được nhận hết các loại phụ cấp ấy đâu. Có điều các phụ cấp ấy đều có mức không thấp. Có loại phụ cấp đến năm mươi, bảy mươi phần trăm mức lương hiện hưởng lận đó. Như vậy khi cắt phụ cấp thâm niên, giáo viên vẫn không bị giảm thu nhập so với trước đây. Ông không phải lo đâu nhé!
-Nghe ông nói tôi mới hiểu rõ ý nghĩa của việc cải cách tiền lương của Nhà nước theo Nghị quyết số 27 của Trung ương Đảng khoá XII đó!
-Ông hiểu thế nào nói Bàn Dân nghe đi?
-Trong Nghị quyết 27 tôi thấm thía nhất là câu: “Chính sách tiền lương vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập…”. Trong câu đó có diễn giải rõ ràng về phụ cấp là: “Có quá nhiều phụ cấp, nhiều khoản thu nhập ngoài lương do nhiều cơ quan, nhiều cấp quyết định bằng các văn bản quy định khác nhau làm phát sinh những bất hợp lý”. Riêng về trường hợp khoản “phụ cấp thâm niên” của ngành Giáo dục, thì chẳng những tạo ra bất hợp lý so với các ngành trong khu vực hành chính sự nghiệp công, nhất là trong lĩnh vực y tế, văn hoá, xã hội, mà ngay trong nội bộ ngành cũng có sự bất hợp lý giữa các vị cùng làm công việc “trồng người”.
-Cụ thể là sao?
-Cụ thể là đối với những thầy cô giáo về hưu trước năm 2011 (năm bắt đầu có phụ cấp thâm niên của ngành Giáo dục) thì lương hưu của họ không hề được tính phụ cấp thâm niên dù cho họ có bao nhiêu năm công tác trong ngành, kể cả những thầy cô giáo từng “trồng người” dưới bom, đạn của thời kỳ chiến tranh. Ông thấy có phải là bất hợp lý lắm không, cắt bỏ cái khoản bất cập ấy là đúng quá rồi.
Bàn Dân