Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đá mồ côi
Thứ sáu: 15:26 ngày 12/01/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - “Bước tới đèo Ngang bóng xế tà/ Cỏ cây chen đá, lá chen hoa”.

Ðó là hai câu mở đầu trong bài thơ nổi tiếng của Bà huyện Thanh Quan. Ai đã được học, được đọc qua lịch sử văn học nước nhà thì ắt nhớ.

Tại sao lại thế nhỉ? Trong khi thơ hiện đại cũng lắm bài được khen lấy khen để là hay, nhưng bảo trích dẫn ra thì lại khó vô cùng. Có thể vì thơ của bà huyện làm theo thể thơ Ðường, niêm luật chặt chẽ, các âm, các ý đối nhau chan chát nên dễ nhớ.

Mà cũng có khi vì thơ ấy tả cảnh, tả tình một vùng đất nước điển hình, rất quen thuộc với mọi vùng miền, nên ai cũng có thể hình dung ra thật sống động.

Ðây nhé! Ai từng đi trên đường 785- đoạn từ thành phố Tây Ninh đến Tân Châu, đến đoạn gần với chân núi Bà Ðen mà không thấy giống hay sao? Cũng rừng cây (giá tỵ) cao cao bên sườn dốc đá.

Rồi các vườn xoài, chuối, mãng cầu cứ bám vào vách núi mà leo lên. Sang xuân, ta sẽ thấy các vầng hoa nở sum suê như từng đám mây trắng, mây vàng. Ðôi khi còn thấy một đám mây hồng trên sườn dốc vào Ma Thiên Lãnh.

Ðấy là của một gốc bằng lăng, mọc cheo leo trên vách đá dựng bên đường. Ðá và cây, cả hoa nữa nhé. Cũng đều là những vật liệu xây nên toà thơ đèo Ngang của bà huyện ngày xưa.

Ðá và cây! Cái hình ảnh cộng sinh quen thuộc này, đâu phải là của riêng đèo Ngang hay núi Bà. Nhưng săm soi cho đến cùng thì có một thứ không kém quan trọng, nhưng lại dễ bị bỏ qua- là đất. Hốc đá, lòng hang nào ở núi mà không có đất? Ðến như cao nguyên đá Hà Giang kia cũng có những hốc đất nhỏ cho người Mông trỉa ngô, tra bắp.

Xem trên VTV phóng sự về Hà Giang, thấy có nơi bà con còn móc đất ở đâu đó đem về đổ đầy từng hốc đá trồng ngô. Cây có đất mới “nảy chồi, xanh ngọn” thì ai cũng biết. Nhưng còn điều này nữa, tôi chỉ mới nghe kiến trúc sư Phùng Phu- nguyên Giám đốc Khu bảo tồn di tích cố đô Huế nói mà thôi! Ðấy là: Ðá cũng phải luôn gắn liền đất thì mới “tươi” và bền vững (ông nói trong một hội nghị bàn về công tác tôn tạo, trùng tu di tích).

Nhớ lại điều này, vì đang có tin đá granite hẳn hoi- xẻ thành gạch lát vỉa hè Hà Nội trong năm 2017 vừa qua, vừa lát xong đã nứt vỡ. Nhân tiện TP. Tây Ninh cũng đang thay bỏ vỉa hè trên một số con đường bằng đá, thì kể nghe chơi.

Biết đâu các đơn vị thiết kế, thi công cũng rút được kinh nghiệm gì đó khi xây dựng công trình liên quan đến đá. Còn có một ví dụ tốt nữa đây. Ðấy là móng của ngôi chùa Thiền Lâm- Gò Kén được xây bằng đá granite Biên Hoà. Sau gần 100 năm, móng đá ấy vẫn tươi và bền chắc. Có phải là do những viên đá ấy cũng luôn được tiếp xúc với đất (lấp ở hai bên bờ móng).

Mà có lẽ, cái điều tưởng như giản dị này, dân gian cũng đã biết lâu rồi! Chỉ có điều người ta chưa “đúc kết” thành một chân lý khoa học mà thôi. Ðấy là chuyện dân gian thường gọi những tảng đá nằm trồi lên, chơ vơ trên những tầng đá núi ở núi Bà là đá mồ côi. Ðơn giản chỉ vì chúng đã không còn mối dây liên hệ nào với đất.

Như một đứa con mất cả mẹ cha, ngơ ngác giữa đời. Thợ làm đá ở Tây Ninh kỵ nhất đá mồ côi, vì chúng trở nên quá cứng, nếu có cố đẽo tạc thành món đồ gì đó thì cũng sẽ nhanh nứt vỡ. Trên núi Bà xanh thẳm hiện nay, đôi khi ta nhìn thấy một vệt đá trắng, bạc phếch dưới nắng trời.

Thì những bãi đá mồ côi đấy ạ! Có khi do thiên tai (như lũ Nhâm Thìn 1952), mà cũng có khi đấy là dấu tích những trận bom B52 huỷ diệt của Mỹ thời chiến tranh. Trên những bãi đá ấy, chẳng cái cây nào mọc được. Nên những viên đá cứ trần trụi, bạc ra như những xác không hồn.

Tôi lại nhớ về những mỏ đá gần đây, ở chân núi Bà, đoạn gần đường 784 mà chắc là khai thác trộm. Bởi nhiều mỏ đá núi Bà đã bị đóng cửa từ lâu. Thợ khai thác phải dùng máy đào khoét những hố thật sâu, rồi tìm móc lên từng tảng đá lớn nằm trong lòng đất. Vậy mà khi lên mặt đất, xẻ ra, những mặt đá vẫn ngời ngời xanh biếc.

Thấy cái màu ấy, thợ đá nào mà chẳng ham chẳng thích? Chúng như những đứa “con cưng” lâu nay được chở che, nâng niu trong lòng mẹ- đất núi Bà. Thấy chúng mà lại thương những bãi đá mồ côi, trơ trọi, dãi dầu dưới trời mưa nắng.

NGUYỄN

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục