Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đá núi Bà Đen
Thứ tư: 00:04 ngày 07/09/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Các nhà khoa học cho biết đá núi Bà Đen “thuộc hệ phun trào… Kỷ Jura thượng, khoảng hơn 110 triệu năm tuổi…” (Đặc điểm khí hậu thuỷ văn tỉnh Tây Ninh, Sở Khoa học công nghệ và Môi trường tỉnh Tây Ninh, năm 2000). Từ đấy, núi đá trở thành cột xương sống cho miền đất Tây Ninh hình thành, phát triển.

Sân núi Điện Bà.

Viết về đá núi, không thể không nhắc đến những câu luận của sách “Gia Định thành thông chí”, quyển thứ 2- Sơn Xuyên Chí, tác giả là Trịnh Hoài Đức, nguyên Hiệp Tổng trấn thành Gia Định hồi đầu thế kỷ 19. Dịch giả Phạm Hoàng Quân (2019) dịch rằng: “Núi là xương của đất, nước là máu của đất, ấp ủ lưu thông mà thành đất đai một phương. Những anh hùng hào kiệt, trung thần liệt nữ đều từ đó mà ra. Đó cũng là nơi sản sinh, cất chứa vật quý, làm cho của cải sinh sôi, không gì là không đủ…”.

Cho đến khi tác giả viết về trấn Phiên An, đoạn núi Bà Đen (Bà Đinh sơn), ông tả: “Cả trấn đều ngưỡng vọng, cách trấn lỵ 261 rưỡi về phía tây. Đất đá vươn cao, cây cối tươi tốt, suối nước ngọt đất màu mỡ. Trên có chùa Vân Sơn (Linh Sơn), dưới tiếp liền ao hồ, cảnh trí u nhã, rừng rú hang hố sâu thẳm. Thôn xóm người Kinh và người Man phân bổ quanh khắp, dân ở đây nhờ vào các nguồn lợi núi rừng, cũng có người gặp được đồ cổ, vàng ngọc…”.

Những câu trên, đã được viết từ hơn 200 năm trước!

Vậy ra, người xưa đã quan niệm về núi sâu xa đến vậy! Núi là xương cốt của một vùng đất. Cùng với nước- như máu trong cơ thể đất đai đã làm nên “đất đai một phương”- chính là đất Tây Ninh ta đấy. Thảo nào người ở tận vùng Giếng Mạch (TP.Tây Ninh) cũng có quan niệm nước ở giếng có nguồn gốc núi Bà Đen. Do vậy mà, bên giếng có một ngôi đền thờ Linh Sơn thánh mẫu.

Ngày nay, ai cũng có thể đã biết núi là: “nơi sản sinh, cất chứa vật quý, làm cho của cải sinh sôi”. Đây chính là giá trị vật chất của núi. Nhưng trước khi kể đến giá trị vật chất, thì ông quan họ Trịnh đã kể đến trước tiên rằng: “Những anh hùng hào kiệt, trung thần liệt nữ đều từ đó mà ra”.

Như vậy có thể là ông đã đánh giá giá trị tinh thần tâm linh của núi cao hơn, đáng kể hơn giá trị vật chất. Có thể cũng theo quan niệm ấy, cùng với những hiện tượng linh thiêng kỳ bí xuất hiện ở núi Bà Đen mà “năm Tự Đức thứ 3 (1850) đổi tên gọi hiện nay (núi Linh Sơn- TV), ghi vào điển thờ” (Đại Nam Nhất thống chí).

Đường lên động Kim Quang.

Linh thiêng, kỳ bí, như Trịnh Hoài Đức đã tả trong sách “Gia Định thành thông chí”, là: “Trong hồ có thấy chiếc chiêng đồng, giống như việc “khánh nổi ở bên sông Tứ” và việc “được chuông ở sông Trường Giang” nhưng đến gần thì biến mất. Lại có khi giữa đêm thanh vắng thấy chiếc thuyền rồng lênh đênh, múa hát du dương, có rùa vàng nổi chìm, lớn hơn chừng một trượng. Đó là do khí thiêng đúc kết, không phải là việc quái đản…”.

Trong dân gian cũng lan truyền những huyền thoại liên quan đá núi Bà Đen. Như chuyện ông Khổng lồ giẫm chân mạnh làm hằn vết chân lên tảng đá núi nằm trước chùa Linh Sơn Tiên thạch. Rồi chuyện Ông Đá nứt đôi trên đường từ Điện Bà sang chùa Hang… Đấy là huyền thoại.

Thế còn hiện thực? Ở đâu ta cũng có thể gặp những thế đá nằm, đá đứng. Chỗ như trang sách đá, nơi như tấm bia dựng giữa trời kể lại nhiều câu chuyện gắn cùng đá núi. Theo con đường bộ đi lên, là câu chuyện kể nhiều thế hệ các nhà sư chẻ đá, xếp lại thành bậc cấp, thành con đường bậc thang len lỏi giữa rừng cây lên tới Điện Bà.

Tại đây, chẳng biết từ bao giờ, đá cũng được chồng lên, xếp lại thành vách đá ta-luy ngay bên vực sâu hun hút, làm nên sân núi Bà Đen. Trong cái vực sâu hút trước sân núi ấy, từng có vài cây mai trắng, để các thi sĩ Tây Ninh cùng đón nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, con gái cụ Đồ Chiểu lên ngâm Vịnh thơ về cây bạch mai, núi Điện. Thơ còn để lại tới ngày nay. Và ngay tại con dốc cuối cùng trước khi lên sân núi, đá cũng kể cho người nghe về trận đầu người và núi Bà đánh thắng Pháp vào dịp gần tết năm Bính Tuất, 1946.

Đấy là: “Lực lượng vũ trang của đồng chí Điểm có một tiểu đội cùng với lực lượng quân báo của đồng chí Trần Văn Mạnh đóng ở núi Bà. Tại đây giặc Pháp bao vây núi, đến ngày thứ ba chúng đưa quân lên, bị ta chặn đánh ở dốc thượng, giặc Pháp thương vong nhiều nên rút lui, ta thu nhiều vũ khí đạn dược…” (“Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh, 1930-2005”, NXB Chính trị Quốc gia, năm 2010). Vậy là đá núi đã cùng lực lượng vũ trang non trẻ của Tây Ninh đánh thắng trận đầu với Pháp. Dù cho 3 ngày sau, quân Pháp dùng súng đại bác từ Suối Đá bắn lên gây tan nát chùa Bà, thì đá núi vẫn kiên gan cùng người tiếp tục chống giặc ngoại xâm, suốt cả hai thời kháng chiến.

Dấu tích đá núi Bà đánh giặc còn nhiều lắm. Như trên phía chùa Hang và động Huyền Môn. Nơi này, cán bộ chiến sĩ Liên đội 7 anh hùng suốt 13 năm bám núi vẫn thường qua lại. Nắm thông tin từ dân, từ liên lạc viễn thông của địch để truyền về Trung ương Cục. Họ không bao giờ quên những năm được lòng dân và đá núi Bà bảo vệ chở che. Cho đến trận cuối cùng suốt 1 tháng ròng vào cuối năm 1974 đầu năm 197, thì động Huyền Môn trở thành bệnh xá chữa trị cho thương binh. Dù tổn thất nhiều, nhưng cuối cùng, ngày 6.1.1975, ngọn cờ cách mạng đã lồng lộng bay trên căn cứ thông tin lớn nhất của địch ở đỉnh núi. Đến nay di tích ấy vẫn còn, giữa trập trùng đá núi vây quanh…

Chùa Hang 1920. Ảnh tư liệu Đ.H.T

Thế nhưng, nơi vừa có các chứng tích chiến trận thời chiến tranh lại vừa có cảnh quan đá xếp trập trùng cảnh quan hùng tráng thì có lẽ không đâu bằng động núi Kim Quang ở phía Đông-Nam của núi. Đây là căn cứ quan trọng của Huyện uỷ Toà Thánh (nay là thị xã Hoà Thành) kể từ khi thành lập huyện vào năm 1960. Suốt 15 năm bám núi, bám dân, Huyện uỷ vừa chiến đấu bảo vệ căn cứ, vừa chỉ đạo phong trào cách mạng. Biết bao lần địch dùng lực lượng mạnh tấn công, nhưng động núi Kim Quang nhờ đá núi chập chùng vây bọc mà vẫn an toàn.

Cho đến nay, trên con đường vào động người ta vẫn thấy đá như bày ra thế trận. Nơi đá lô xô chen chúc với cây rừng, chỗ thì đá dựng như một chiếc lô cốt sừng sững bên đường làm nản lòng quân giặc. Lại có chỗ đá lún xuống thành vực sâu, đến nay phải bắc cầu treo mới có thể đi qua. Dường như đá núi động Kim Quang có thể đại diện cho những nét đặc trưng nhất của núi Bà. Như Trịnh Hoài Đức xưa từng mô tả: “Cảnh trí u nhã, rừng rú hang hố sâu thẳm…”

Các nhà khoa học cho biết đá núi Bà Đen “thuộc hệ phun trào… Kỷ Jura thượng, khoảng hơn 110 triệu năm tuổi…” (Đặc điểm khí hậu thuỷ văn tỉnh Tây Ninh, Sở Khoa học công nghệ và Môi trường tỉnh Tây Ninh, năm 2000). Từ đấy, núi đá trở thành cột xương sống cho miền đất Tây Ninh hình thành, phát triển. Phun trào, đá xếp lô xô ngẫu nhiên mà tạo thành vô vàn hang động. Những động nổi tiếng như Thanh Long, Ông Hổ, Ông Tà, Ba Cô, Thiên Thai… Nơi thì trở thành chốn tu hành của các nhà sư, chỗ lại là thành trì cho quân dân ta bám trụ, diệt thù. Đá núi nhiều đời ôm ấp, gìn giữ đất đai cho cây trái bốn mùa xanh tốt. Đá nâng đỡ các công trình phục vụ tâm linh tín ngưỡng và phục vụ dân sinh. Gần đây, lại có thêm cả bãi đá chuông, gõ vào là ngân nga tiếng chuông, tiếng khánh. Còn điều bí mật nào về đá núi Bà Đen?

TRẦN VŨ

Tin cùng chuyên mục