Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Đá núi cũng đau
Thứ ba: 11:03 ngày 01/05/2012

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Bên cạnh tiềm năng về du lịch đang được khai thác có hiệu quả, núi Bà còn được khai thác ở một góc cạnh khác: khoáng sản.

Có hai tuyệt tác thiên nhiên làm nên “danh tiếng” tỉnh Tây Ninh: núi Bà Đen và sông Vàm Cỏ. Thế nhưng, cái dòng sông “nước xanh biêng biếc” bây giờ đã trở thành nỗi ám ảnh của những con đò sang ngang, những người sống ven sông bởi nạn lục bình dày đặc, bởi nước sông đã nặng mùi do ô nhiễm. Vậy còn núi thì sao?

Khu vực mỏ đá núi Phụng

Đến Tây Ninh mà chưa lên núi Bà là coi như chưa đến. Núi Bà Đen gần như đã trở thành biểu tượng của Tây Ninh, là điểm du lịch văn hoá tâm linh của người dân trong và ngoài tỉnh. Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, núi đã hồi sinh, thay da đổi thịt và khoác vào mình bộ cánh mới trẻ trung, xinh đẹp. Ngày nay, lên viếng núi Bà ta sẽ bắt gặp rất nhiều công trình được xây dựng mới hoặc tôn tạo rất rực rỡ, hoành tráng, nhằm phục vụ cho nhu cầu tâm linh và vui chơi của người dân. Đặc biệt, núi Bà còn mang trong lòng những di tích lịch sử cách mạng, những địa chỉ đỏ thiêng liêng ghi dấu thành tích đấu tranh oanh liệt của quân và dân Tây Ninh trong công cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc.

Bên cạnh tiềm năng về du lịch đang được khai thác có hiệu quả, núi Bà còn được khai thác ở một góc cạnh khác: khoáng sản. Núi Bà là quần thể gồm ba núi: núi Heo (núi Đất), núi Phụng và núi Bà Đen. Có thể nói đây là một mỏ đá granit lộ thiên khổng lồ, một loại đá có giá trị cao trong xây dựng và mỹ nghệ. Ít năm sau ngày đất nước thống nhất, đá núi Bà đã được khai thác để phục vụ cho nhu cầu xây dựng trong tỉnh. Với tốc độ khai thác ồ ạt, chỉ sau một thời gian ngắn, núi Heo gần như bị băm nát. Sau đó, một loạt mỏ đá đã bị đóng cửa.

Nhưng việc khai thác đá vẫn tiếp diễn. Địa điểm khai thác được chuyển về khu vực núi Phụng nằm ở hướng Đông Bắc. 

Ngày 21.1.1989, Bộ Văn hoá - Thông tin đã ký Quyết định số 100-VH/QĐ công nhận núi Bà Đen là di tích văn hoá lịch sử cấp quốc gia, có diện tích rộng 24km2 và phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Vấn đề đặt ra là một số mỏ đá hiện nay vẫn còn được tiếp tục khai thác, và khai thác đến mức độ nào, giới hạn trong khu vực nào? Bởi sườn Đông núi Bà là phía hứng chịu mưa nắng và trong quá khứ đã từng xảy ra vài đợt sạt lở khủng khiếp vào những mùa mưa bất thường mà đến giờ vẫn còn dấu tích. Không thể nói trước điều gì sẽ xảy ra trong tương lai khi nhìn thấy những vạt đá với những tảng đủ kích cỡ nằm trơ trọi, lơ lửng trên cao, trong khi dưới chân núi vẫn tiếp tục khai thác.

Thiết nghĩ, núi Bà Đen trong quá khứ cũng như trong hiện tại là một phần quan trọng của vùng đất Tây Ninh. Núi đã đi vào thi, ca, nhạc, hoạ, là biểu tượng tâm linh gắn chặt tâm hồn người dân nơi đây. Vì vậy, việc khai thác những lợi ích mang tính chất xâm hại làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiện trạng của núi cần phải được cân nhắc, tính toán thật kỹ. Không thể vì những nhu cầu trước mắt mà nỡ huỷ hoại một “báu vật” do thiên nhiên ban tặng.

P.H

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục