Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ðối với học sinh cấp THCS, Luật Giáo dục năm 2019 quy định được miễn học phí nhưng “theo lộ trình”, và lộ trình này sẽ thực hiện từ ngày 1.9.2025. Ðiều này có nghĩa đến năm 2025, học sinh THCS vẫn phải đóng học phí.
Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ GD&ĐT khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ để xem xét thông qua miễn học phí đối với học sinh cấp trung học cơ sở (THCS). Theo quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP, đến thời điểm này, học sinh cấp THCS vẫn phải đóng học phí, nhưng do những khó khăn về kinh tế, xã hội bởi đại dịch Covid-19, hầu hết các địa phương trong cả nước chưa thu học phí; một số tỉnh, thành phố đã quyết định không thu học phí.
NGÂN SÁCH CẤP BÙ KHOẢNG 12.000 TỶ ĐỒNG
Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GD&ĐT tăng cường đôn đốc, kiểm tra các địa phương về công tác chuẩn bị điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để thực hiện kế hoạch năm học 2022-2023 đạt kết quả cao nhất; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ về lộ trình học phí, đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS và mua sách giáo khoa trang bị cho thư viện trường học để học sinh mượn dùng.
Theo ước tính của Bộ GD&ĐT, cả nước có 5,5 triệu học sinh cấp THCS, ngân sách cấp bù học phí bình quân 2 triệu đồng/năm học thì phải chi gần 12.000 tỷ đồng/năm học để bù vào khoản miễn học phí. Nếu thực hiện đề xuất này, ngân sách Nhà nước phải tăng thêm 25.199 tỷ đồng trong 3 năm 2022-2024 (sau khi trừ đi số học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn, học sinh đã được miễn học phí theo quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP).
Khoản 5, Ðiều 99 của Luật Giáo dục năm 2019 quy định “trẻ em mầm non 5 tuổi và học sinh trung học cơ sở được miễn học phí theo lộ trình do Chính phủ quy định”. Luật quy định như thế nhưng Nghị định 81 vẫn quy định mức học phí đối với bậc học mầm non, tiểu học và THCS. Thắc mắc này từng được nêu lên trong năm học 2020-2021.
Thực tế, mức thu học phí đối với bậc học mầm non, tiểu học cần được hiểu là định mức mà Nhà nước chi ra để trả cho cơ sở giáo dục trong một năm học đối với một học sinh. Khoản tiền này, học sinh mầm non- đúng hơn là gia đình các cháu vẫn phải đóng trực tiếp cho nhà trường. Riêng học sinh tiểu học, Nhà nước cấp bù cho nhà trường, người học và gia đình người học không phải đóng khoản tiền này. Ðối với học sinh cấp THCS, Luật Giáo dục năm 2019 quy định được miễn học phí nhưng “theo lộ trình”, và lộ trình này sẽ thực hiện từ ngày 1.9.2025. Ðiều này có nghĩa đến năm 2025, học sinh THCS vẫn phải đóng học phí.
Ðiều 9 của Nghị định 81/2021/NĐ-CP (Nghị định 81) quy định học phí đối với giáo dục mầm non, phổ thông. Theo tinh thần này, HÐND cấp tỉnh căn cứ quy định để quyết định khung học phí hoặc mức học phí cụ thể đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập thuộc thẩm quyền và quyết định việc sắp xếp, phân loại các vùng trên địa bàn để cơ sở giáo dục áp dụng mức thu học phí.
Học sinh THCS thi tuyển sinh vào lớp 10
Khung học phí đối với giáo dục tiểu học công lập quy định trong Nghị định 81 dùng làm căn cứ để HÐND tỉnh quyết định mức hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh tiểu học tư thục ở các địa bàn chưa đủ trường tiểu học công lập, và học sinh tiểu học tư thục thuộc đối tượng được hưởng chính sách miễn giảm học phí theo quy định.
Mức trần của khung học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên tối đa bằng 2 lần mức trần học phí. Mức trần của khung học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí. Cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư đạt mức kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn do Bộ GD&ĐT quy định, thì được tự xác định mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ sở giáo dục ban hành, trình UBND tỉnh để đề nghị HÐND cùng xem xét phê duyệt mức thu học phí.
Từ năm học 2023-2024 trở đi, khung học phí được điều chỉnh theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội của địa phương, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm và khả năng chi trả của người dân nhưng không quá 7,5%/năm. Căn cứ khung học phí theo quy định, UBND tỉnh trình HÐND cùng cấp quyết định mức thu học phí cụ thể nhưng không vượt mức trần quy định.
SỬA NGHỊ ĐỊNH 81
Nghị định 81 (đang có hiệu lực) nhưng diễn biến những ngày gần đây cho thấy, gần như chắc chắn, học sinh cấp THCS sẽ được miễn học phí. Cần nhắc lại, tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ hôm tháng 7, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề xuất Chính phủ xem xét có nghị quyết miễn thu học phí đối với học sinh THCS. Ngoài đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS, Bộ GD&ĐT kiến nghị Chính phủ ban hành nghị quyết đối với học phí năm học 2022-2023 với toàn bộ các cấp học khác để các đơn vị kịp thời triển khai thực hiện; đồng thời giao Bộ GD&ĐT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành thực hiện sửa Nghị định số 81/2021/NĐ-CP làm căn cứ pháp lý thực hiện từ năm học 2023-2024.
Theo đó, về học phí giáo dục mầm non công lập năm học 2022-2023, đối với cơ sở giáo dục mầm non chưa tự bảo đảm chi thường xuyên: đề nghị giữ ổn định học phí như năm học 2021-2022. Đối với cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên, cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: cơ sở giáo dục xây dựng mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ sở giáo dục ban hành. Cơ sở giáo dục trình UBND cấp tỉnh để đề nghị HĐND cấp tỉnh xem xét phê duyệt mức thu học phí.
Đối với các địa phương đã ban hành nghị quyết quy định mức thu học phí năm học 2022-2023 mà mức thu học phí cao hơn so với năm học 2021-2022: HĐND cấp tỉnh giao UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh cho phép tiếp tục thực hiện theo nghị quyết quy định mức thu học phí đối với năm học 2021-2022 đến hết năm học 2022-2023. Từ năm học 2023-2024, HĐND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh khung và mức học phí mầm non theo chỉ số giá tiêu dùng hằng năm.
Đối với cấp THPT: đề nghị giữ ổn định mức học phí như năm học 2021-2022 đối với cơ sở giáo dục THPT công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên. Đối với cơ sở giáo dục THPT tự bảo đảm chi thường xuyên, cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: cơ sở giáo dục xây dựng mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ sở giáo dục ban hành. Cơ sở giáo dục trình UBND cấp tỉnh để đề nghị HĐND cấp tỉnh xem xét phê duyệt mức thu học phí.
Đối với các địa phương đã ban hành nghị quyết định mức thu học phí năm học 2022-2023 mà mức thu học phí cao hơn so với năm học 2021-2022: HĐND cấp tỉnh giao UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh cho phép tiếp tục thực hiện theo nghị quyết quy định mức thu học phí năm học 2021-2022 đến hết năm học 2022-2023. Từ năm học 2023-2024, HĐND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh khung và mức học phí đối với THPT công lập theo chỉ số giá tiêu dùng hằng năm.
Học phí là khoản tiền mà người học phải nộp để chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo. Tuy nhiên, đối với những cấp học, bậc học đã thực hiện phổ cập giáo dục thì không nên thu học phí. Sau gần 30 năm thực hiện phổ cập giáo dục, Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở (riêng bậc học mầm non hoàn thành phổ cập muộn hơn hai cấp học phổ thông nêu trên).
Trong một đợt khảo sát của HĐND tỉnh cách nay ít năm, theo tính toán, học phí chỉ chiếm khoảng 12% tổng số tiền học sinh phải nộp cho nhà trường (theo mức thu tại thời điểm đó). Còn hiện nay, theo quy định mới, học phí tăng nhiều lần, trong khi đời sống, việc làm, thu nhập của người dân gặp không ít khó khăn bởi đại dịch Covid- 19. Từ những yếu tố nêu trên, quyết định miễn học phí (trước mắt đối với học sinh THCS) là hoàn toàn hợp tình, hợp lý.
VIỆT ĐÔNG