Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Gần 90% người được khảo sát cho rằng để người hút bỏ thuốc lá thì giá một bao phải hơn 45.000 đồng, gấp 3 lần giá trung bình hiện nay.
Tại hội thảo ngày 25/9 về thuế thuốc lá, đại diện hai bộ Thông tin và Truyền thông, Y tế đều nhận định thuế là một trong những chính sách hiệu quả giảm tiêu thụ thuốc lá, từ đó giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong do thuốc lá. Nó cũng giảm tỷ lệ người hút mới, tỷ lệ tử vong sớm.
Các cơ quan chức năng cũng công bố nghiên cứu cho thấy đa số người dân đều ủng hộ tăng thuế thuốc lá, thậm chí là tăng ở mức cao. Một khảo sát với thanh thiếu niên về giá và thuế thuốc lá gần đây cũng cho thấy thực tế này. Các chuyên gia khảo sát tại 2 tỉnh Hải Dương và Long An với gần 600 người cả nam và nữ tuổi 13-24, thành thị và nông thôn. Trong đó, chưa đến 3% người tham gia ở độ tuổi 13-17 có hút thuốc lá. Tỷ lệ này ở độ tuổi 18-24 gần 18%.
Kết quả cho thấy, hầu hết đều cho rằng hiện nay giá thuốc lá rẻ là do thuế thấp nên ủng hộ tăng thuế. Đặc biệt, nhiều người cho rằng cần tăng thuế cao hơn nữa, ít nhất bằng 45-70% giá bán lẻ.
Thạc sĩ Lê Thị Thu, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam, đại diện nhóm nghiên cứu, cho biết hơn 80% người được hỏi cho rằng giá thuốc lá từ 22.700 đồng một bao trở lên mới giảm tiêu dùng thuốc lá. Gần 90% nêu ý kiến giá một bao thuốc đạt khoảng 45.400 đồng trở lên sẽ khiến người nghiện bỏ thuốc lá.
Việt Nam cần tăng mạnh thuế thuốc lá để giảm người hút. Ảnh: O.H.
Hiện Việt Nam tính thuế thuốc lá theo tỷ lệ phần trăm trên giá xuất xưởng, dự kiến đạt 75% vào năm 2019. Song các chuyên gia cho rằng “khoảng cách tăng khá xa, tăng nhỏ giọt, rất ít và chậm, hầu như không có hiệu quả giảm người hút”. Trong 13 năm, thuế chỉ tăng 20%.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, đại diện Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá đánh giá việc tăng thuế thuốc lá tại nước ta chưa phát huy được hiệu quả. Điều tra cho thấy giá trung bình của một bao thuốc lá 20 điếu giảm từ 12.700 đồng vào năm 2010 còn hơn 11.000 đồng vào năm 2015. Giá quá rẻ làm tăng khả năng tiếp cận và sử dụng ở trẻ em.
Sản lượng thuốc lá điếu tăng đều đặn hàng năm, từ một tỷ bao năm 1990 đến nay hơn 5 tỷ bao. Thu nhập bình quân theo đầu người tăng nhưng giá thuốc lá hầu như không biến động. Khoảng cách giữa hai chỉ số này ngày càng cách xa. Người dân ngày càng dễ dàng mua thuốc lá. Chỉ cần bỏ ra một phần thu nhập nhỏ là có thể mua được thuốc lá và mua tại bất cứ lúc nào, ở đâu. Đây là hậu quả của thuế thuốc lá thấp, giá thấp, bà Hương phân tích.
Bà Pamela Sumner Coffey, Phó chủ tịch Chương trình quốc tế, Tổ chức Hành động vì trẻ em không thuốc lá (Mỹ).
“Điều đáng buồn là tiếp cận thuốc lá đáng lẽ giảm nhờ việc tăng thuế thì lại tăng do giá bán quá thấp. Giá tại Việt Nam hiện đứng thứ 19 trong số 20 nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương”, bà Pamela Sumner Coffey, Phó Chủ tịch Chương trình quốc tế, Tổ chức Hành động vì trẻ em không thuốc lá, Mỹ (TFK) bày tỏ.
Theo bà, Việt Nam cần một chính sách thuế thuốc lá mạnh. Chính sách hiện nay không đủ mạnh vì chỉ áp dụng cách tính thuế theo tỷ lệ phần trăm và tính trên giá xuất xưởng là mức giá khó xác định.
Bộ Tài chính đang đề xuất hai phương án tăng thuế, trong đó có thu thêm thuế tuyệt đối. Phương án một: Áp dụng mức thuế hỗn hợp giữa thu theo tỷ lệ và thuế tuyệt đối. Cụ thể thu thêm 1.000 đồng cho mỗi bao thuốc lá 20 điếu. Phương án 2: Tăng thuế theo lộ trình 1/2020 là 80%, một năm sau tăng lên 85%.
Bộ Y tế ủng hộ phương án một song nếu chỉ thu 1.000 đồng thì sẽ quá xa để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ nam giới hút thuốc xuống 39% vào năm 2020 (giảm 6,3% so với năm 2015). Để đạt mục tiêu này cần thu tối thiểu 2.000, tối ưu là 5.000 đồng. Điều đó sẽ giúp tránh 300.000-900.000 ca tử vong sớm mỗi năm.
Tương tự, bà Pamela khuyến cáo Việt Nam nên bổ sung thuế tuyệt đối ở mức 2.000 đồng một bao hoặc tối ưu là 5000 đồng. Ngoài ra, không chỉ tăng một lần mà cần tiếp tục tăng thuế một cách thường xuyên để theo kịp với sự gia tăng thu nhập và lạm phát. Đây là một giải pháp giúp đảm bảo rằng chính sách thuế có tác động có ý nghĩa đối với việc giảm sử dụng thuốc lá, ngăn ngừa tử vong và đem lại doanh thu thuế đáng kể cho Nhà nước.
Chung quan điểm này, bà Phạm Thị Hoàng Anh, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam nhấn mạnh việc thu thêm 1.000 đồng chưa giúp giá bán lẻ tăng ngang thu nhập nên sức mua sẽ vẫn tăng. Phương án tích cực nhất là tăng đều đặn, nếu chỉ tăng một lần thì phải đủ mạnh, tránh giống như các năm trước chỉ có tác dụng giảm sức mua trong năm tăng thuế. Tăng 2.000 đồng chỉ giúp sức mua ở mức ổn định.
Bà Hoàng Anh dẫn chứng bài học từ Thái Lan. Từ năm 1992 nước này bắt đầu cải cách chính sách thuế, từ đó đến năm 2015 đều đặn 2 năm tăng một lần từ mức 55% đã lên 86% trên giá bán buôn, khoảng 115-600% theo cách tính thuế của Việt Nam.
“Không bên nào chịu thiệt khi tăng thuế thuốc lá. Ít có ngành kinh doanh nào tăng trưởng mạnh như thuốc lá ở mức 9-10% mỗi năm. Doanh nghiệp không chết vì tăng thuế, trong khi giảm được người hút, tăng thu ngân sách.. ”, bà Hoàng Anh nói.
Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra việc tăng thuế không làm gia tăng buôn lậu. Vấn đề này phụ thuộc vào khả năng kiểm soát của cơ quan chức năng, không phải giá thuốc lá. Thực tế, giá của thuốc lá lậu khá đắt, người dân chọn sử dụng là do gu.
Thuế thuốc lá đóng góp đến 60% trong việc giảm người hút. Giá thuốc lá cao hơn khuyến khích một bộ phận người hút bỏ thuốc hoặc giảm số lượng điếu hút, ngăn chặn việc bắt đầu hút thuốc ở những người tiêu dùng tiềm năng, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên. So với năm 2010 tỷ lệ hút thuốc lá trong nam giới Việt Nam giảm khoảng 2%, song vẫn ở mức rất cao với hơn 45% nam giới trưởng thành hút thuốc. Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới
Trong khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư. Các chất thường thấy trong khói thuốc như chì, benzene, đặc biệt là formaldehyd - loại hóa chất dùng để ướp xác. Sử dụng thuốc lá gây ra hơn 25 loại bệnh, chủ yếu thuộc 4 nhóm chính như ung thư, tim mạch, hô hấp và nhóm các bệnh về sinh sản và sinh dục.
Nguồn VNE