Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Cách xử lý lục bình của nhà thầu chủ yếu là vớt lên bờ và có thể “chuyển giao” cho đối tác sử dụng chế biến phân sinh học.

![]() |
Lục bình sinh sôi, nảy nở dày đặc trên sông Vàm Cò Đông |
Mấy ngày qua, nhiều người dân cho biết một số đoạn sông Vàm Cỏ Đông qua Châu Thành, Hoà Thành, Bến Cầu và Gò Dầu xuất hiện nhiều lục bình. Ở một số nơi, lục bình chiếm phần lớn mặt sông, khiến cho các phương tiện đi lại gặp khó khăn, nhất là ghe, thuyền của người dân địa phương và đò ngang.
Từ phản ánh của người dân, chúng tôi đến đoạn sông hạ lưu cầu Gò Chai (Châu Thành), đến đoạn qua xã Cẩm Giang (Gò Dầu), đoạn qua khu vực xã Tiên Thuận (Bến Cầu). Tại những khu vực trên, lục bình trôi thành từng mảng lớn, có nơi kết thành từng khối khổng lồ “phủ” mặt sông. Ở những khúc quanh co của dòng sông, nơi dòng nước chảy chậm lại, lục bình càng nhiều hơn.
Tại bến đò Bến Bình (xã Tiên Thuận, Bến Cầu), vào thời điểm lục bình nhiều, đò đưa khách qua sông hoạt động khá vất vả. Quản lý bến đò cho biết, so với trước đây thì lục bình chưa nhiều, chưa dày đặc dòng sông. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp xử lý sớm, sắp tới, vào mùa nắng thì tình trạng “lục bình lấp sông” lại tái diễn.
Trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Văn Lo, Phó Giám đốc Sở GT-VT cho biết sau khi nhận phản ánh của phóng viên, ông Lo đã cùng cán bộ Sở đi kiểm tra ở một số điểm. Việc người dân phản ánh lục bình xuất hiện nhiều trên sông là có. Tuy nhiên, lục bình chưa nhiều đến mức vượt giới hạn cho phép so với cam kết trong hợp đồng xử lý lục bình giữa nhà thầu với cơ quan Nhà nước.
Cũng theo ông Trịnh Văn Lo, đến nay nhà thầu xử lý lục bình (Công ty TNHH Thanh Sơn) đã được tỉnh ứng 30% kinh phí trúng thầu (trên 1,4 tỷ đồng). Hiện nhà thầu đã đưa ra sông 2 băng chuyền vớt lục bình và đang hoàn chỉnh 2 băng chuyền khác. Mỗi băng chuyền có công suất thiết kế bình quân 15 tấn/giờ (tuy nhiên công suất thực còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác). Cách xử lý lục bình của nhà thầu chủ yếu là vớt lên bờ và có thể “chuyển giao” cho đối tác sử dụng chế biến phân sinh học. Nguyên nhân khiến mấy ngày qua lục bình xuất hiện nhiều là do nhà thầu cho “dọn dẹp” những mảng lục bình bám dọc hai bờ sông để “nhờ” thuỷ triều đưa về hạ lưu. Nhưng do dòng chảy chậm nên lục bình không được đẩy đi mà kết lại thành từng mảng lớn trên sông. “Chúng tôi cũng nhận thấy rằng đây là nguy cơ gây nên tình trạng tắc nghẽn dòng sông trong thời gian tới nên đã yêu cầu nhà thầu phải có biện pháp xử lý sớm”, ông Lo nói.
Theo quy định, nhà thầu phải bảo đảm vớt lục bình thông thoáng cho luồng tàu chạy, “giữ” cho suốt chiều dài sông Vàm Cỏ Đông đoạn qua Tây Ninh (101 km) và chiều rộng trung bình 70m không có lục bình. Nếu để lục bình “phủ kín mặt sông” như trước đây thì tổng diện tích lục bình nhà thầu phải xử lý là 70m x 101km = 7.070.000m2. Với lượng lục bình khổng lồ như trên nhưng nhà thầu phải “xử lý” không quá 90 ngày (mỗi ngày phải vớt khoảng… 78.000m2 mặt sông có lục bình liệu có khả thi)!? |
HOÀNG ĐÌNH BẢO