Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19:
Đặc biệt quan tâm đầu tư cho cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến xã
Chủ nhật: 23:15 ngày 04/09/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Từ nguồn vốn Trung ương và địa phương, 6 trung tâm y tế tuyến huyện và 42 trạm y tế xã trong tỉnh được đầu tư trang thiết bị y tế, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giảm tải cho bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương.

Kỳ họp thứ 5 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026 quyết nghị Nghị quyết phê duyệt đầu tư Dự án “Đầu tư trang thiết bị 6 trung tâm y tế tuyến huyện và 42 trạm y tế tuyến xã, tỉnh Tây Ninh”

Mua mới 60 trang thiết bị y tế trong danh mục

Mới đây, HĐND tỉnh khoá X (kỳ họp thứ 5, nhiệm kỳ 2021-2026) vừa thông qua nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư trang thiết bị cho các cơ sở y tế tuyến huyện và tuyến xã. Dự án được triển khai trong 3 năm (2022-2024) tại 6 trung tâm y tế (TTYT) tuyến huyện, gồm: thị xã Trảng Bàng, thành phố Tây Ninh, Tân Châu, Tân Biên, Gò Dầu, Dương Minh Châu và 42 trạm y tế (TYT) tuyến xã trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Tổng vốn đầu tư cho dự án là 63,356 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 50 tỷ đồng (nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội), phần còn lại cân đối từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Đây là dự án đầu tư công nhóm B thuộc lĩnh vực y tế, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Tây Ninh làm chủ đầu tư và trực tiếp quản lý.

Dự án nhằm góp phần nâng cao khả năng chẩn đoán và điều trị bệnh, phát hiện sớm, chính xác bệnh tật, đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ của nhân dân trên địa bàn tỉnh; giảm thiểu bệnh nhân chuyển tuyến trên, giảm quá tải cho tuyến tỉnh, trung ương.

Về quy mô, các cơ sở y tế được đầu tư mới trang thiết bị y tế, trong đó TTYT tuyến huyện có 19 danh mục đầu tư, gồm: hệ thống CT-Scanner 32 lát, máy siêu âm tổng quát 4WD, hệ thống máy X-quang cao tần kỹ thuật số, X-quang di động, máy phân tích huyết học, phân tích sinh hoá tự động, điện giải đồ, monitor theo dõi bệnh nhân, monitor SpO2, monitor sản khoa hai chức năng, bơm tiêm điện, sốc điện phá rung...

Theo bác sĩ Đỗ Hồng Sơn- Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế, trong 19 danh mục đầu tư, có 18 danh mục được các đơn vị sử dụng thông dụng như: monitor, máy phân tích sinh hoá, lý học, điện giải... Tuy nhiên, có 1 danh mục ngành khá băn khoăn, đó là CT-Scanner được đầu tư cho TTYT thị xã Trảng Bàng và thành phố Tây Ninh.

Ông cho biết, trước khi đầu tư, ngành đã khảo sát thực tế và đề nghị 2 đơn vị chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, phòng trang bị máy, đặc biệt là nguồn lực để vận hành, sử dụng máy. Hiện ngành cũng đưa ra các phương án sử dụng máy, trong đó có phương án đào tạo bác sĩ tại chỗ và bác sĩ ở TP.Hồ Chí Minh đọc kết quả.

Song song đó, 42 TYT tuyến xã thuộc TTYT tuyến huyện cũng được đầu tư 41 loại thiết bị cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, phục vụ công tác khám, chữa bệnh, sơ cấp cứu, tiêm chủng, sản khoa, kế hoạch hoá, xét nghiệm và tiệt trùng.

42 trạm y tế tuyến xã được đầu tư mới trang thiết bị thuộc 41 danh mục phục vụ khám, chữa bệnh, sơ cấp cứu, tiêm chủng, sản khoa...

Đầu tư có trọng điểm từ cơ sở

Cùng với y tế tuyến đầu, y tế cơ sở luôn được xem là nguồn lực nòng cốt, trung tâm trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Chính vì vậy, việc đầu tư cho y tế cơ sở là cần thiết. Thống kê của Sở Y tế, toàn tỉnh có 19 đơn vị y tế cơ sở công lập, trong đó có 9 TTYT tuyến huyện và 94 TYT tuyến xã. Năm 2021, ngành Y tế đạt 7,8 bác sĩ/vạn dân, chỉ tiêu 26 giường bệnh/vạn dân. Hiện ngành đề ra kế hoạch bảo đảm chỉ tiêu đến cuối năm 2022 là 27 giường bệnh và 8,1 bác sĩ/10.000 dân.

TTYT huyện Tân Châu là một trong 6 TTYT được đầu tư trang thiết bị theo Nghị quyết số 64-NQ/HĐND. TTYT và 11 TYT được xây mới bảo đảm bố trí đủ phòng để hoạt động; riêng TYT xã Suối Dây đang tiến hành xây mới. Ngoài ra, TYT các xã Suối Ngô, Tân Đông, Tân Hà, Tân Hoà, Tân Hội, Tân Hưng, Tân Phú và Tân Thành được đầu tư trang thiết bị mới, bảo đảm nhu cầu thăm khám và điều trị cho nhân dân trên địa bàn.

Theo bác sĩ CKII Võ Thị Ngọc Mai- Giám đốc TTYT huyện Tân Châu, thời gian qua, các trang thiết bị được đầu tư như: hệ thống máy CT-scaner, máy nội soi tai mũi họng, nội soi dạ dày, máy chạy thận cùng một số trang thiết bị về đông y, TTYT còn tổ chức đưa bác sĩ, điều dưỡng đi đào tạo về phục vụ công tác. Để từng bước đầu tư theo hướng hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh, TTYT huyện được đầu tư 1 máy X-quang di động, 1 máy phân tích huyết học 22 thông số, 3 máy monitor SpO2, 3 monitor 6 thông số, 1 monitor sản khoa hai chức năng, 2 máy monitor 8 thông số, 1 máy sốc điện phá rung, 17 bơm tiêm điện, 6 bơm truyền dịch, 1 máy siêu âm tổng quát 4WD (loại 5 đầu dò) và 2 bàn đẻ.

TTYT huyện Gò Dầu hoạt động theo mô hình trung tâm y tế huyện chức năng dự phòng, điều trị và quản lý mạng lưới y tế tuyến xã, ấp. TTYT huyện có 200 giường bệnh thực tế (kế hoạch 150 giường) gồm 5 phòng chức năng, 12 khoa và 9 TYT xã, thị trấn. Theo nghị quyết HĐND tỉnh, đơn vị này được đầu tư mới 10 danh mục trang thiết bị y tế. Hiện 9 TYT trực thuộc đều không nằm trong danh mục đầu tư mới trang thiết bị theo nghị quyết HĐND tỉnh.

Tại huyện Bến Cầu, TTYT huyện không có chủ trương đầu tư xây mới và mua mới trang thiết bị y tế, tuy nhiên, đơn vị này tận dụng các nguồn thu triển khai tu bổ, sửa chữa một số hạng mục nhỏ cho trạm y tế và tại Trung tâm. Theo nghị quyết HĐND tỉnh, các TYT thị trấn Bến Cầu, xã Lợi Thuận, Long Khánh, Long Phước, Long Thuận, Tiên Thuận, Long Chữ, Long Giang vừa được phê duyệt đề án đầu tư mới trang thiết bị cần thiết phục vụ khám, chữa bệnh nhân dân trên địa bàn.

Đầu tư cho y tế sau dịch Covid-19 để người dân được thụ hưởng dịch vụ y tế ngay tại cơ sở là điều cần thiết. Các trạm y tế tuyến xã có vai trò quan trọng, là nơi đầu tiên người dân có thể tiếp cận khi ốm đau, bệnh tật. Đầu tư trang thiết bị giúp các cơ sở y tế có khả năng triển khai được nhiều kỹ thuật mới, nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị, góp phần giảm tỷ lệ chuyển tuyến, giảm thời gian điều trị, nâng cao năng lực cán bộ y tế tuyến cơ sở.

42 trạm y tế tuyến xã được đầu tư gồm: 
Trạm Y tế xã Phước Bình, xã Phước Chỉ (thị xã Trảng Bàng); Trạm Y tế thị trấn Châu Thành và các xã Biên Giới, Hoà Hội, Hoà Thạnh, Ninh Điền, Phước Vinh, Thành Long, An Bình, Đồng Khởi, Hảo Đước, Long Vĩnh, Thái Bình, Thanh Điền, Trí Bình (huyện Châu Thành); Trạm Y tế xã Suối Đá (huyện Dương Minh Châu); Trạm Y tế xã Trường Tây (thị xã Hoà Thành); Trạm Y tế các xã Suối Dây, Suối Ngô, Tân Đông, Tân Hà, Tân Hoà, Tân Hội, Tân Hưng, Tân Phú, Tân Thành (huyện Tân Châu); Trạm Y tế các xã Tân Bình, Tân Lập, Hoà Hiệp (huyện Tân Biên); Trạm Y tế thị trấn Bến Cầu và các xã Lợi Thuận, Long Phước, Long Thuận, Tiên Thuận, Long Chữ, Long Khánh, Long Giang (huyện Bến Cầu); Trạm Y tế phường 1, phường Ninh Thạnh và các xã Tân Bình, Thạnh Tân (thành phố Tây Ninh).

Tâm Giang

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh