Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đặc sắc lễ khánh đản Quan Thế Âm chùa Thiền Lâm - Gò Kén
Thứ tư: 11:21 ngày 15/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Lễ hội diễn ra suốt 3 ngày. Trong đó, ngày 17 có các nghi thức dâng cúng như: khoa nghinh thần chủ, khoa tịnh trù, khoa cấp thuỷ, khoa lược phát… Nhưng quan trọng nhất có lẽ là khoa trình thập cúng.

Trong các ngày vừa qua, từ 17 đến 19 tháng 2 năm Giáp Thìn (2024) đã diễn ra đại lễ kể trên tại Thiền Lâm tự, phường Long Thành Trung, thị xã Hoà Thành. Lễ hội này đã có tự lâu đời. Ít nhất là đã có từ ngay năm 1924, khi chùa mới hoàn thành. Là bởi trên một tấm bia đá ghi nhận sự kiện con đường dẫn vào chùa từ quốc lộ 22B, được hoàn thành vào năm 1924, cũng có một dòng chữ Hán. Đấy là ngày 19 (âl)- đúng vào ngày Bồ tát Quán Thế Âm theo truyền thống Phật giáo Việt Nam.

Trước mặt tiền chùa.

Lễ hội diễn ra suốt 3 ngày. Trong đó, ngày 17 có các nghi thức dâng cúng như: khoa nghinh thần chủ, khoa tịnh trù, khoa cấp thuỷ, khoa lược phát… Nhưng quan trọng nhất có lẽ là khoa trình thập cúng. Như là một lễ tế cúng 10 món vật phẩm quý dâng lên Bà.

Lễ này khiến người ta nhớ lại lễ viếng trong vía Bà Linh Sơn Thánh mẫu trên núi Bà Đen vào dịp tết mùng 5 tháng 5 âl. Ở đấy cũng có lễ khoa trình thập cúng. Ở núi Bà, nghi lễ được thực hiện tại ngôi Điện Bà. Thì ở chùa Gò Kén, nghi lễ được làm ngay trước bàn thờ ở chân tượng đài Bồ tát Quán Thế Âm. Ngôi này nằm giữa một hồ sen, cũng chính là nơi vào tối ngày 19 sẽ có lễ hội thả hoa đăng trên hồ nước, tạo nên một cảnh tượng vô cùng lung linh màu sắc.

Vào ngày 18, tăng ni, phật tử có các nghi lễ tụng kinh, thuyết pháp… Nhưng điểm nhấn mang tính chất hội dân gian là lễ diễu hành xe hoa và lễ rước khánh đản Quán Thế Âm Bồ tát. Đoàn diễu hành sẽ đi từ chùa vòng quanh một số phường, xã của thị xã Hoà Thành và thành phố Tây Ninh. Xe hoa được bài trí với những tiểu cảnh đẹp mắt chung quanh tôn tượng Quan Thế Âm, được kết bằng nhiều loài hoa tươi đủ màu thơm ngát. Năm nay, sau hàng chục xe hoa bằng xe hơi, còn là một đoàn vài chục chiếc vespa cũng trang trí hoa tươi, do các thiếu nữ áo dài duyên dáng lái…

Nghi lễ chính trong ngày thứ ba của lễ hội là lễ khánh thành các công trình đã được xây dựng trong nhiều năm qua trong khuôn viên chùa. Đấy là các ngôi bảo tháp xá lợi 9 tầng; đại hùng bửu điện, nhà đặt các trụ kinh luân, tôn tượng Đức Phật Thích Ca bằng đồng nặng 32 tấn… Lễ có sự tham dự của hàng trăm vị từ chư tôn đức tăng ni từ Trung ương Giáo hội Phật giáo đến các vị thuộc Ban Trị sự Phật giáo Tây Ninh và các tỉnh, thành. Đặc biệt, lễ được đón nhận lẵng hoa chúc mừng của Bí thư Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên và Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang- những người con của quê hương Tây Ninh cùng rất nhiều lẵng hoa, quà tặng từ các nơi dâng tặng.

Quầy hàng ẩm thực phục vụ miễn phí khách hành hương.

Nghi lễ diễn ra trang trọng, uy nghiêm. Đến chiều tối cùng ngày mới là lễ dâng hoa đăng lung linh sắc màu trên cả hai hồ nước dưới chân các đài tượng Quán Thế Âm và tôn tượng Bồ tát Di Lặc.

Không chỉ ở lễ hội hoa đăng, toàn cảnh chùa Thiền Lâm đều rực rỡ sắc màu. Dưới tất cả các tán cây là những chùm dải lụa hai màu vàng đỏ. Hoa nở trên từng lối đi, hoặc các tiểu cảnh cho du khách nghỉ chân. Nến thơm sắp thành chữ, thành hoa nở trên sân.

Nhưng đặc sắc nhất có thể là bộ “tứ linh” sắp đặt quanh tượng Đức Phật Thích Ca dưới gốc bồ đề. Rồng xanh cuộn quanh dưới chân bức tượng Phật Bà tạc bằng đá núi Bà. Đôi phụng chầu múa kết toàn bằng hoa phong lan và hồng môn hai màu trắng đỏ. Lại thêm đôi phụng múa rực rỡ các sắc hoa phong lan vàng đỏ. Phía trước gốc bồ đề, là chú rùa (quy) khổng lồ nghển cổ, kết từ hoa và vỏ trái dừa… Bộ tứ linh của năm nay đều có kích thước khổng lồ, lớn cao 3-4 mét, nhưng không kém phần tinh tế, cầu kỳ.

Du khách nhận ra đấy là kết quả từ tài hoa của các nghệ nhân thị xã Hoà Thành. Họ cũng từng trang trí cho các đại lễ của đạo Cao Đài như Vía Đức Chí Tôn hay Hội yến Diêu Trì cung. Ta còn nhận ra những nét tinh hoa của các làng nghề. Như Long Kim của phường Long Thành Trung với nghề tre trúc hiện diện trong lễ hội Quán Thế Âm chùa Gò Kén bằng các ngôi nhà kết toàn bằng tre trúc, tầm vông…

Bảo tháp xá lợi cao 40m ở chùa Thiền Lâm- Gò Kén. Ảnh: Tâm Giang

Đứng trước những tác phẩm này, người viết thấy bất lực. Mọi ngôn từ đều không thể mô tả hết những tinh tuý của nghệ thuật sắp đặt dân gian truyền thống ở đây.

Với những nét đặc sắc đã kể trên, dù chưa thể đầy đủ, lại ở một ngôi chùa đậm chất liệu lịch sử như Thiền Lâm - Gò Kén, có lẽ đã đến lúc cần nghiên cứu để xem xét, đề nghị công nhận lễ hội khánh đản Quán Thế Âm ở đây là một di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Bởi những người quan tâm đến đều có thể cảm nhận đây là “sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân vật thể và không gian văn hoá liên quan, có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”.

Cũng cần nói thêm rằng, ai đến lễ hội này cũng đều cảm nhận một mối tương giao rất ấm áp tình người. Nhất là các quầy hàng ẩm thực miễn phí nhưng rất đặc sắc mà bà con thị xã Hoà Thành nồng nhiệt chiêu đãi du khách gần xa.

Trần Vũ

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục