Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đặc trưng ngôn ngữ trong “hát nhà tơ - hát cửa đình” Quảng Ninh

Cập nhật ngày: 22/11/2012 - 05:39

Tôi không ngạc nhiên khi nhận ra trong các bài ca “Hát nhà tơ - hát cửa đình” Quảng Ninh có một số bài lẩy ra từ thơ ca cổ điển Việt Nam, chẳng hạn như: “Quân tạo hoá trêu ngươi chi tá/ Đem sắc tài đúc cả vào khuôn/ Hiên thì thấp thoáng trăng tròn/ Gió vàng hiu hắt như khuôn mặt sầu/ Niềm tâm sự thấp cao mọi lẽ/ Tình cảnh này biết kể cùng ai/ Chống tay ngồi nghĩ thở dài/ Bực mình muốn gửi mấy lời phân vân…”.  Nhưng tôi lại rất ngạc nhiên vì trong đó có nhiều câu hay mà tôi chưa thấy có trong các tập sưu tầm ca dao đã xuất bản từ nhiều năm trước đây. Tôi rất yêu hình ảnh lão làng ra đình, được viết rất gợi cảm, câu thơ sinh động, sung mãn, đầm ấm mà vẫn ngang tàng: “Người làng đây, phơ phơ đầu bạc/ Bước ra đình con cháu theo sau/ Chiềng làng quan, cụ lão đi đâu/ Già thong thả ra đình nghe hát/ Áo mặc vào, chân đi chữ bát/ Mũ đội đầu, tay lại vẫy ngang...”.  Nhiều câu ca ngợi quê hương, sông nước, xóm làng v.v. rất, nhuần nhị, ngôn ngữ là ngôn ngữ mang tính biểu cảm của thi ca: “Chim bay về sườn núi Lục Sơn/ Ve gọi sầu, chim nhạn rủ rê đàn/ Sông lai láng tràn ra cửa bể/ Non lại tạnh, ánh trăng vàng xê xế/ Thuyền đung đưa đủng đỉnh tiếng chày/ Chú tiều phu chở củi chất đám mây…”.  Hình ảnh chú tiều phu chất củi như chất đám mây lên xe là rất mới, chưa thấy trong thi ca tương tự về đề tài này. Tôi ngờ là bài ca trên do một nhà nho khá sành thơ cổ điển Trung Hoa sáng tác, bởi cái tiếng chày đủng đỉnh trong ánh trăng xế vàng, có lẽ là thoát thai từ tiếng chày đập vải quen thuộc của thơ Đường, và dù có như thế, không gian của bài thơ vẫn bát ngát, khí hậu vẫn hài hoà, riêng biệt.

Nghệ nhân dân gian Đặng Thị Tự, ở xã Đầm hà (huyện Đầm Hà), mặc dù đã trên 90 tuổi, nhưng vẫn còn nhớ 39 bài hát nhà tơ, với 746 câu, thuộc 9 giai điệu cổ.

Nhiều câu gợi cảm khác: “Chênh bóng nguyệt đầu ghềnh góc núi/ Hiên chờ mây, bướm lượn vai mòn”… Hình ảnh “Chênh bóng nguyệt…”, “hiên chờ mây…” rất hay, là sáng tạo chữ của nhà thơ. Hoặc câu ca rất sinh động: “Trên ngàn gió cuốn rung cây/ Dưới khe cá lượn, chim bay về ngàn...”.

Có một số nội dung khác được nói đến nhiều là tình yêu, đi thi đỗ đạt, nỗi niềm nhân thế về sự ăn ở ở đời và thờ phụng bố mẹ tổ tiên. Vì bài viết không nhằm khám phá nội dung mà chỉ tìm hiểu về vẻ đẹp ngôn ngữ của lời ca, nên tôi chỉ xin nói đôi điều về tình yêu trai gái, mà tôi thấy về nghệ thuật ngôn từ có những nét đặc sắc. Tình yêu cũng lắm vẻ: “Yêu nhau yêu vụng, yêu thầm/ Yêu liếc con mắt, yêu cầm cổ tay…”. Câu  “yêu liếc con mắt, yêu cầm cổ tay” là rất hay, tinh tế, cho thấy tác giả là một nhà thơ có tài. Cảnh chia tay: “Bước đường từ lúc chia phôi Nhạn nam én bắc, mỗi người một phương”.  Hình ảnh nhạn, én thay cho người, làm cho sự chia xa đã được tình cảm hoá, cao sang và sâu sắc. Ngôn ngữ của ca từ như thế là ngôn ngữ thơ có giá trị nghệ thuật.

Nhiều câu thể hiện rất rõ bút pháp truyền thống của ca dao đồng bằng Bắc bộ:

“Bây giờ sum họp trúc mai/ Xin chàng đừng ở ra hai tấm lòng/ Đừng nghe miệng thế xa xôi/ Đừng thấy vắng mặt mà nguôi tấm lòng…” Có khi ý tứ rất giản dị: “Muốn cho gần bến gần thuyền/ Gần cha, gần mẹ, nhân duyên càng gần”. Có câu hay đến không ngờ: “Bẻ một cành lá cắm đây/ Sang năm thì cứ nẻo này mà sang…”. Sang năm thì cành lá đã khô, và cũng có thể là đã mất rồi, nhưng cái nẻo cắm của lòng người thì tôi chắc suốt đời không quên được. Bất cứ nhà thơ nào, viết được một câu thơ như thế, đều đáng được kính trọng.

Lại có câu thắm thiết mà bâng khuâng, ngổn ngang bao nỗi niềm về tương lai, đọc mà nao lòng: “Em thương anh lắm, anh ơi/ Biết rằng lên ngược xuống xuôi đường nào…”. Hoặc: “Loan thương phượng lắm, phượng ơi/ Đang ăn nhớ đến lại rời đũa ra/ Đêm năm canh, em ngủ có ba/ Còn hai canh nữa em ra trông trời…”.

Tình yêu trong lòng người phụ nữ thắm thiết đến như thế, cũng cao sang đến như thế, làm tôi vô cùng xúc động. Nếu biết câu này là của cô gái nào, người đàn bà nào, tôi chỉ ao ước một lần được nhìn thấy mặt, mà bày tỏ lòng cảm phục, ngưỡng mộ. Không phải nhà thơ tình nào cũng viết được hai câu ý tứ sâu xa như thế này: “Thương cho đến chiếu đến giường/ Thương cho đến chỗ phòng hương anh nằm”. Nhiều hình ảnh ví von rất hợp lý và có ý nghĩa: “Nếu anh là một con thuyền/ Thì em là gái dáng chuyên đưa đò/ Nếu anh là một cánh diều/ Thì em là gió lựa chiều bay cao…”.  Quả thật là “sang vì vợ”, nếu em là gió cho cánh diều anh bay cao…

Và như thế, cả không gian và thời gian nghệ thuật đều được làm mờ bằng đặc trưng của nghệ thuật thi ca phương Đông. Đây là điều làm cho những câu ca tiêu biểu của “Hát nhà tơ - hát cửa đình” Quảng Ninh khu biệt với kho tàng ca dao dân ca đồng bằng Bắc bộ của các tỉnh khác. Có đặc điểm này, như tôi đã nói ở trên, đây không phải là lời ca tiếng nói của quảng đại nhân dân, rồi được nhân dân nhuận sắc qua nhiều năm, như hầu hết các câu ca dao được sưu tầm ở nhiều tỉnh thành khác, mà rõ ràng nó là sáng tác ẩn danh của các nhà nho có tài làm thơ…

Lời ca trong những câu trên của “Hát nhà thơ - hát cửa đình” Quảng Ninh nằm ở ranh giới giữa ca dao và thơ cổ điển, mang dấu ấn khá rõ của lao động thơ, đó là thơ của nhà thơ đã được dân gian hoá. Tất nhiên không phải câu ca nào trong “Hát nhà tơ - hát cửa đình” Quảng Ninh cũng đều đạt được “đẳng cấp” như vậy, nhưng cũng không ít. Và nó là nét làm nên giá trị của loại hình thi ca này ở Quảng Ninh.

Theo Báo Quảng Ninh


 
Liên kết hữu ích