BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đặc trưng văn học, nghệ thuật miền Đông Nam bộ 

Cập nhật ngày: 23/09/2023 - 00:03

BTN - Chiều 21.9, tại Tây Ninh, Hội Văn học - Nghệ thuật các tỉnh miền Đông Nam bộ tổ chức hội thảo “Đặc trưng văn học nghệ thuật miền Đông Nam bộ”.

Hội viên Chi hội Nhiếp ảnh - Hội VHNT tỉnh Tây Ninh sáng tác ảnh tại làng nghề đan mây tre Long Kim (phường Long Thành Trung, thị xã Hoà Thành). Ảnh: Tâm Giang

Tham dự có ông Vương Duy Biên- Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH, đại diện các Hội Văn học - Nghệ thuật vùng Đông Nam bộ. 

Trong bài phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vương Duy Biên đánh giá, những năm qua, các Hội Văn học - Nghệ thuật khu vực Đông Nam bộ đã phối hợp, có nhiều hoạt động chất lượng, bám sát đời sống văn học nghệ thuật nước nhà, góp phần khẳng định tính đúng đắn của đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn học nghệ thuật, góp phần quan trọng đối với sự nghiệp “Xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”.

Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá X) khẳng định: “Văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam [...] Văn nghệ sĩ, người chiến sĩ xây dựng và phát triển nền văn nghệ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cần phát huy lòng yêu nước nồng nàn, gắn bó máu thịt với nhân dân, nêu cao trách nhiệm công dân, sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị phụng sự đất nước và dân tộc”.

37 năm đổi mới đất nước, Đảng luôn coi trọng quyền tự do sáng tạo và cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ; chăm sóc, đào tạo, bồi dưỡng tài năng văn học nghệ thuật, đồng thời, Đảng cũng yêu cầu văn nghệ sĩ có trách nhiệm đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của đất nước. Thực hiện quan điểm và yêu cầu đó, các cơ quan văn học, đội ngũ văn nghệ sĩ nước ta đã cố gắng bắt nhịp với cuộc sống sôi động, phong phú của sự nghiệp đổi mới, phản ánh được khát vọng chân, thiện, mỹ của nhân dân; xu thế đi lên của đất nước và thời đại. Nhờ sự mở rộng về biên độ sáng tạo, tư duy nghệ thuật, quan niệm nhân sinh của văn học nghệ thuật thời kỳ đổi mới nên văn học nghệ thuật nước nhà vừa phản ánh được những nỗ lực và thành tựu của công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; phát hiện, cổ cũ những nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong đời sống xã hội; xây dựng văn hoá và con người Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những tha hoá về nhân cách, đạo đức, lối sống, nhất là những mặt trái, mặt phi nhân tính do nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế mang đến.

Đất nước ta cũng như nhân loại đã và đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi to lớn và cả những thách thức, khó khăn không nhỏ từ mặt trái của quá trình toàn cầu hoá, của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, của cơ chế kinh tế thị trường. Nếu chúng ta không đủ bản lĩnh, trí tuệ, biết chọn hướng đi, cách làm... chắc chắn chúng ta sẽ không khai thác và tận dụng tối đa mặt thuận lợi và các cơ hội to lớn; khắc phục khó khăn, thách thức. Trước bối cảnh ấy, văn học nghệ thuật miền Đông Nam bộ, với đặc trưng, thế mạnh đặc thù riêng đã làm gì và đã hiện diện như thế nào? Những vấn đề nào trong đời sống xã hội hiện đại đã trở thành sức hút, sức hấp dẫn đối với văn học nghệ thuật? Làm thế nào để văn nghệ sĩ Đông Nam bộ ý thức rõ hơn về vai trò, nhiệm vụ, sứ mệnh của mình trước đất nước và nhân dân? Làm thế nào để văn nghệ sĩ sẵn sàng dấn thân, nhập cuộc bằng tâm huyết, trí tuệ, tài năng, bản lĩnh và ý thức trách nhiệm công dân để nắm bắt và chuyển hoá sự ngổn ngang, bề bộn, nhiều mặt phức tạp của hiện thực đổi mới đất nước thành tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu, chân chính?

Các nghệ sĩ trẻ của Trung tâm Văn hoá tỉnh tham gia chương trình cải lương tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới tại 20 xã trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Hoàng Yến

Chủ đề của hội thảo là sự tập hợp, lắng nghe, tiếp thu ý kiến sâu sắc, xác đáng của các cơ quan chức năng, của các đồng chí lãnh đạo Hội Văn học - Nghệ thuật các tỉnh vùng Đông Nam bộ, của các nhà khoa học và đội ngũ văn nghệ sĩ.

Ông Vương Duy Biên đề nghị những người tham gia hội thảo làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về đặc trưng của văn học nghệ thuật miền Đông Nam bộ. Trên cơ sở đó, xác lập sự tương đồng và khác biệt của văn học nghệ thuật miền Đông Nam bộ với văn học nghệ thuật các khu vực, vùng miền khác trong cả nước và thấy được vị trí, vai trò, đóng góp của văn học nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ vùng Đông Nam bộ trong quá trình đồng hành cùng sự phát triển đất nước.

Từ thực tế của từng lĩnh vực văn học nghệ thuật, từng địa phương vùng Đông Nam bộ, cần đánh giá thực trạng sự vận động của đặc trưng văn học nghệ thuật vùng Đông Nam bộ, để từ đó nhận thức đúng đắn hơn vai trò, đóng góp của văn học nghệ thuật trong việc góp phần phản ánh sự nỗ lực, sáng tạo và thành tựu công cuộc đổi mới đất nước 37 năm qua.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phạm Hùng Thái nhìn nhận, miền Đông Nam bộ là mảnh đất giàu truyền thống về đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tôc, có nền văn hoá phong phú, đây là chất liệu để văn nghệ sĩ sáng tác, trong đó, âm nhạc có nhiều tác phẩm giá trị. Trong lĩnh vực mỹ thuật, dẫu sao, miền Đông Nam bộ cũng chưa thể phát triển, phong phú như đồng bằng sông Hồng. Trong giai đoạn hiện nay, ông Phạm Hùng Thái nhấn mạnh rằng, xã hội đã và đang rất cần, rất trông đợi vào những tác phẩm mới thật sự có giá trị nghệ thuật. Lấy âm nhạc Tây Ninh làm ví dụ, ông Phạm Hùng Thái bình luận, cho đến nay, cũng chỉ mới có bài ca cổ “Chuyến xe Tây Ninh” của soạn giả Thanh Hiền thật sự có giá trị nghệ thuật. Tây Ninh còn nhiều bài hát hay nhưng vẫn chưa đạt đỉnh cao nghệ thuật để đi vào lòng người.

Phát biểu tổng kết hội thảo, ông Vương Duy Biên- Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam nói rằng, mỗi người sáng tác có lý do riêng để theo đuổi đam mê, cá tính sáng tạo, phong cách nghệ thuật. Người nghệ sĩ phải có năng khiếu nhưng tài năng không phải khi nào cũng xuất hiện. Vì thế, không thể có ngay tác phẩm sau mỗi lần mở trại sáng tác hay thực hiện theo nghị quyết. “Chúng ta đang xây dựng công nghiệp văn hoá, trên quan điểm này, mỗi văn nghệ sĩ cần xây dựng thương hiệu cho mình”- ông Vương Duy Biên nói.

Hội thảo lần này tập trung vào các lĩnh vực văn học, âm nhạc, hội hoạ, nhiếp ảnh, đờn ca tài tử… Trong lĩnh vực mỹ thuật, giới nghiên cứu đánh giá, miền Đông Nam bộ không có đình chùa to đẹp nhất nhưng lại có nhiều ngôi nhà cổ đẹp nhất cả nước. Lý do, những ông đại điền chủ trong vùng này có nhiều tiền, khi người Pháp chiếm đóng, họ cũng không yêu cầu chủ nhà làm nhà theo khuôn mẫu, do đó, nơi đây có nhiều ngôi nhà cổ đẹp. Về phong cách sáng tác, do hoàn cảnh lịch sử, những hoạ sĩ trong khu vực Đông Nam bộ chịu ảnh hưởng sáng tác của nghệ thuật phương Tây. Năm 1962, tại huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, một đơn vị có tên gọi “Phòng hội hoạ giải phóng” ra đời. Như vậy, Tây Ninh là cái nôi của hội hoạ giải phóng trong những năm đất nước còn chia cắt. Sau ngày đất nước thống nhất, nghệ thuật hội hoạ vùng Đông Nam bộ có bước phát triển mới, vì có sự đóng góp của nghệ sĩ trong khắp cả nước.

Âm nhạc Nam bộ là sự kế thừa âm nhạc người Việt từ đồng bằng Bắc bộ vào Nam mở cõi, tiếp nhận thêm ảnh hưởng âm nhạc miền Trung, đặc biệt là âm nhạc cung đình Huế. Dần về sau kết hợp với âm nhạc dân gian các tộc người anh em tại địa phương, tạo nên sự phong phú đa dạng không lẫn với các vùng miền khác. Âm nhạc Nam bộ bao gồm các điệu lý, hò, vè, hát ru, nhạc lễ, đồng dao, nói thơ, đờn ca tài tử, cải lương.

Trong dàn hoà thanh đa dạng ấy, mang tính phổ biến rộng rãi là những câu hò, điệu lý sâu lắng, mượt mà, cùng nghệ thuật đờn ca tài tử đã trở thành một phần máu thịt của người dân Nam bộ. Đó chính là cái chung của cả âm nhạc miền Đông và miền Tây. Đến khi tiếp nhận thêm âm nhạc phương Tây, thì cùng với những làn điệu dân gian ngũ cung, lại có thêm những âm giai, điệu thức mới cho đến ngày nay.

Việt Đông