Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đặc vụ xóa sổ 'địa ngục chim trời': Cuộc chiến không khoan nhượng
Thứ sáu: 09:42 ngày 20/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Vì sao danh xưng tai tiếng “địa ngục chim trời” ở miền Tây đã nhiều năm ầm ĩ và tốn không biết bao nhiêu giấy mực nhưng đến nay vẫn chưa thể ngăn chặn, xử lý?


Cá thể rái cá thuộc nhóm 1B, có trọng lượng 8kg, được rao bán tại gian hàng buôn bán chim trời có tên Yên Tâm ở chợ Thạnh Hóa. (Ảnh: H.V/Vietnam+)

Chỉ còn ít ngày nữa là tới hạn chót Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải hoàn thành việc soạn thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về nghiêm cấm mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã; Trình Thủ tướng Chính phủ để chuẩn bị ban hành, hướng tới việc “xóa sổ” thị trường buôn bán động vật hoang dã trái phép, đảm bảo phòng chống dịch Covid-19, cũng như đảm bảo hệ sinh thái đa dạng sinh học.

Vậy nhưng, ghi nhận của phóng viên VietnamPlus trong các ngày 9-14/3, ở vùng “đặc khu” buôn bán động vật hoang dã quy mô lớn nhất cả nước tại tỉnh Long An cho thấy mọi hoạt động mua, bán, tàng trữ, giết hại động vật nằm trong “sách đỏ” Việt Nam vẫn tiếp diễn như “chưa có chuyện gì xảy ra”.

Tại đây, mỗi ngày có tới hàng trăm nghìn cá thể chim, cò tự nhiên và rùa, rắn các loại bị giam nhốt trong vô số lồng sắt, lần lượt bị lôi ra đập đầu, vặt lông, thui sống... khiến bất cứ ai đi qua cũng không khỏi rùng mình.

Thậm chí, theo điều tra của phóng viên, tại khu chợ có một không hai này còn có cả cả những đường dây xuất lậu, tuồn bán một lượng lớn “hàng sống” và “hàng đông lạnh” động vật hoang dã đi các tỉnh, thành phố trên cả nước để tiêu thụ, theo đủ đường vận chuyển từ đường bộ, đường tàu đến cả đường hàng không.

 Đáng nói là, để hình thành được vùng “đặc khu” buôn bán, sát hại động vật hoang dã quy mô lớn nhất nước và tồn tại suốt hơn chục năm qua, các đầu nậu đã săn bắt, gom “hàng” từ hoang dã, từ tự nhiên, từ các cơ sở gây nuôi thương mại trá hình.

Đây cũng là “khối băng chìm” đang bị các đối tượng xấu lợi dụng để “khai thác,” gây khó khăn cho công tác bảo tồn, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, ảnh hưởng sức khỏe con người. 

Để rõ hơn về thực trạng trên, mời độc giả cùng phóng viên VietnamPlus ''đi vào thực tế'' để rõ hơn về vùng “đặc khu” buôn bán, sát hại động vật hoang dã trái phép lớn nhất nước, cũng như những khoảng tối "có vấn đề" trong công tác quản lý của các cấp địa phương.

Từ đó rộng đường dư luận hiểu vì sao danh xưng tai tiếng “địa ngục chim trời” ở miền Tây đã nhiều năm ầm ĩ và tốn không biết bao nhiêu giấy mực nhưng đến nay vẫn chưa thể ngăn chặn, xử lý?

Bài 1: Đường đi của chim từ rừng xanh, trời cao... lên đĩa

Nhắc đến vùng “đặc khu” buôn bán, sát hại động vật hoang dã trái phép lớn nhất nước tại tỉnh Long An, chắc hẳn nhiều người không còn xa lạ, nhất là khi Báo Điện tử VietnamPlus vừa qua đã có loạt bài phản ánh ngay trước thời điểm xuất hiện dịch bệnh Covid-19 mà theo giới khoa học nhận định là bắt nguồn từ việc ăn thịt động vật hoang dã.

Ngay sau đó, hoạt động mua bán tại “khu chợ đen” này cũng giảm đi nhiều.

 

Cá thể khỉ thuộc nhóm 1B, bị rao bán tại gian hàng buôn bán chim trời có tên Diễm My ở chợ Thạnh Hóa. (Ảnh: H.V/Vietnam+)

Vậy nhưng, như “thói quen khó bỏ” của người buôn kẻ bán và sự “vô cảm” hay "bất lực" của chính quyền các cấp địa phương, nên chỉ sau thời gian ngắn, mọi hoạt động mua, bán, tàng trữ, giết hại động vật hoang dã trái phép tại khu chợ này lại diễn ra rầm rộ như “chốn không người.”

Thậm chí, nhiều gian hàng còn ngang nhiên tuồn bán động vật “sách đỏ” tới các thị trường lớn bằng cả xe đông lạnh, máy bay.

Những 'cuộc tàn sát' chim trời

Trong vai người đi mua chim tự nhiên đưa ra thành phố Hà Nội để phục vụ chuỗi nhà hàng “chim to dần,” người viết không khỏi xót xa trước cảnh “ngục tù,” sát hại động vật hoang dã quý, hiếm bất hợp pháp nhưng lại diễn ra công khai như một vùng “đặc khu” với hàng chục “cỗ máy” chuyên sát hại động vật hoang dã ở chợ nông sản Thạnh Hóa, hay còn gọi là “địa ngục chợ chim trời” lớn nhất cả nước.

Sở dĩ, có tên gọi “địa ngục chợ chim trời” là bởi nơi đây, chim, cò, giang sen, điên điển, trích cồ, đại bàng,… với đủ loài hoang dã đang ngày đêm bị các cửa hàng “giam nhốt,” sát hại. Tới bất cứ gian hàng nào, khách hàng cũng dễ dàng thấy cảnh chim cò bị bẻ cánh, chọc mắt, vặt lông, thiêu sống, tiếng kêu thảm thiết.

Đó là chưa kể hàng trăm chiếc lồng sắt với hàng trăm ngàn cá thể rắn, rùa và các loài động vật quý hiếm thuộc nhóm 1B như rãi cá, chim trích cồ, công, rùa vàng… cũng liên tiếp bị chủ các cửa hàng lần lượt túm cổ lôi ra mổ bụng, hay đổ thẳng vào xô nước nóng rồi moi ruột, xẻ thịt bán cho khách du lịch đi qua đường.

Điều đáng nói là, hoạt động mua bán động vật hoang dã tại đây diễn ra với 'quy mô khủng khiếp,' như lời chị Đào - chủ một cửa hàng ở chợ Thạnh Hóa (Long An) tuyên bố: “khách cần bao nhiêu cũng có.”

“Chị  với em, 100% chim ở đây là ‘hàng’ lấy từ tự nhiên do người dân đi bẫy ở ngoài đồng, ngoài rừng tự nhiên (như vùng đệm các Vườn Quốc gia Tràm Chim, Khu Bảo tồn thiên nhiên Láng Sen), chứ nuôi bán bao giờ mới có lãi...”, chị Đào khẳng định.  

Hàng loạt cá thể chim hoang dã bị sát hại, bày bán tại chợ nông sản Thạnh Hóa. (Ảnh: H.V/Vietnam+)

Thấy khách vẫn chưa tin, Đào dẫn khách sang gian hàng chuyên đựng đồ đông lạnh ở phía sau rồi mở hai chiếc tủ chứa hàng trăm cá thể chim đã được làm thịt, chờ đưa đi tiêu thụ.

“Ở đây tiền điện đắt, tận 7.000/kw điện, nên chỉ để vài tủ thôi, chứ ở nhà còn mấy cái đang để chim nữa,” Đào nói và nhắn nhủ “nếu em lấy, làm ăn lâu dài thì để bảo anh nhà chị liên hệ nói chuyện với em vì anh ấy thường xuyên gửi hàng này ra Bắc.”

Đúng như lời hẹn, chiều cùng ngày, một người đàn ông tên Phong gọi điện và nhắn nhủ “hàng của anh trực tiếp thu mua của người dân đi săn, bẫy bắt ngoài tự nhiên ở khắp các tỉnh miền Tây, nhiều nhất là Đồng Tháp. 'Cưng' (em) cần lúc nào cũng có. Ở ngoài Bắc, anh chuyển ra liên tục nên 'cưng' cứ yên tâm.”

Để nắm thêm thông tin, tôi hẹn ông Phong tại chợ Thạnh Hóa, đúng lúc ông vừa giao gần 70kg chim các loại cho các cửa hàng tại chợ. “Cưng thấy đấy, cả khu chợ này, riêng hàng chim, phần lớn là anh giao. Ngoài ra, từ tháng 3-9/2019, mỗi ngày anh còn chuyển ra Bắc 300 con chim các loại,” ông Phong nói và ước tính trong thời gian đó có khoảng hơn 80.000 con chim, tương đương hơn 16 tấn.

Không chỉ ông Phong hay chị Đào mới có thể làm được việc buôn bán, tẩu tán động vật hoang dã phi pháp trên, mà tại khu chợ này, bất cứ chủ cửa hàng nào khi được hỏi về khả năng “tuồn” chim trời ra Bắc đều khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng “cần sẽ có hàng chuyển tới tận tay, hỏng con nào trừ tiền con đó!”

Đường đi của chim từ rừng xanh, trời cao ... lên đĩa

Vậy làm cách nào mà các “ông trùm,” “bà trùm” chim trời tại vùng “đặc khu” buôn bán, sát hại động vật hoang dã trái phép lại dễ dàng “tuồn” một lượng lớn chim, cò hoang dã quý, hiếm ra Bắc như vậy, và đường đi thế nào?

Theo tiết lộ của chị Đào: “nếu lấy chim tại đây sẽ có hàng sống và hàng đông lạnh (đã làm thịt sẵn), được chuyển bằng xe khách, xe đông lạnh và cả máy bay.”

Theo đó, mọi thủ tục liên quan đến việc “chạy” giấy tờ và đưa hàng tới người mua, bên Đào sẽ lo. “Nếu có rủi ro thì khách chịu cho ít,” Đào nói nhưng cũng không quên nhắn nhủ rằng “nói thế thôi chứ từ trước đến giờ có lúc nào bị bắt đâu.”

Để tăng sự thuyết phục mối hàng mới, ông Phong mở tin nhắn các giao dịch trên điện thoại ra "khoe" và cho biết "nếu khách lấy hàng sống sẽ chuyển bằng đường máy bay, tụi này có đường dây và người quen nên gửi rất dễ, nhưng mỗi gửi đường này thì phí cao, mỗi 1kg mất tới 75.000 đồng tiền phí.”

Những cá thể chim trời vừa mới sinh ở ngoài tự nhiên đã bị bắt về rao bán tại chợ nông sản Thạnh Hóa. (Ảnh: H.V/Vietnam+)

Với hàng đông lạnh, ông Phong cho biết sẽ gửi xe đông lạnh Quang Minh có trụ sở ở quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, sau hai ngày hai đêm là ra đến Hà Nội.

Theo đó, bên đối tác vận chuyển sẽ chịu mọi trách nhiệm khi vận chuyển và giao hàng tới tận nơi, mỗi 1kg chim ra Hà Nội sẽ thu cước phí khoảng 8.000 đồng.

“Nếu 'cưng' lấy hàng sống, anh sẽ chuyển ra Hà Nội và bao mọi chi phí, khi nhận hàng thì trả tiền. Nếu lấy hàng đông lạnh và số lượng nhiều thì hiện tại kho của anh ở bên Bến Tre đang có 3 tủ lớn với khoảng 7.000 con, tất cả đều là chim hoang dã,” ông Phong nói và cho biết hai bên chỉ cần giao dịch qua zalo, số tài khoản.

Để kiểm chứng thông tin, người viết đã theo chân ông Phong tới tỉnh Bến Tre để “kiểm tra hàng” đồng thời liên hệ với nhà xe Quang Minh theo số điện thoại công khai trên mạng, ngỏ ý muốn chuyển chim hoang dã ra Hà Nội.

Tuy nhiên, ở đây chủ nhà xe cho biết: hàng chim cò phải có giấy kiểm dịch, rùa rắn hay loại quý hiếm thì phải có giấy tờ của kiểm lâm và xác nhận của chính quyền địa phương.”

Tuy nhiên, theo lời ông Phong, thì đây chỉ là hình thức vì “khách hàng chưa quen biết nên họ nói thế để đề phòng. Còn anh gửi thì vô tư. Nếu 'cưng' lấy, anh sẽ lo."

Quay trở lại với khu chợ Thạnh Hóa, phóng viên tiếp tục ghé vào gian hàng chuyên bán chim trời có tên là Yên Tâm. Dù nằm sâu ở phía sau chợ, nhưng khi nhắc đến, dường như bất cứ ai ở khu chợ này cũng biết bởi bà là một trong những người đầu tiên đưa chim trời, động vật hoang dã về “bán lậu công khai” ở chợ.

Cũng nhờ đó, bà có rất nhiều đầu mối, “bạn hàng” lớn ở khắp các tỉnh thành ở miền Nam và cả Hà Nội, với số lượng hàng tuồn bán lên tới hàng trăm cá thể chim, cò… mỗi ngày.

Tại gian hàng của bà Tâm còn có các cá thể động vật hoang dã quý, hiếm thuộc nhóm 1B và 2B như rái cá, gà đẫy, giang sen, và các loài rắn...

Khi chúng tôi vào hỏi chuyện, chủ gian hàng đã chuẩn bị sẵn 5 lồng chim, cò các loại còn sống, đang  chờ xe khách đến “ăn hàng,” vận chuyển đi các tỉnh, thành phố phía Nam tiêu thụ. Chỉ ít phút quan sát, đã có tới 2 chiếc xe khách vào lấy hàng chuyển đi hướng Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh.

Thấy chúng tôi ngỏ ý muốn mua số lượng lớn chim tự nhiên để đưa ra Hà Nội tiêu thụ, bà Tâm - chủ gian hàng giới thiệu hàng loạt loại chim đang có tại đây. Rồi bà lấy giấy bút ra ghi tên từng loại chim và giá cả. Bà cho biết lấy bao nhiêu hàng cũng có và vận chuyển thoải mãi vì 'chỉ cần sang kiểm lâm mua tờ giấy vận chuyển' là có thể chuyển hàng ra tận Hà Nội.”

“Hàng của tôi chuyển ra ngoài đó chủ yếu là đông lạnh, mỗi lần chuyển đều phải xin giấy phép bên kiểm lâm và mất phí khoảng 3 triệu đồng. Còn hàng sống thì chuyển máy bay và phí sẽ cao hơn,” bà Tâm nói và khẳng định “nếu lấy hàng nhà chị thì 'cưng' yên tâm là 100% hàng tự nhiên và cần lúc nào cũng có hàng ngay để gửi ra”.

Nguồn Vietnam+

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục