BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đại biểu Quốc hội quan tâm đến vấn đề thu hồi đất đai

Cập nhật ngày: 06/11/2013 - 06:02

Ngày 5.11, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã dành trọn 1 ngày thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Kết thúc phiên thảo luận buổi sáng đã có 18 vị đại biểu (ĐB) Quốc hội phát biểu ý kiến. Nhìn chung các ý kiến của các vị ĐB Quốc hội rất phong phú, sôi nổi với nhiều lập luận, lý lẽ rất xác đáng, sâu sắc. Trong đó, quyền sử dụng đất, vấn đề thu hồi đất… là nội dung được các đại biểu tập trung cho ý kiến.

 

 ĐB Trần Đình Thu (Gia Lai) phát biểu ý kiến tại Hội trường (Ảnh: TTXVN)

ĐB Trần Đình Thu (Gia Lai) cho rằng đất nước ta trong giai đoạn phát triển, việc thu hồi đất để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo quy hoạch, bổ sung quy hoạch hoặc phát triển là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu quy định như trong Dự thảo, quá trình áp dụng sẽ dễ bị lạm dụng và không được ổn định lâu dài. Qua tiếp xúc cử tri, ĐB cho rằng để quy định chặt chẽ hơn thì nên chăng Khoản 3, Điều 54 quy định nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng an ninh, vì lợi ích quốc gia, công cộng là đủ. “Chỉnh lý theo hướng này vừa gọn, vừa bao quát được nội hàm về kinh tế - xã hội trong lợi ích quốc gia, công cộng và phù hợp với quá trình hội nhập phát triển kinh tế đất nước” – ĐB nhấn mạnh.

Còn ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho hay rất băn khoăn quy định trong mục 1, Điều 54 Dự thảo "đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật và quy hoạch”. ĐB lập luận, nếu chúng ta quy định quản lý theo quy hoạch thì vô hình chung đã đặt tính chất pháp lý của quy hoạch ngang với pháp luật. Thực tiễn quy hoạch diễn ra ở nhiều cấp, ở xã, huyện, tỉnh, quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch chiến lược.v.v... Các quy hoạch này cũng không tránh khỏi sự chồng chéo, có những quy hoạch thiếu khoa học, thiếu thực tế và đã được điều chỉnh nhiều lần, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây lãng phí đất đai trong thời gian qua, nhiều khi chúng ta quy hoạch, giải tỏa xong rồi nhưng còn để trống, lãng phí rất nhiều… “Theo tôi, quy hoạch chỉ là một phương hướng để sử dụng đất sao cho hiệu quả nhất. Sức mạnh của quy hoạch phải phụ thuộc vào tính khoa học, tính thực tiễn và hiệu quả của nó. Không nên áp đặt tính pháp lý cho công tác quy hoạch. Tôi đề nghị nên bỏ từ "quy hoạch" trong Điểm này. Vấn đề về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nên để cho luật định thì đúng tầm hơn.“ – ĐB đề nghị.

Xoay quanh quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được nhà nước giao quyền sử dụng đất, ĐB cho rằng quy định ngắn "người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất" rất cụ thể nhưng rất thiếu. Bởi vì thực tế người sử dụng đất có rất nhiều quyền: Quyền sang nhượng, cho tặng, thế chấp tài sản, góp vốn v.v...

Liên quan tới quy định "nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh, vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế xã hội. Việc thu hồi đất phải đảm bảo công khai, minh bạch, bồi thường theo đúng quy định của pháp luật", ĐB cho rằng việc thu hồi đất luôn là vấn đề thời sự, là rất cần thiết trong quá trình phát triển của đất nước nhưng nó luôn luôn tạo ra sự xung đột về lợi ích của người sử dụng đất với nhà nước, với các dự án do đó, cần phải được quan tâm đặc biệt vấn đề này.

Trên tinh thần đất đai là sở hữu toàn dân, ĐB đề nghị cần quy định rõ Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là cơ quan đại diện cho nhân dân xem xét quyết định mức độ cần thiết thì sẽ cẩn trọng hơn, có hiệu quả và khách quan hơn, tạo được sự đồng thuận cao trong quá trình thu hồi đất.

Ở một khía cạnh khác, ĐB Phan Văn Tường (Thái Nguyên) đề nghị thu hồi đất đảm bảo công bằng, hiệu quả và trách nhiệm nhà nước trưng dụng và thu hồi đất do luật định. Theo ĐB, thu hồi đất là thu hồi tư liệu sản xuất, không rõ trách nhiệm thì dù hạn chế thu hồi, bức xúc không giảm mà chuyển từ chủ thể này sang chủ thể khác. ĐB nhấn mạnh, xác định trách nhiệm là biện pháp hiệu quả nhất để hạn chế thu hồi và nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng đất. “Trách nhiệm rất mơ màng, lợi ích cá nhân thì rõ ràng, kết hợp với sự liên kết, cả nể, cầu an là nguyên nhân gốc tạo ra nghiệp buồn của thu hồi đất, chứ không phải do mục đích và phạm vi thu hồi” – ĐB phát biểu.

Cũng đề cập đến việc thu hồi đất, ĐB Nguyễn Viết Nhiên - TP Hải Phòng dẫn con số đơn thư khiếu nại, tố cáo có tới 70 đến 75% rơi vào lĩnh vực đất đai, đặc biệt việc thu hồi đất, giá đất, tái định cư, công ăn việc làm sau khi bị thu hồi đất. Từ đó ĐB bày tỏ tán thành cần phải quy định về thu hồi đất trong Hiến pháp, vì quyền sử dụng đất là quyền quan trọng của người dân cần phải quy định thật chặt chẽ những trường hợp thu hồi. ĐB cho rằng, đó sẽ là cơ sở quan trọng trong Luật đất đai quy định nhằm tránh việc lạm dụng thu hồi tràn lan, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

ĐB cũng đồng tình trong điều kiện phát triển kinh tế nước ta hiện nay vẫn cần phải thu hồi đất vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, ĐB băn khoăn việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, ĐB đề nghị nghiên cứu quy định việc thu hồi đất để phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện dự án, cần phải đảm bảo quyền và lợi ích của người dân khi bị thu hồi đất để tránh thiệt thòi cho người dân và giảm bớt đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân lên các cấp chính quyền.

ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) cho rằng vấn đề thu hồi đất là vấn đề được đông đảo nhân dân quan tâm, theo dõi, mong đợi sẽ được đón nhận bản Hiến pháp (sửa đổi) và Luật đất đai (sửa đổi) lần này sẽ tháo gỡ được những vấn đề bất cập hiện nay còn nhiều ý kiến khác nhau. ĐB tán thành nội dung quy định tại Khoản 3, Điều 54 của Dự thảo: Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định về quốc phòng, an ninh, về lợi ích quốc gia, trong phát triển kinh tế - xã hội./.

Theo Báo điện tử ĐCS