Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tinh thần đổi mới, hành động, hướng về cơ sở, Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên đã tổ chức triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ do Nghị quyết Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh nhiệm kỳ 2019-2024 đề ra.
Trong hai năm 2020-2021, đại dịch Covid-19 bùng phát, kéo dài đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội. Đặc biệt, đợt dịch lần thứ 4, Tây Ninh là một trong những “điểm nóng” của cả nước- trong khi điều kiện đáp ứng của y tế còn hạn chế, vaccine và các trang thiết bị y tế đều thiếu. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ mới, cấp bách của cả hệ thống chính trị, trong đó có MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên.
Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Tây Ninh trao kinh phí hỗ trợ bồn chứa nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn mặn tỉnh Long An.
Đại dịch covid-19: sáng ngời tinh thần đại đoàn kết
Hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn dân tham gia phòng chống dịch Covid-19” của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh uỷ và sự phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh, các sở, ngành, MTTQ các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên triển khai tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức, chủ động, tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19.
MTTQ các cấp trong tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt trong vận động, tập hợp sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, tinh thần tương thân, tương ái, tạo sự đồng thuận tham gia phòng, chống dịch trong các tầng lớp nhân dân; phát huy vai trò của các tổ chức thành viên, triển khai nhiều mô hình, cách làm hiệu quả, thiết thực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
MTTQ đã tổ chức phát động, kêu gọi ủng hộ phòng, chống dịch và hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng, khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19. Theo thống kê của MTTQVN tỉnh, kết quả, tổng giá trị tiền mặt và hàng hoá, vật tư y tế tiếp nhận là trên 114 tỷ đồng. Từ nguồn vận động, MTTQ Việt Nam các cấp đã phân bổ cho ngành Y tế phục vụ trực tiếp công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch trên tuyến đầu.
Tây Ninh là tỉnh có đông tín đồ tôn giáo, công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức tôn giáo trong phòng, chống dịch được đặc biệt quan tâm. Ở chiều ngược lại, các tổ chức tôn giáo đều chấp hành các quy định về phòng, chống dịch trong sinh hoạt tôn giáo, thực hiện giãn cách xã hội và tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của MTTQ cùng chung tay góp sức, đồng hành cùng các cấp chính quyền trong việc ủng hộ phòng, chống dịch với nhiều hình thức.
Các tổ chức tôn giáo đã ủng hộ quỹ phòng chống dịch và vaccine với tổng số tiền hơn 800 triệu đồng; hỗ trợ và trao tặng vật tư y tế, nước sát khuẩn, gạo, nhu yếu phẩm cho người dân và lực lượng phòng, chống dịch; phối hợp với MTTQ tổ chức các chuyến thăm, tặng quà cho các chốt phòng chống dịch trên tuyến biên giới và tham gia phục vụ trong các bệnh viện dã chiến, khu cách ly với tinh thần phụng sự, không ngại khó khăn.
Có thể nói, thử thách của đại dịch Covid-19 đã làm sáng ngời tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, làm sáng rõ “sức mạnh của lòng dân”.
Còn nhớ trong chương trình giám sát của Quốc hội khoá XV về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Tây Ninh, PGS.TS Trần Hoàng Ngân- Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, thành viên đoàn giám sát đã nhấn mạnh: “Phát huy tinh thần đại đoàn kết là một bài học quan trọng đối với cả nước nói chung và Tây Ninh nói riêng. Công tác huy động nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch, với những kết quả của tỉnh cho thấy niềm tin của người dân Tây Ninh vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền tỉnh, MTTQ các cấp là rất lớn và họ đã chung sức, tự nguyện đóng góp, chia sẻ cùng tỉnh vượt qua khó khăn, thách thức trong đại dịch”.
Tích cực góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội
Sau đại dịch Covid-19, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục là động lực, nguồn lực to lớn góp phần giúp Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Tây Ninh vượt qua khó khăn, phục hồi, tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Lãnh đạo UBMTTQVN tỉnh và huyện Tân Châu bàn giao nhà “Đại đoàn kết”.
Phát huy vai trò liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã khích lệ, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững; thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc tỉnh nhà.
5 năm qua, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được MTTQ và tổ chức thành viên triển khai thực hiện có hiệu quả, với nhiều cách làm mới, sáng tạo, phù hợp; chú trọng nâng cao chất lượng phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động lớn.
Nhờ đó, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 65/71 xã đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 92,95% (trong đó, có 25/65 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu); thị xã Hoà Thành được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2020 và 13 phường, 2 thị trấn trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh.
Tây Ninh cơ bản đã xoá xong nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh và góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận đa chiều từ 1,69% (năm 2019) xuống còn 0,5% (năm 2021), trong đó, không còn hộ nghèo tiếp cận đa chiều và giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 từ 1,81% xuống còn 0,65% (năm 2023).
Hoạt động tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ các cấp trong tỉnh được thực hiện hiệu quả, tạo được sự đồng thuận trong xã hội dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự điều hành của chính quyền trong thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hoá xã hội, an ninh quốc phòng, củng cố quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc tỉnh nhà.
Hoạt động phản biện xã hội của MTTQ được thực hiện bảo đảm quy định, quy trình; phát huy vai trò tham gia của các tổ chức thành viên, Uỷ viên Uỷ ban, các Hội đồng tư vấn, Mặt trận cơ sở và nhân dân. Trong nhiệm kỳ, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh chủ trì phản biện xã hội 147 nội dung (cấp tỉnh 18, cấp huyện 46, cấp xã 83). So với nhiệm kỳ 2014 - 2019, tăng 26 nội dung, tỷ lệ 21,4% (cấp tỉnh tăng 14, huyện tăng 8, xã tăng 4).
5 năm qua, kinh tế - xã hội của tỉnh đạt nhiều thành tựu quan trọng, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện; hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc tỉnh nhà được giữ vững; vai trò, vị trí của Mặt trận trong hệ thống chính trị được khẳng định. Hoạt động của Mặt trận và các tổ chức thành viên đã tạo niềm tin, sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần hiện thực hoá khát vọng đưa tỉnh Tây Ninh trở thành tỉnh khá trong vùng Đông Nam bộ.
Phương Thuý
Một số kết quả nổi bật nhiệm kỳ 2019-2024:
+ Phối hợp vận động 12,7 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới; giúp đỡ gần 20.000 hộ gia đình; vận động nhân dân hiến trên 75.134m2 đất làm đường; nâng cấp, sửa chữa 2.014km đường giao thông nông thôn; đóng góp trên 35.600 ngày công lao động; nạo vét 42,5km kênh mương nội đồng.
+ MTTQ, các tổ chức thành viên xây dựng triển khai và duy trì thực hiện 200 mô hình; trong đó, Mặt trận thực hiện 45 mô hình mới và 87 mô hình nhân rộng về cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
+ Vận động Quỹ “Vì người nghèo” đạt 174,41%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra; xây mới 1.616 căn nhà đại đoàn kết, sửa 284 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ khó khăn về nhà ở, thực hiện đạt 100% kế hoạch đề ra.
+ Hỗ trợ, ủng hộ trên 10 tỷ đồng giúp các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai bão lũ, ủng hộ thành phố Hà Nội khắc phục hậu quả hoả hoạn chung cư mini trên phố Khương Hạ, hỗ trợ các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau bị hạn mặn, hỗ trợ cho Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Tây Ninh…
+ Đóng góp 45 ý kiến đối với văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025; góp ý 68 dự thảo văn bản của Đảng; phối hợp tổ chức 5 hội nghị tiếp xúc đối thoại giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân, tổng hợp 195 lượt ý kiến người dân.
+ Góp ý 49 dự thảo luật, 17 dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành luật, 332 dự thảo văn bản của tỉnh; thực hiện thông báo xây dựng chính quyền định kỳ 2 lần/năm, đưa ra 32 nội dung kiến nghị đối với HĐND, UBND tỉnh; giám sát 31 cuộc kiến nghị 128 nội dung, phản biện xã hội 14 dự thảo văn bản, có 86 ý kiến phản biện.